Hành trình cao cả thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Những chuyện chưa kể trong hành trình tìm mộ liệt sĩ

Thứ Ba, 25/07/2017, 06:20
Dù vượt núi băng rừng, dù dấn thân vào chốn hiểm nguy để tìm dấu tích của các chiến sỹ đã ngã xuống, nhưng công việc mà những người lính thời bình cùng người thân, đồng đội các anh đã cố gắng chưa thể kết thúc. Vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sỹ đang nằm rải rác trong lòng đất. Còn hàng trăm nghìn gia đình ngày ngày mong ngóng được đón các anh về quê hương.



Bài cuối: Công việc mà người lính chưa thể kết thúc

Chuyện kể của người lính đi tìm hài cốt đồng đội

Nhớ lại những chuyến vượt núi băng rừng tìm kiếm hài cốt, Trung tá Phạm Xuân Tám (Đội quy tập thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An) trầm ngâm. Đã nhiều năm ông làm nhiệm vụ này, và lần nào nhắc đến, ông cũng ngậm ngùi. Công việc của các cán bộ sỹ quan Quân đội đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở nước bạn vô cùng khó khăn và gian nan.

Thời khắc xúc động khi tìm được mộ liệt sỹ.

Hai năm liền, từ 2004 – 2006, với vai trò Chính trị viên của Đội quy tập, ông cùng đồng đội đi sâu vào những cánh rừng của nước bạn Lào, nơi có những ngọn núi cao vút, vực sâu thăm thẳm và những khe núi hiểm trở. Công tác tìm kiếm được thực hiện theo thông tin từ thân nhân, cựu chiến binh, sơ đồ. Tuy nhiên, những nhân chứng của cuộc chiến nhiều người đã không còn hoặc còn nhưng tuổi cao sức yếu, không thể đến thực địa.

Có những thông tin phải lấy từ nước khác như Thái Lan, Mỹ… Hơn nữa, bom đạn cày xới, cây cối phát triển đã khiến mọi thứ khác xưa. Trong khi đó, hài cốt của những người lính lại chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa.

Trong khó khăn, sự giúp đỡ của dân quân nước bạn Lào càng tô thắm thêm tình thân giữa hai dân tộc. Trung tá Tám kể, các anh làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt luôn có sự phối hợp nhiệt tình của dân quân Lào. Lực lượng tìm kiếm thường đi sâu vào trong rừng, dựng lán ngủ qua đêm cả tuần.

Ở cao điểm 1433, địa hình hiểm trở của núi đá vôi. Để xác định được tọa độ, các chiến sỹ phải leo thang dây lên điểm cao. Thức ăn mang theo người là những món để được lâu ngày như gạo, đùm bánh (kiểu bánh chưng), ruốc bông… Có những điểm tìm kiếm phải đi 4 tiếng đồng hồ mới tới nơi lấy nước.

Do vậy nước uống đều được mang từ dưới chân núi lên. Nước uống mang theo không đủ dùng cho thời gian dài nên các anh phải sáng tạo ra cách lấy nước. Chặt cây chuối rừng rồi khoét lỗ, sáng hôm sau, nước từ thân cây chảy ra sẽ giúp các chiến sỹ bớt cơn khát. Nhưng thứ nước này không hợp với một số người nên gây ra bí tiểu.

Một kiểu lấy nước khác là các anh chặt cây tre để nước sương qua đêm rơi xuống ống tre rồi hút nước ra. Hoặc, cách lấy nước dễ hơn là dùng nước đọng trên lều bạt. Họ không dám dùng nước trong sinh hoạt cá nhân, nước chỉ dùng cho việc nấu ăn và uống. Dù dùng các cách khác nhau nhưng nước không đủ dùng nên các anh cần sự hỗ trợ của nước bạn. Cứ 2 ngày là dân quân nước bạn Lào lại gùi từng can nước đến điểm hẹn.

