Chống buôn lậu ở biên giới Lào Cai (bài cuối)

Thứ Tư, 04/01/2017, 09:47
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, đây là thời điểm hàng giả, hàng lậu lọt qua biên giới vào nội địa tăng mạnh nếu không được ngăn chặn kịp thời. Những ngày này, dọc sông Nậm Thi, sông Hồng (TP Lào Cai), khu vực A Mú Sung, Trịnh Tường, Bản Vược (huyện Bát Xát), khu vực Na Lốc, huyện Mường Khương hoạt động buôn lậu diễn ra trọng điểm.

Ngoài mặt hàng tiêu dùng, năm nay đối tượng buôn lậu nhằm vào các mặt hàng có lợi nhuận cao là mì chính, rượu, …

Hàng giả, hàng lậu xâm nhập thị trường

Mì chính, phụ tùng xe máy giả

Làm việc với lực lượng chống buôn lậu tỉnh Lào Cai chúng tôi được biết, năm nay mặt hàng mì chính nhập lậu từ Trung Quốc bị bắt giữ và tiêu hủy tương đối lớn. Mì chính đóng thành từng bao tải, sau khi vận chuyển qua biên giới vào nội địa, đối tượng xé lẻ đóng gói ra bán.

Bộ đội Biên phòng Lào Cai thu giữ 2,7 tấn mì chính nhập lậu.

Điển hình là Bộ đội biên phòng Lào Cai bắt giữ 2 vụ với hơn 4 tấn mì chính, trong đó có một lô đựng bao bì để chia lẻ đóng gói bán. Theo Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT), Công an tỉnh Lào Cai thì nhiều khả năng mì chính nhập lậu sau khi vào nội địa sẽ được đóng nhãn mác các thương hiệu như Ajinomoto, Vedan để bán ra thị trường.

Vụ thu giữ lớn nhất gần đây là 5 tấn mì chính Trung Quốc nhập lậu do Công an phường Cốc Lếu phối hợp với Phòng CSKT thực hiện. 5 tấn mì chính này được đối tượng vận chuyển bằng thuyền từ Trung Quốc về tập kết tại đường bờ sông thuộc phường Cốc Lếu. Khi bị bắt giữ, đối tượng đang vận chuyển 150 bao lên ôtô BKS 24C-059.34, còn lại 48 bao dưới thuyền chưa kịp vận chuyển lên.

Ngày 27-12, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai phối hợp với Đồn Biên phòng CKQT Lào Cai kiểm tra phát hiện Vũ Minh Tuấn, làm nghề lái taxi chở 180 bao mì chính nhập lậu. Tuấn khai anh ta được đối tượng Đinh Hoàng Anh, trú tại phường Phố Mới, TP Lào Cai thuê vận chuyển số mì chính trên với giá 250.000đ/chuyến. Đinh Hoàng Anh ngay sau đó đã lên Đồn Biên phòng CKQT Móng Cái khai nhận sang Hà Khẩu (Trung Quốc) mua 2,7 tấn mì chính về bán kiếm lời.

Vì lợi nhuận của mì chính khá cao nên bất chấp trời mưa to, Hoàng Anh cũng thuê thuyền vượt sông chở mì chính về Việt Nam. Sau đó anh ta thuê cửu vạn bốc lên taxi để chở về bán lẻ thì bị bắt. Theo Chi cục QLTT tỉnh Lào Cai, tình trạng mì chính của các thương hiệu lớn bị làm giả khá nhiều. Đối tượng làm giả bao bì, nhãn mác của mì chính ở Trung Quốc, sau đó mang về đóng gói rồi đưa ra bán lẻ trên thị trường.

Mặt hàng làm giả nhiều nhất  mà lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai bắt giữ trong năm nay là phụ tùng xe máy các loại của hãng Honda, Mạnh Quang. Điển hình là Đội QLTT số 1 phối hợp với Công an TP Lào Cai, Công an phường Phố Mới tiến hành kiểm tra lô hàng phụ tùng xe máy đang tập kết tại phường Phố Mới. Lô hàng bao gồm xích cam xe máy nhãn hiệu Honda; nhông xe máy nhãn hiệu Mạnh Quang; dây công tơ mét, phao xăng, còi xe… đều giả của hai nhãn hiệu này. Theo Chi cục QLTT tỉnh Lào Cai thì năm 2016 có 22 vụ vi phạm hàng giả được phát hiện, bắt giữ.

