Chụp ảnh thuê bao chính chủ: Cần thiết, nhưng phải hướng dẫn chi tiết

Thứ Sáu, 23/06/2017, 09:44
Ngày 22-6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 49 của Chính phủ dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, trong số hơn 80 triệu thuê bao di động trả trước thì tỷ lệ đăng ký thông tin thuê bao chính xác vào khoảng 25%, còn khoảng 75% thuê bao thông tin đăng ký sai, do đó cần phải bổ sung thông tin thuê bao chính xác và chụp ảnh để xác định chủ thuê bao này là có thật, không dùng CMND của người khác, chứng CMND hay CMND mạo danh.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và Vinaphone đều khẳng định đã triển khai sẵn sàng cơ sở vật chất và nhân lực tại các Điểm cung cấp dịch vụ của nhà mạng để triển khai đăng ký thông tin thuê bao theo quy định mới. Việc triển khai đăng ký thông tin thuê bao di động đăng ký mới, kể cả chụp ảnh chủ thuê bao không có gì vướng mắc.

Riêng đối với số lượng thuê bao cũ cần đăng ký lại thông tin do số lượng quá lớn, khoảng 80 triệu thuê bao trả trước nên việc triển khai bổ sung thông tin và chụp ảnh thì cần chia ra thành lộ trình để thực hiện.

Các nhà mạng đều khẳng định đã sẵn sàng đăng ký thuê bao theo qui định mới.

Thảo luận tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Luân, Giám đốc Sở TT&TT Lai Châu cho biết, việc triển khai quản lý thuê bao di động theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP là một quyết định rất cụ thể, kịp thời trong bối cảnh việc quản lý thị trường SIM di động rất khó khăn.

Tuy nhiên, Nghị định 49/2017/NĐ-CP có nhiều điểm mới nên Bộ TT&TT cần có công văn hướng dẫn chi tiết từng điểm một để khi thực hiện sẽ khỏi bị vướng. “Liên quan đến quy định chụp ảnh thuê bao cá nhân, đối với thuê bao đăng ký mới thì không khó, nhưng với các thuê bao đang hoạt động, cần phải có hướng dẫn rất rõ ràng, chi tiết.

Đồng thời nhà mạng phải triển khai quyết liệt đồng bộ, phải mở chiến dịch truyền thông sâu rộng, nếu không khi triển khai sẽ rất bị vướng cho doanh nghiệp.Ví dụ, đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa thì việc đến nhà từng thuê bao chụp ảnh có khi hết cả năm chưa làm xong.

Bên cạnh đó, nếu các nhà mạng không triển khai đồng bộ, có khi đăng ký thuê bao chỗ này không được nhưng chạy sang nhà mạng khác lại đăng ký được. Hoặc đối với các thuê bao do tổ chức đăng ký từ trước đây, giờ nhiều người đã dời khỏi cơ quan cũ nhưng vẫn dùng thuê bao đó thì việc triển khai đăng ký lại thông tin và chụp ảnh thế nào - ông Luân đề xuất.

Ông Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Bộ Công an cũng cho rằng, việc triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP là hết sức cần thiết và quan trọng, nhằm tăng cường quản lý nhà nước và phục vụ cho chính người dân, đảm bảo sự phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên ông Phú băn khoăn, việc triển khai thu thập thông tin là một vấn đề rất khó khăn.

Bộ Công an đang triển khai thu thập thông tin người dân để thiết lập cơ sở dữ liệu dân cư tại một số tỉnh thành phố, dự kiến từ tháng 7 sẽ triển khai toàn quốc nhưng kế hoạch phải mất 2 năm mới hoàn thành.

Lực lượng công an khu vực phải đến tận nhà dân để triển khai thu thập thông tin đã rất khó khăn, nên việc nhân viên viễn thông đi thu thập thông tin còn khó khăn hơn. Vì đối với thuê bao di động người dân đi làm ăn ở các nơi, đi biển, đi nương rẫy nên việc tìm khách hàng thu thập và chụp ảnh sẽ khó khăn nhiều.

Theo đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụngcôngnghệ cao(C50), Bộ Công an, đối với đơn vị chuyên trách đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao, thì những quy định trong Nghị định 49/2017/NĐ-CP là cực kỳ cần thiết trong bảo vệ an ninh quốc gia và đấu tranh phòng chống tội phạm. Việc thu thập đúng và đủ thông tin thuê bao đã tốt, việc chụp ảnh khách hàng còn tốt hơn nữa nhưng sẽ tạo ra những khó khăn với nhà mạng.

Do đó, vị đại diện này cho rằng, trước mắt có thể xem xét chỉ thực hiện với các thuê bao đăng ký mới và các thuê bao thuộc diện phải đăng ký lại thông tin. Đại diện Cục An ninh mạng, Bộ Công an cũng khẳng định việc quản lý tốt thông tin thuê bao sẽ hỗ trợ rất tốt trong việc ngăn ngừa và truy tìm tội phạm.

Phát biển kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải chỉ đạo, triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các thuê bao đăng ký mới sẽ phải thực hiện đúng quy định hiện hành, dù nhà mạng có gặp khó khăn vẫn phải quyết tâm triển khai đúng thời hạn.

Đối với các thuê bao cũ đăng ký thông tin không chính xác nhà mạng phải có phương án tạo điều kiện cho người dân đến đăng ký đầy đủ như đối với thông tin đăng ký thuê bao mới.

Còn đối với số lượng các thuê bao cũ được nhà mạng xác định là đã có thông tin chính xác, Cục Viễn thông sẽ có văn bản hướng dẫn sau, tuy nhiên các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về thông tin đã đăng ký đó có chính xác hay không.

Minh Quyên
.
.
.