Chuyện buồn của những người vượt biên làm thuê ở Hà Giang

Chủ Nhật, 24/09/2017, 09:58
Thời gian qua, tin lời hứa hẹn có một công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, những nông dân thật thà, chất phác ở Hà Giang đã đưa chân theo từng nhóm người vượt biên trái phép sang bên kia biên giới… Đó không chỉ là hành vi trái pháp luật mà sự thiếu hiểu biết này còn mang lại nhiều hệ lụy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ…

Theo cơ quan Công an, trong tháng 8, tình hình công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động tự do đang có chiều hướng tăng. Hoạt động này chủ yếu diễn ra tự phát, vi phạm quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh qua biên giới.

Chúng tôi có mặt tại xã Mậu Long của huyện Yên Minh đúng lúc các công dân vượt biên làm thuê bên nước bạn bị đẩy đuổi, trao trả về địa phương. Mỗi người một hoàn cảnh, song tất cả cũng vì gia cảnh còn khó khăn. Kể lại câu chuyện bên đất khách quê người với chúng tôi, hai vợ chồng Giàng Mí Dính và Vừ Thị Máy vẫn chưa hết bàng hoàng. Theo anh Dính thì anh chị sinh được 2 con, cháu lớn mới 4 tuổi, còn cháu bé chưa được 2 tuổi.

Vì gia đình còn khoản nợ 30 triệu đồng vay của ngân hàng đến hạn trả mà không biết lấy đâu ra tiền, đang trong tình thế khó khăn, có người đến rủ đi làm thuê với lời hứa hẹn sẽ được trả công 100 Nhân dân tệ/1 người/ngày (tương đương 300.000 đồng tiền Việt Nam), thắt lòng gửi con lại cho hàng xóm láng giềng và người thân, anh chị vượt biên sang bên kia biên giới.

Trong nhóm đi lần này, có nhiều người cùng xã, vừa qua cột mốc, đã có chiếc xe ôtô chờ sẵn rồi chở họ đi sâu vào trong nội địa bên nước bạn… Gần 3 tháng lao động vất vả, khổ nhọc bên nước bạn với công việc chính là đào hố, trồng và chăm sóc cây. Người chủ cứ khất lần tiền công, cho đến khi ở làng bên cạnh xảy ra vụ lở đất, làm chết nhiều người là công dân Việt Nam, sau sự cố trên, anh chị bị cơ quan chức năng sở tại đẩy đuổi về quê hương.

Ôm chặt đứa con nhỏ vào lòng sau 3 tháng xa cách, chị Vừ Thị Máy nghẹn ngào: “Bây giờ có ai rủ đi, mình cũng không nghe nữa, sang đó làm việc khổ cực lại chẳng được đồng tiền công nào, còn suýt chết và bị bắt nữa, nghĩ lại vẫn sợ lắm…”.

Cùng chuyến đi với vợ chồng anh Dính và chị Máy, cậu bé Giàng Mí Chơ, đang là học sinh lớp 7 cũng tranh thủ nghỉ hè vượt biên, mong kiếm được chút tiền về để tiếp tục học hành và giúp đỡ gia đình, nhưng kết quả cũng chẳng khá hơn.

Ngay ngày hôm sau khi trở về, em cứ đứng trên đầu dốc nhìn về phía ngôi trường đang theo học, mắt rớm lệ, em kể: “Do bố mất sớm, thương anh và mẹ lao động vất vả, em muốn đi kiếm ít tiền về để giúp gia đình và mua quần áo mới, sách vở để chuẩn bị vào lớp 8, nhưng gần 3 tháng đi phát rừng, trồng cây, làm vất vả, bị bắt trả về, không có tiền, không biết em có tiếp tục đi học được nữa không?...”.

Không chỉ có các học sinh còn đang tuổi ngồi trên ghế nhà trường, mà trong đó còn có những hộ cả vợ chồng dắt díu con cái đi cùng, nhà cửa khóa trái, cỏ hoang mọc khắp sân. Trường hợp anh chị Hầu Mí Dia và Thào Thị Chúa, trú tại thôn Mùa Lệch (xã Mậu Long) là một ví dụ. Bất chấp hai 2 đứa con nhỏ, đứa lên 4, đứa mới 7 tháng tuổi, sau khi nghe lời rủ rê của mọi người, cả nhà đã dắt díu nhau vượt biên để tìm việc làm. Sau gần 4 tháng làm thuê nơi đất khách quê người, hằng ngày địu con lên rẫy đào hố trồng và chăm sóc cây, họ cũng chịu chung cảnh ngộ chưa được chủ trả đồng tiền công nào, cả nhà bị bắt và đẩy đuổi về Việt Nam.

Mậu Long là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh, được chia thành 18 thôn bản với 1.120 hộ gia đình, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt. Để lo toan cho cuộc sống, nhiều người đã lựa chọn con đường vượt biên trái phép, lao động làm thuê với mong muốn có được một cuộc sống khá hơn. Rải rác trong các thôn bản là những ngôi nhà đơn sơ bỏ hoang, vắng lặng. Người lớn đi làm ăn ở xa, lũ trẻ tụ tập chơi đùa, khi thấy người lạ, chúng nép vào nhau, ngơ ngác. Có lẽ chúng đang mong chờ bố mẹ về sau những ngày dài xa cách…

Trao đổi về vấn đề này, anh Sìn A Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Long (huyện Yên Minh) cho biết: Thời gian tới, xã sẽ có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho những gia đình đi làm thuê trở về, tạo điều kiện tiếp cận Ngân hàng Chính sách xã hội để có nguồn vốn phát triển sản xuất; đồng thời phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở các lớp đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương để người dân có việc làm và thu nhập chính đáng ngay tại quê hương.

Giải quyết tình trạng vượt biên trái phép đi lao động thuê là một điều không đơn giản. Để làm được điều này, cần sự chung tay góp sức của các cơ quan và toàn xã hội. Hơn hết, đồng bào phải nhận thức được rằng, vượt biên sang bên kia biên giới là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm và trong cuộc mưu sinh này, có khi đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình…

Nguyễn Lân – Thảo Vy
.
.
.