Hàng lậu vào nội địa

Trung tá Phạm Văn Khởi, Đội trưởng Đội chống buôn lậu, Phòng CSKT Công an tỉnh Lào Cai cho biết: “Tình hình hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh Lào Cai chưa phát hiện những đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu lớn, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề có thể diễn biến phức tạp”.

Phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng đêm tối vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ qua sông Hồng và sông Nậm Thi vào Việt Nam, hoặc lợi dụng sơ hở để trà trộn với hàng hóa khác đi qua cửa khẩu, sau đó thu gom lại số lượng lớn để vận chuyển về xuôi tiêu thụ.

Đáng chú ý là việc các đối tượng lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới quy định được miễn thuế nhập khẩu một số mặt hàng trị giá 2 triệu đồng/người/ngày nên đã xé lẻ hàng hóa, thuê cư dân biên giới vận chuyển qua cửa khẩu vào Việt Nam, sau đó thu gom lại, hợp pháp hóa thủ tục để đưa đi tiêu thụ.

Mặt hàng xuất lậu dịp Tết nổi lên ở Lào Cai là các loại nông sản, phế liệu; hàng hóa nhập lậu là rượu, nội tạng động vật, thịt động vật, hàng tiêu dùng, thuốc tân dược, mỹ phẩm… Năm 2016, Chính phủ, Bộ Công thương tiếp tục cho phép một số doanh nghiệp xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc.

Mới đây, tại xưởng sửa chữa ôtô Phúc Khánh, khu công nghiệp Bắc Duyên Hải, Phòng CSKT phối hợp với Đồn Công an Kim Thành kiểm tra, tạm giữ lô hàng gồm 9 tấn nghi quặng Ferosilic để trên xe ôtô BKS 88C-072.09 không có thủ tục giấy tờ. Theo Phòng CSKT thì các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai đã tăng cường công tác quản lý việc khai thác, vận chuyển và xuất khẩu khoáng sản nên cơ bản đã giải quyết được tình trạng vận chuyển trái phép, chở quá tải và tình trạng buôn lậu khoáng sản.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai, năm 2016 các lực lượng chức năng tỉnh này đã phát hiện, xử lý 706 vụ vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng lậu; 632 vụ vi phạm về gian lận thương mại; số vụ bị xử lý hành chính là 1.421 vụ. Theo Phòng CSKT thì khó khăn lớn nhất trong công tác bắt giữ, xử lý vi phạm về buôn lậu là không có chủ hàng. Chủ hàng chủ yếu là người tỉnh khác lên Lào Cai sang Trung Quốc mua hàng, sau đó thuê khoán thẳng cho người cư dân biên giới vận chuyển và hợp thức hóa thủ tục để vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Một số ít doanh nghiệp lợi dụng tư cách pháp nhân là doanh nghiệp để mở tờ khai nhập khẩu hàng hóa, sau đó dùng các thủ đoạn gian lận để quay vòng hóa đơn chứng từ.

Hơn nữa, việc thí điểm xuất khẩu nông sản tại lối mở Km6 xã Bản Phiệt, lối mở Na lốc xã Bản Lầu và tình trạng các hộ dân xây dựng kho chứa hàng hóa ở khu vực giáp biên giới để tập kết hàng nông sản với số lượng lớn, sau đó lợi dụng đêm tối để vận chuyển hàng hóa qua biên giới đã gây khó khăn cho công tác quản lý, phòng ngừa bắt giữ, xử lý vi phạm.

Thiết nghĩ, đây là thời điểm nước rút để hàng lậu Trung Quốc, hàng kém chất lượng, hàng giả được đưa vào nội địa dịp Tết, vì vậy công tác chống buôn lậu để có hiệu quả cần phải tăng cường kiểm soát, thặt chắt vùng giáp biên, lối mòn, để ngăn chặn vi phạm.

Trần Hằng – Xuân Mai
.
.
.