Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Vướng ở khâu giải phóng mặt bằng

Thứ Hai, 03/06/2019, 08:04
Đây là một trong những nguyên nhân chính được các địa phương đưa ra khi giải thích về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công. Điều đáng nói, việc chậm tiến độ này đã được coi là cố hữu, cho nên đến bây giờ, dù đã đi được gần nửa năm 2019, nhiều địa phương vẫn “miệt mài” giải ngân các khoản chi từ năm 2018.


40 bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 20%

Thông tin về tình hình phân bổ thanh toán vốn đầu tư công 5 tháng năm 2019, bà Lương Thị Hồng Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, tính đến thời điểm 31-5-2019, vốn đầu tư giải ngân đạt 23,25% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 26,39% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, so với kế hoạch vốn đầu tư năm 2019 được giao thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 5 tháng đầu năm 2019 vẫn rất thấp. Bà Thúy cho biết thêm, đối với các dự án do Trung ương quản lý mới có khoảng 8 đơn vị giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 đạt trên 40% kế hoạch vốn trở lên. Trong đó, khối các bộ, ngành Trung ương, giải ngân cao nhất là Hội Nhà văn với hơn 83%...
Hội Chữ thập đỏ là 1 trong 4 đơn vị chưa giải ngân đồng nào năm 2019.

Khối các địa phương, dẫn đầu tỷ lệ giải ngân là Ninh Bình đạt hơn 63%… Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn 30 bộ, ngành và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%; trong đó 21 bộ, ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%. Đáng chú ý, có 4 đơn vị vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Điều đáng nói, theo bà Mai Thị Thùy Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, sở dĩ việc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm 2019 bị chậm là do các địa phương đang đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 được phép kéo dài sang năm 2019- số vốn này tương đối lớn, chiếm 60,89% kế hoạch giao năm 2018, khoảng 20.000 tỷ đồng.

Điển hình là kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2019 của dự án quan trọng quốc gia - Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 6.990 tỷ đồng (chiếm hơn 72% tổng kế hoạch vốn TPCP năm 2019 của khối các địa phương) có tiến độ giải ngân rất chậm (ước 31-5-2019 giải ngân được hơn 310 tỷ đồng). Trong khi đó, dự án còn 4.500 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2018 (được giao trong tháng 12-2018) chuyển tiếp thực hiện trong năm 2019.

Vướng mắc ở đâu?

Đi tìm nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhiều ý kiến cho rằng vướng mắc chủ yếu liên quan tới thủ tục trình tự đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục giao kế hoạch vốn, tiến độ phân bổ vốn chậm và đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết, 5 tháng đầu năm, TP này giải ngân 539 tỷ đạt 21,9%; cấp quận, huyện thanh toán tới nay là 481 tỷ đạt 31,72%. Nguyên nhân giải ngân chậm là do trong nhiều dự án công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư khó khăn. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư hiện đang làm thủ tục đấu thầu. Thứ ba là do đang chờ thanh toán vốn…

Trong khi đó, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, TP.HCM chia sẻ, hiện nay ban quản lý dự án đã giải ngân khoảng 500 tỷ, đạt 15%. Mục tiêu tới cuối năm sẽ đạt trên 95%.

Theo ông Phúc đối với nhóm dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và đang triển khai, có tới 90% nguyên nhân giải ngân chậm là do những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vì thế, đơn vị phải thực hiện đan xen vừa thi công vừa vận động bà con bàn giao mặt bằng.

Còn ông Tăng Văn Sơn, kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án các dự án nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lại nêu khó khăn liên quan tới các dự án ODA chưa được giao vốn và các khó khăn về chuyển nguồn vốn từ năm 2018 sang năm 2019…

Trước những vướng mắc này, ông Nguyễn Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết cơ quan này đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải khẩn trương hoàn thành phân bổ dự toán kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, vì hiện vẫn có một số địa phương chưa giao hết.

Riêng với việc khó khăn trong giải phóng mặt bằng, theo ông Hồng, đây là khó khăn lớn nhất, gây cản trở nhiều nhất, gây chậm trễ nhiều nhất đối với giải ngân vốn đầu tư công. Ông Hồng đề nghị, dù Luật đã có quy định hành lang pháp lý để thực hiện nhưng quá trình thực hiện phải làm sao phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa bàn. Các đơn vị phải làm công tác chính trị tư tưởng để vận động người dân bàn giao giải phóng mặt bằng sớm hơn.

Ông Hồng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị trong Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các kiến nghị, giải pháp, các tham mưu của các đại diện chủ đầu tư, các tỉnh, địa phương; báo cáo và trình cấp có thẩm quyền trình sửa đổi quy trình để cho phù hợp. Về phía các bộ, ngành, UBND các tỉnh cần phải coi công tác giải ngân vốn đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đến cuối năm đạt từ 98-100% kế hoạch.

Các bộ, ngành, UBND các tỉnh chỉ đạo KBNN để giải ngân, kiểm soát chi kịp thời; các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng cần nghiên cứu sớm để tham mưu kịp thời các cấp có thẩm quyền đưa vào Luật Đầu tư công cho sát thực tiễn….

Hà An
.
.
.