Dù khó khăn vất vả, nhưng các cán bộ sỹ quan trong lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sỹ luôn tâm niệm đây là công việc thiêng liêng cao quý. Họ không khỏi đau đớn khi tìm thấy những hố chôn tập thể, nhưng cũng vui mừng khôn xiết khi tìm được một thông tin quý giá trong lọ penixilin, hay mảnh nhôm khắc tên liệt sỹ.

Trung tá Lê Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 giao nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên địa bàn 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Xây Xổm Bun, nước bạn Lào và tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sỹ hy sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ gặp nhiều khó khăn, đã có nhiều hy sinh mất mát. 

Từ năm 1984 đến nay, đã có 9 đồng chí hy sinh, 13 đồng chí bị thương, 46 đồng chí mắc bệnh hiểm nghèo… Phía nước bạn Lào cũng có 5 đồng chí bộ đội hy sinh, 9 đồng chí bị thương trong quá trình phối hợp làm nhiệm vụ. Ghi nhận công sức và tâm huyết của Đội quy tập Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, năm 2001 Chủ tịch nước đã phong tặng cho Đội danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Làm tiếp công việc còn dang dở

Những cán bộ sỹ quan ở Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng hằng ngày vẫn trăn trở với từng hồ sơ, tài liệu và những lá đơn của thân nhân gửi về. Hành trình đi tìm hài cốt liệt sỹ vẫn dang dở và cần có thêm thời gian. Từ năm 2012 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm quy tập được 11.444 hài cốt liệt sỹ. Trong đó, hài cốt trong nước là 4.964, ở Campuchia là 4.516. Công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ càng được thực hiện rốt ráo hơn khi ngày kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ đang đến gần.

Hơn ai hết, những người lính hiểu rõ sự mong ngóng của gia đình thân nhân liệt sỹ và tự thấy trách nhiệm vất vả nhưng lớn lao, họ tìm kiếm với quyết tâm cao nhất. 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã quy tập được hơn 1.600 hài cốt liệt sỹ (trong nước gần 600, ở Lào gần 300, ở Campuchia hơn 700). Hiện cả nước có 19 đội quy tập làm nhiệm vụ tại Lào và Campuchia do Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh và Cục Chính trị quân khu quản lý. Việc tìm kiếm, quy tập được triển khai theo mùa khô (từ tháng 10 năm trước đến tháng 7 năm sau).

Từ năm 2013, Đề án 1237 tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ của Chính phủ được triển khai. Công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, địa phương tích lũy được kinh nghiệp trong tổ chức tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ, quan hệ hợp tác quốc tế về nhân đạo, giải quyết hậu quả sau chiến tranh ngày càng mở rộng và hội nhập sâu. Nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sỹ đã thôi thúc công tác này phải được thực hiện ngày càng tốt hơn.

Hiện còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sỹ cần phải tìm kiếm quy tập, trong khi đó công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do không còn nhân chứng, địa hình địa vật thay đổi…Thế nhưng, khắc phục mọi khó khăn, các nhân nhân liệt sỹ, các đơn vị đảm nhận trách nhiệm cao cả vẫn hằng ngày bám trụ nơi chiến trường xưa, vạch từng tán rừng, đào từng mét đất để tìm đón người lính trở về.

Còn nhiều người con anh hùng của Tổ quốc vẫn hòa mình trong lòng đất mẹ, dưới những con sông êm đềm chảy trong hòa bình... Chẳng cần tên tuổi, cũng chưa được trở về quê hương, nhưng họ không lẻ loi bởi luôn có đồng đội ở bên, luôn có thế hệ sau tưởng nhớ, biết ơn, nâng niu sự hy sinh xương máu ấy. Hãy cứ yên nghỉ bên đồng đội. Bởi, hành trình đi tìm và đón các anh trở về vẫn đang còn đang tiếp tục...

Việt Hà – Trần Hằng
.
.
.