Cổ ngoạn và trào lưu sưu tập đồ xưa

Thứ Ba, 13/09/2016, 08:55
Chưa bao giờ, phong trào chơi đồ cũ, đồ cổ lại nhộn nhịp như hiện nay. Người chơi đam mê kiếm tìm những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử trong từng hiện vật.


Bài 1: Từ chợ “ve chai” tới một thị trường ngầm

Những người chơi cổ ngoạn như một cơ hội để nâng tầm danh vọng khi đời sống vật chất đã khá giả hoặc như một kênh đầu tư cũng rất nhiều. Thú chơi không dành cho người ít tiền cộng thêm không ít những câu chuyện về cổ vật như “lớp áo” phủ mầu huyền hoặc khiến thế giới của những người yêu cổ ngoạn thêm hấp dẫn. Tuy nhiên, việc có được một thị trường minh bạch và không tiềm ẩn quá nhiều rủi ro như hiện nay vẫn là bài toán nan giải.

Cơn mưa tầm tã ngày cuối tuần không khiến chợ đồ cũ dấu xưa trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội thôi nhộn nhịp. Tranh thủ khoảng thời gian đợi khách, các nhà sưu tập kiêm chủ nhân các gian hàng trong chợ tranh thủ giao lưu, “khoe” đồ mới của nhà.

Cầm chiếc nhẫn gắn đá quý của nữ chủ nhân gian hàng nhỏ phía trước vừa trao, nhà sưu tập Lê Minh bổ sung vào tủ trưng bày toàn nhẫn của mình.

Anh cho biết, trao đổi hàng với nhau cũng là một cách mua bán khá phổ biến của các thành viên trong chợ nhằm mục đích làm đầy thêm bộ sưu tập của mình. Đặc biệt, với các món đồ đi theo bộ, nếu gom góp được đầy đủ cả bộ thì món hàng tăng giá trị lên gấp nhiều lần. Hàng được mua đi bán lại, được săn lùng trong chợ cũng không hẳn đều là những món đồ có giá trị trong mắt nhiều người.

Một buổi sinh hoạt cuối tuần của giới sưu tập tại café Cổ Ngoạn Tràng An.

Sự hiện diện của những chiếc bình vôi cũ kỹ trong gian hàng trưng bày của anh là một điển hình. Nếu chỉ vài thập kỷ trước, bình vôi là món đồ phổ biến trong phần lớn gia đình người Việt thì hiện nay, bình vôi gần như hoàn toàn vắng bóng. 

Anh Minh cho biết, nhiều năm trước, cứ nghe vùng nào còn có nhiều gia đình còn bình vôi là anh tìm đến hỏi mua. Nhiều gia đình, bình vôi không còn sử dụng, vứt lăn lóc ngoài vườn. Người mua muốn trả cho gia chủ bao nhiêu tiền cũng xong. Có khi, thấy anh bỏ một vài trăm nghìn để mang về một chiếc bình vôi ưng ý, nhiều người còn nhìn anh như thể… thần kinh không bình thường. 

Chiếc bình vôi, thứ đồ dân dụng phổ biến trong dân gian, đến giờ bị giới sưu tập vét gần sạch bách để bổ sung cho các bộ sưu tập của mình. Người muốn mua, dù có tiền, chưa chắc sở hữu nổi. Các món hàng mà chủ nhân trưng bày ở đây chỉ mang tính tượng trưng. Muốn xem hàng nhiều, hàng quý phải tìm đến tận nhà hoặc ở nơi khác.

Với giới sưu tập tranh và chơi cổ ngoạn, ngôi nhà ngay mặt phố Phan Đình Phùng hiện đóng cửa và chủ nhân của chúng – nhà sưu tập Nguyễn Minh là địa chỉ quen thuộc. Anh không chỉ nổi tiếng bởi sở hữu nhiều tranh quý của lớp họa sĩ Đông Dương mà còn là địa chỉ tìm đến của giới chơi cổ ngoạn nhiều năm trở lại đây. 

Nhà sưu tập cũng cho biết, cửa hàng chỉ là… địa chỉ mang tính tượng trưng vì phần lớn thời gian và công việc giao dịch của anh không nằm ở cửa hàng. Trong đó, những chuyến đi nước ngoài tìm kiếm hiện vật và tham gia các cuộc đấu giá thường chiếm một khoảng lớn trong quỹ thời gian của anh.

Chuyện mở cửa hàng nhưng không phục vụ giao dịch trong giới chơi cổ ngoạn không lạ. Nhà sưu tập Nguyễn Sơn tiết lộ, với rất nhiều nhà sưu tập lão luyện, các cửa hàng thường chỉ là hình thức để đối phó với cơ quan quản lý. Những nơi như thế, chiếm phần nhiều là đồ mới, không phải đồ quý, hiếm. 

