Choáng ngợp cung điện bằng vàng nguyên khối ở Brunei

Thứ Ba, 31/01/2017, 09:13
Cung điện mang tên Istana Nurul Iman (có nghĩa Cung điện Ánh sáng của niềm tin) giữ kỷ lục cung điện nguy nga, giàu có nhất hành tinh. Điều đặc biệt là rất nhiều bộ phận của cung điện được đúc bằng vàng ròng như: ngai vàng, bàn, ghế, khung tranh ảnh của nhà vua, đến cả mái vòm có đường kính hàng chục mét chụp trên đỉnh cung điện cũng được làm bằng vàng.

Trước khi đến Brunei, tôi cũng đã nghe phong thanh về cung điện giàu có của quốc gia dầu mỏ nằm ở phía Nam Biển Đông, cách Hà Nội chỉ hơn 2 giờ bay. Tuy nhiên, chỉ khi “tai nghe, mắt thấy”, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ lộng lẫy, nguy nga của cung điện vốn chỉ được mô tả trong những câu chuyện cổ tích.

Thật không thể ngờ, công trình kiến trúc mà rất nhiều bộ phận được đúc bằng vàng khối, vàng ròng, đến cả chiếc ghế ngồi cũng bằng vàng, bát uống nước, ấm cũng đều bằng vàng. 

Chúng tôi có dịp được thị sát cung điện nhân dịp tháp tùng đoàn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang thăm chính thức Brunei hồi tháng 8 vừa qua. Đây là cơ hội hiếm có bởi bình thường, có nằm mơ thì giấc mơ ấy cũng khó thể lạc vào cung điện cổ tích huyền diệu, nguy nga đến thế.

Hôm đoàn báo chí đến cung điện, xe chúng tôi dừng ở cổng phía ngoài, nơi được bao bọc bởi hàng rào phía ngoài khu rừng. Khu tường bao cung điện lớn đến nỗi, nhiều người bảo đội thợ sơn tường quanh năm làm không hết việc bởi sơn đến hết vòng bờ tường thì cũng trọn... 12 tháng, cứ thế năm sau lại sơn tiếp vòng hai. Sau khi làm thủ tục kiểm tra an ninh, đoàn lại lên xe chạy “trốn tìm” dưới những tán rừng rập rạp rồi uốn lượn vòng cung qua mấy cua dốc.

Cung điện nằm trên đỉnh đồi, xung quanh rừng lá ngút ngàn. Đây là nơi ở chính thức của Quốc vương, vừa là trụ sở của Chính phủ Brunei. Cung điện này do kiến trúc sư Leandro V. Locsin thiết kế theo mô típ vòm vàng, mái vòng ảnh hưởng từ các nền kiến trúc Hồi giáo của Brunei và Malaysia.

Nội thất cung điện do kỹ sư Khuan Chew thực hiện, hoàn tất vào năm 1984. Khi hoàn thành, Istana Nurul Iman trở thành cung điện có người ở lớn nhất thế giới và cũng là nơi ở của một gia đình lớn nhất từng được xây dựng.

Cung điện này có đến 1.788 phòng, bao gồm 257 phòng tắm, một sảnh đãi tiệc có thể chứa được đến 5.000 khách và một thánh đường có thể chứa được đến 1.500 người.

Những “quả bầu khổng lồ” trên nóc cung điện đều làm bằng vàng.

Trong Hoàng cung có nuôi 200 con ngựa. Nhà thờ Jame Asr Hassanal Bolkiah (gần hoàng cung) là nhà thờ Hồi giáo đẹp và lớn nhất Đông Nam Á. Trong cung điện còn có một nhà thờ với sức chứa 1.500 người, phòng khách chứa khoảng 4.000 người và phòng ăn rộng đủ chỗ cho 5.000 người.

Choáng ngợp nhất là tất cả các căn phòng, đặc biệt là phòng làm việc của Quốc vương đều được trang trí nội thất cao cấp, sang trọng với thiết kế tinh xảo, làm từ các loại kim loại quý  là vàng, bạc, kim cương.

Hoàng cung nhà vua được thiết kế bằng vàng ròng, bao gồm ngai vàng, các bộ bàn ghế dành cho vua tiếp khách quý cũng bằng vàng, cả những khung tranh, ảnh của vua, bát, ly nước cũng đúc bằng vàng nguyên khối.

Hôm đoàn đến thăm, những thành viên chính thức được vua mời vào Hoàng cung, được ngồi trên chiếc ghế chạm trổ tinh xảo bằng vàng. Sờ tay lên mặt ghế mát rượi, tôi nhấc thử xem thế nào nhưng quả thực chiếc ghế bằng vàng ròng nặng hơn ghế thường rất nhiều, loay hoay mãi cũng chỉ xoay dịch vị trí chút ít.

