Những dấu chân nặng tình đưa các anh về đất Mẹ:

Gần 25.000 hài cốt liệt sĩ về đất Mẹ: Sau giọt lệ hạnh phúc là vất vả không dễ sẻ chia

Thứ Hai, 24/07/2017, 11:56

Từ trước năm 1985 đến cuối tháng 2-2017 các lực lượng của Quân khu 4 đã tìm kiếm và quy tập được 24.773 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào. Đằng sau niềm vui, niềm hạnh phúc cho thân nhân các liệt sĩ, của đồng chí đồng đội là những vất vả không dễ sẻ chia của cán bộ chiến sĩ các Đội quy tập...


Bài 3: Gần 25.000 hài cốt liệt sĩ về đất Mẹ: Sau giọt lệ hạnh phúc là vất vả không dễ sẻ chia


* Những giọt nước mắt hạnh phúc

Khi đang thực hiện bài viết này, chúng tôi đã kết nối với Thượng tá Nguyễn Bá Châu, Đội trưởng Đội quy tập 584, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, đúng lúc anh đang lội trong rừng sâu cất bốc hài cốt liệt sĩ.

Từ đầu dây, anh báo tin vui từ đầu mùa khô đến nay toàn đội đã quy tập được 21 hài cốt liệt sĩ. Con số này là thành công ngoài mong đợi của chỉ huy đơn vị và anh em. Anh cũng báo tin các anh vừa đón bác Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 320B năm xưa (nay là Sư đoàn 320, Quân đoàn 3). Đây là lần thứ hai bác Tuấn quay lại để tìm cho kỳ được đồng đội.

Cất bốc mộ liệt sĩ hy sinh trên đất Lào. Ảnh: Báo Nghệ An

Năm xưa chính bác là người chôn cất liệt sĩ Trần Xuân Đắc, quê ở Hải Dương ở bên cạnh một hòn đá lớn ở bản Na Trương, huyện Sê Pôn nằm trên đường 16. Mùa khô năm 2016, bác Tuấn cũng đã đến cùng anh em trong đội đi tìm tới 20 ngày mà chưa tìm thấy bạn chiến đấu của mình. Thất bại trở về, bác đi hỏi lại tất cả đồng đội cùng đơn vị năm xưa, ghi chép cẩn thận và xác định lại hướng. Lần này, bác Tuấn trở lại nước bạn Lào anh em, với quyết tâm nhất định phải tìm thấy đồng đội mới trở về...

Từ trước năm 1985 đến cuối tháng 2-2017 các lực lượng của Quân khu 4 đã tìm kiếm và quy tập được 24.773 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào. Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Quảng trị đã quy tập được 5.343 hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại Lào, và 3.474 hài cốt liệt sĩ ở trong nước; Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã tìm kiếm, quy tập được 11.995 hài cốt liệt sĩ, trong đó 1.661 hài cốt có tên, quê quán...

Mỗi hài cốt liệt sĩ là một câu chuyện, một thân phận khác nhau. Và đã có những niềm hạnh phúc tận cùng, ngoài sự mong đợi. Câu chuyện tìm thấy mộ liệt sĩ hài cốt còn nguyên vẹn, có tên tuổi và có 2 kỷ vật là chiếc lược và con tôm được kết bằng nhựa.

Khi anh em trong đoàn thông báo với gia đình, thì gia đình báo lại đã tìm thấy mộ đầy đủ tên tuổi và đang an táng tại quê (?). Nhưng từ nguồn tin quá rõ và chi tiết anh em trong đội tiếp tục cung cấp những hiện vật cho gia đình. Khi nhắc đến con tôm, người em gái của liệt sĩ đã bật khóc nức nở! Con tôm còn nguyên vẹn, con tôm còn mang theo sự vụng về của người em gái khi lần đầu học kết tôm để tặng anh trai lên đường và chiếc lược do người mẹ mua cho. Hai kỷ vật thiêng liêng đã chinh phục tuyệt đối gia đình...

Một câu chuyện như những thước phim dài tập, huy động tối đa lực lượng như: Cán bộ, chiến sĩ Đội 584, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, gia đình và đồng đội. Đó là đi tìm hài cốt liệt sĩ Trần Sỹ Đức, quê Thạch Thượng, Thạch Hà, Hà Tĩnh, đây là một câu chuyện dài của lòng kiên nhẫn của những người lính quy tập và gia đình, đồng đội.

Di vật của một liệt sĩ

Đã 3 lần anh em trong đội cùng gia đình và đồng đội sang tận vùng đất chôn cất anh đào xới lật tung những vị trí “trong tưởng tượng” mà vẫn chỉ lắc đầu thất vọng. Thú thật với lòng mình, có những lúc các anh, gia đình và đồng đội đã thầm trộm nghĩ đành cáo lỗi với liệt sĩ Đức. Nhưng các anh tiếp tục động viên gia đình, động viên và tư vấn cho đồng đội liệt sĩ Đức hôm nay, tiếp tục kết nối với các cựu chiến binh, các nhân chứng, tổng hợp lại thông tin rồi tất cả cùng “hội chẩn” thống nhất. 

Sau khi có thêm thông tin cựu chiến binh Trần Văn Phúc, cùng phía gia đình là em trai của liệt sĩ Trần Sỹ Đức là bác Trần Sỹ Dũng được anh Trần Hữu Lưu, Đội trưởng Đội quy tập 584 đón sang đất bạn Lào, hạ quyết tâm lần cuối.