Người chơi cổ ngoạn có những diễn đàn riêng theo từng nhóm, có khi là trên mạng xã hội, có khi sinh hoạt thành câu lạc bộ hoặc chỉ là tập hợp thành nhóm lớn, nhỏ theo tên tuổi, uy tín của người trong nghề. Đây cũng chính là nơi để người chơi trao đổi kiến thức, món đồ mình sở hữu. Thông tin về các món đồ cổ tuy kín đáo mà phát tán rộng rãi trong giới từ các “kênh” như thế. 

Tất nhiên, những món đồ mà các thành viên tự hào “khoe” ra với đồng nghiệp thường thuộc loại có giá trị nghệ thuật cao, giá giao dịch, nếu có thường rất cao. 

Với các thương vụ từ vài chục triệu đồng đến tiền tỷ, người mua và người bán lập văn bản, có người thứ ba chứng kiến nhằm phòng trường hợp tranh chấp hoặc tranh cãi mức độ thật, giả của món đồ. 

Người chứng kiến cũng thường là những người có uy tín về thẩm định cổ vật trong giới và càng có uy tín cao càng tốt. Chỉ có điều, đội ngũ những người thẩm định trọng chữ tín với mục đích “sống được” nhờ chữ tín không nhiều nên việc móc ngoặc với nhau để lừa đảo người mua có tiềm năng kinh tế nhưng mù mờ về chuyên môn được lan truyền trong cộng đồng không hiếm.

Đồ ngự dụng, bộ sưu tập trưng bày của nhà sưu tập Nguyễn Sơn.

Hơn chục năm gắn bó với nghề, những thương vụ và  chiêu thức lừa đảo như thế,  nhà sưu tập Nguyễn Sơn thu thập làm kinh nghiệm cho bản thân không ít. Anh cho biết, người mới chơi thường ham đồ và thường có tiềm lực về kinh tế. Đánh vào điểm yếu này, đối tượng thường “vẽ” ra một lai lịch hấp dẫn cho món đồ, kể cả chuyện các thành viên trong gia đình tranh chấp, không cho bán vì coi là gia bảo. Người mua cũng không nên tiết lộ chuyện mua bán vì nếu lộ ra, con cháu sẽ kéo đến… đòi. 

Chưa kể, để tạo lòng tin cho người mua, những món đồ ban đầu được giới thiệu thường có giá một vài nghìn USD. Sau vài ngày, đối tượng này cho người giả đến hỏi mua, thậm chí là mua thật với giá cao hơn nhiều. Chỉ đến thời điểm xác định chắc chắn “con mồi” đã cắn câu, những thương vụ lớn thực sự mới bắt đầu. Ngay cả người mua, vì nhiều lý do không muốn tiết lộ danh tính nên khi phát hiện bị lừa cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Theo chân Thành Hải Dương, một trong những gương mặt mới nổi khoảng chục năm trở lại đây trong giới chơi đồ cổ về đồ sứ ký kiểu, chúng tôi tìm đến tư gia của nhà sưu tập Phạm Hy Tùng. 

Nằm lọt trong con ngõ nhỏ của đường Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh, ngôi nhà dễ khiến người mới vào choáng ngợp bởi vô số món đồ trưng bày từ lối vào đến khắp căn phòng khách. Trong khoảng thời gian chủ nhân chậm rãi châm trà, khách thoải mái dạo ngắm quanh nhà. Chén nước rót ra cũng là lúc chủ nhân dừng tay chỉ vào chiếc bình khá lớn. Khách lắc đầu cười. Ông chỉ tiếp vào chiếc đĩa nhỏ trên kệ. Ngay lập tức, một mức giá được ấn định. Chỉ có điều, chiếc đĩa không phải là món đồ của cuộc giao dịch.

Mãi sau này chúng tôi cũng mới được biết, thực ra, cách thức đưa đồ để thử thẩm định độ “lành nghề” của đối phương chỉ là một trong số các “bài trắc nghiệm” dành cho người dấn thân vào “sân chơi” cổ ngoạn. Nếu không vượt qua thử thách này và không gặp được người bán đàng hoàng, người mua rất dễ “ăn quả đắng”.

Nhà sưu tập Nguyễn Minh cũng cho biết thêm, thông thường, những món đồ lọt vào “mắt xanh” của giới chơi cổ ngoạn thường có giá trị giao dịch lớn. Những món đồ có giá vài chục triệu đến vài trăm triệu là chuyện bình thường. 

Việc thẩm định mức độ thật, giả của món đồ thường dựa vào cảm quan của người chơi là chính. Nếu không giỏi thẩm định, nhà sưu tập mua nhầm đồ giả vài lần coi như sạt nghiệp. Thú chơi cổ ngoạn tiềm ẩn sự rủi ro cao nhưng ngày càng hấp dẫn nhiều người tham gia. Ngoài niềm đam mê, yêu thích thì đây là một kênh đầu tư hiệu quả về mặt kinh tế.

Nhưng, cũng có một thực tế khác mà chúng tôi có dịp mục sở thị là các cuộc giao dịch trong giới chơi cổ ngoạn thì chuyện hóa đơn gần như là không thể. Thị trường đồ cổ, đặc biệt là thị trường “ngầm” gần như là “lãnh địa cấm” với cơ quan thuế.

Ngọc Nguyễn
.
.
.