Những chạm trổ hình thù chim muông, hoa lá cũng bằng vàng, tất thảy khiến người ngồi trên ghế, trong cung điện vàng mà cứ ngỡ mình đang lạc vào thế giới cổ tích của Quốc vương, của những thái tử, công chúa và bầy chim thiên nga trong truyện cổ xa xưa. “Tỉnh đi, không có công chúa và bầy thiên nga đến gọi tên đâu” – tôi giật mình trước tiếng nhắc của anh bạn đi cùng, thảng thốt không rõ mình thực hay mơ...

Ra phía ngoài cung điện nhìn hắt lên, tôi thấy mái vòm màu vàng như quả bầu khổng lồ chụp trên đỉnh. Không thể tin là thật, tôi nghĩ chắc đây là thép mạ vàng như ở ta thôi. Nào ngờ, khi hỏi những người lính canh gác cung điện, họ nói mái vòm đó là bằng vàng ròng, nặng cả chục tấn, có đường kính mấy chục mét...

Cung điện chính là biểu tượng cho quyền lực của nhà vua. Người dân Brunei tự hào về hoàng cung như là một địa điểm linh thiêng và cao quý của những người Hồi giáo, nơi mà đức tin được gửi gắm tại Quốc vương đáng kính của họ.

Nói về Quốc vương Hassanal Bolkiah, đó là vị vua giàu nhất thế giới với tài sản lên hơn 40 tỷ USD (trong khi tài sản của tỉ phú – tân Tổng thống Mỹ Trump cũng chỉ 8,7 tỉ USD). Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah sinh năm 1946, trở thành vị vua thứ 29 của Brunei kể từ 1968. Như vậy, tới nay Quốc vương Hassanal Bolkiah đã trị vì gần 50 năm.

Quốc vương Hassanal Bolkiah còn đồng thời là Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính và là người đứng đầu cơ quan quản lý tôn giáo của Brunei. Ông còn được bổ nhiệm làm Tổng thanh tra cảnh sát của lực lượng cảnh sát Hoàng gia Brunei. Vì lẽ đó, quyền uy của Quốc vương cực lớn, ông gần như là người nắm hầu hết quyền lực của Brunei.

Trang phục Hoàng tử Malik và vợ đính kim cương, ngồi trên ghế bằng vàng trong Cung điện Istana Nurul Iman.

Hôm đến xứ sở dầu mỏ Brunei, điều tôi choáng váng thứ hai sau vẻ nguy nga của cung điện chính là sự giàu có của nhà vua và người dân. Dân số Bruinei chỉ hơn 400 nghìn người, trong khi tài sản của Quốc vương đã 40 tỉ USD. Cứ chia bình quân người già cũng như trẻ mới sinh ra, tài sản Quốc vương đủ cho mỗi người dân Brunei 100 nghìn USD, tức khoảng 2,2 tỉ đồng Việt Nam. Thế nên Brunei dù diện tích chỉ như tỉnh Bình Thuận thì sự giàu có của người dân xếp hàng đầu thế giới với khoảng 40 nghìn USD/người/năm.

Ở đây, mỗi gia đình ở dưới sườn đồi, diện tích đất đai khá rộng và các gia đình luôn có trong nhà vài chiếc ôtô, đều là siêu xe. Hơn thế nữa, Brunei có chính sách phúc lợi hào phóng cho người dân. Tất cả các công dân đều được miễn học phí, chi phí chăm sóc sức khỏe và nhiều chính sách hỗ trợ khác như trợ giá nhà ở, lương thực, nhiên liệu, vay lãi suất thấp. Nếu bệnh nặng, người dân Brunei còn được đi chữa bệnh ở Singapore và nhà nước đài thọ toàn bộ chi phí. 

Sở hữu khối tài sản khổng lồ nên Quốc vương Brunei dùng tiền mua sắm xe hơi và máy bay. Được biết, bộ sưu tập xe hơi của ông lên đến khoảng 7.000 chiếc, bao gồm khoảng 2.000 chiếc xe thuộc loại sang trọng hay phiên bản hot nhất. Trong bộ sưu tập xe hơi này có 604 chiếc Rolls Royce, 574 chiếc Mercedes-Benz, 452 chiếc Ferrari, 382 chiếc Bentley, 209 xe của BMW… với tổng giá trị lên đến khoảng 5 tỉ USD.

Hơn thế nữa, nhà vua còn có sở thích mua sắm máy bay và tự lái máy bay. Năm 2012, Quốc vương khiến các nhân viên kiểm soát không lưu và những người tiếp đón tại sân bay của Ấn Độ sửng sốt khi tự lái máy bay trong chuyến thăm và làm việc chính thức tại nước này.

Năm 2013, nhà vua tự điều khiển chiếc Boeing 747-400 thuộc tài sản cá nhân sang Mỹ làm việc. Chiếc Boeing 747 của Quốc vương Brunei được lắp nội thất đặc biệt như bồn rửa bằng vàng và pha lê, trở thành một trong những chiếc máy bay sang trọng nhất thế giới.

Minh Đăng
.
.
.