May mắn đã mỉm cười với các anh và anh linh của liệt sĩ cũng như thử lòng kiên nhẫn của các anh. Cuối mùa khô năm 2008, liệt sĩ Trần Sỹ Đức đã trở về với quê hương Thạch Thượng, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Sau bao nhiêu năm nằm lạnh lẽo, hiu quạnh nơi rừng thiêng ở nước bạn, giờ đây Đất Mẹ đã được ấp yêu ôm anh vào lòng...

Cất bốc hài cốt một liệt sĩ. Ảnh: Dân trí

*Vất vả ai dễ sẻ chia

Đằng sau con số gần 25 nghìn hài cốt liệt sĩ được tìm thấy và quy tập được ở Lào là con số có ý nghĩa, giúp cho thân nhân, gia đình của mỗi liệt sĩ thêm vững lòng, đáp ứng tâm nguyện... Đã có những giọt nước mắt hạnh phúc vì may mắn khi tìm được thân nhân: Bố mẹ tìm được con, vợ tìm được chồng, anh chị em tìm được nhau. Thành quả đó có sự hy sinh lớn lao của mỗi cá nhân và hậu phương gia đình trong các đội quy tập...

Trong buổi làm việc với Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, chúng tôi có cơ duyên được chia sẻ sự mất mát hy sinh của Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Hữu Lưu. Anh từng chiến đấu ở Lào rồi quay lại băng rừng, tìm kiếm đồng đội mình 15 năm. Đằng sau cặp cầu vai Đại tá và danh hiệu cao quí mà Đảng, Nhà nước trao tặng anh là một gia đình có hoàn cảnh đẫm nước mắt.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Hữu Lưu

Những năm trên đất bạn, có lúc uống phải nguồn nước ô nhiễm, cơ thể anh đã nhiễm chất độc da cam, để lại hậu quả cho người con thứ hai rất nặng nề. Anh thở một hơi thật dài giữa không gian tĩnh lặng, u ám: “Ơn trời, ngày chưa tham gia Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, tôi đã kịp sinh thằng thứ nhất. Nó thì lành lặn, khỏe mạnh nhưng lại không có công ăn việc làm. Còn đứa thứ hai thì nằm một chỗ, tất cả mọi việc đều trên tay bà ấy”.

15 năm ở Lào mất mát lớn nhất với anh là "bỏ" gia đình đi biền biệt, không có điều kiện chăm sóc được người con trai lớn học hành đến nơi đến chốn. Hiện nay, trong tổ ấm của anh có 4 người thì 3 người bị bệnh tật hoành hành quanh năm, anh bị bệnh tiểu đường nặng từ 16 năm nay, vợ thì đủ thứ bệnh, đau ốm quanh năm, con trai út thì nằm một chỗ.   

Cán bộ Đội quy tập 584 kiểm tra một di vật của liệt sĩ

Khi chúng tôi đang hoàn thành bài viết này thì nhận được tin anh em ở Đội 584 Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cho hay: Lúc này đây các anh đang hành quân vào rừng sâu, sẽ mất sóng điện thoại, không thể liên lạc được, ít nhất phải mất khoảng 3-4 ngày sau, anh em mới có thể liên lạc được. Trong đội hình này có Đại úy QNCN Lê Thanh Nghị, vợ đang nằm cấp cứu ở Bệnh viện Trung ương Huế. Anh em trong đội chỉ biết động viên Nghị và được biết vợ anh đã qua cơn nguy kịch, anh Nghị lại tiếp tục lên đường.

Hay trường hợp của Trung úy QNCN, vợ mới sinh, con đang ốm phải nằm viện, mọi việc tất cả đều nhờ ông bà ngoại. Với những người lính quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Lào và hậu phương của họ, những mất mát đó đã trở thành chuyện nhỏ, chuyện phải đành lòng chấp nhận với nó như: Bố mẹ mất không về kịp, vợ sinh, con cái rủi ro, đau ốm... Trước đây, từng có nhiều câu chuyện con sinh ra cả năm trời, bố mới về gặp con, lạ hơi bố con khóc nở, không cho bố bế…

Những di vật của liệt sĩ được khai quật trên đất Lào

Nhìn lại đội hình của các đội quy tập, các anh đều rất trẻ, cơ bản là QNCN, quân hàm thấp, mới lập gia đình, con còn nhỏ nên cuộc sống rất vất vả khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Mỗi thành viên trong đội là những “hạt giống” được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị “chọn mặt gửi vàng” giao trọng trách. Bởi các anh không chỉ có yêu cầu đủ về sức khỏe, mà còn là những người có tình cảm, tâm huyết với công việc, có lòng kiên nhẫn, tỉ mỉ và vượt khó trong lao động. Như thế đứng trước mọi khó khăn các anh mới vượt qua.

Điều đáng mừng là trong sự khó khăn, vất vả ấy, các anh luôn được lãnh đạo, chỉ huy, đồng đội trong nước và nhân dân các bộ tộc Lào anh em giúp đỡ để tìm kiếm, quy tập hài cốt Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh. Sự đồng hành đó biểu hiện tấm lòng cao đẹp của nghĩa tình Việt-Lào thủy chung son sắt, trước sau như một... Mong muốn đó, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Việt-Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”./.

Văn Hạnh -
.
.
.