Bí mật về loại cà phê chất lượng hàng đầu thế giới tại Việt Nam

Thứ Bảy, 09/04/2016, 08:32
Loại cà phê này tại Việt Nam được người Pháp trồng phổ biến ở Đà Lạt (Lâm Đồng) từ những năm đầu thế kỷ XX, nay còn lại ước tính chỉ khoảng trên dưới 500 gốc.

Đà Lạt có địa hình cao trung bình đạt 1.500m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp là điều kiện lý tưởng cho cà phê Arabica dòng Moka (hay còn gọi là Bourbon) phát triển. Chính vì thế, từ những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã sớm phát hiện ra những điều kiện thuận lợi của Đà Lạt để đưa dòng cà phê này về gieo trồng, lập thành những đồn điền cà phê Moka tại các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành và vùng ngoại ô TP Đà Lạt ngày nay.

Cà phê Arabica dòng Moka là loại cà phê quý hiếm, chất lượng thơm ngon hàng đầu thế giới được trồng tại Đà Lạt.

Các chuyên gia của những công ty chuyên kinh doanh cà phê Arabica nổi tiếng (như Công ty Cà phê Olam, Là Việt, UCC Nhật Bản) đã nhiều lần tới Đà Lạt tìm kiếm, thu mua cà phê cho biết, Arabica dòng Moka xuất phát từ cảng Mocha, Yemen.  Moka được du nhập đến đảo Bourbon (bây giờ có tên là Reunion), một hòn đảo nhỏ thuộc Pháp. 

Giống Arabica dòng Moka lần đầu tiên được người Pháp đưa vào Việt Nam trồng tại Đà Lạt năm 1875 nhưng phát triển mạnh nhất phải đến những năm đầu thế kỷ XX. Cà phê Moka được thu hoạch đưa sang Pháp chế biến và ra thị trường với thương hiệu “Arabica du Tonkin”, nổi tiếng thơm ngon, chỉ có tầng lớp thượng lưu mới được thưởng thức. Cà phê Moka tại Đà Lạt hạt có màu xanh biếc, vị chua nhẹ với mùi thơm rượu vang, hậu vị ngọt.

Từ lâu, loại cà phê Moka được trồng ở Đà Lạt được các chuyên gia cà phê Việt Nam và quốc tế đánh giá là loại cà phê hảo hạng, cho chất lượng thuộc tốp đầu của cà phê thế giới. Chính vì thế, loại cà phê này luôn được các công ty kinh doanh cà phê săn lùng, thu mua với giá cao gấp nhiều lần so với các loại cà phê khác. 

“Điều đáng tiếc là cà phê Moka tại Đà Lạt đã bị phá bỏ gần như đến mức cạn kiệt vì cho năng suất rất thấp và nhiều sâu bệnh. Hơn nữa, thời bấy giờ người trồng cà phê Moka tại Đà Lạt chưa ý thức được giá trị thực của loài cà phê thượng hạng này. 

Hầu hết các gia đình trồng cà phê Moka sau những năm 1990 đã chuyển sang trồng cà phê Arabica dòng Catimor hoặc dòng Tipica, cho năng suất cao hơn nhưng chất lượng lại không bằng dòng Moka”-ông Trần Nhật Quang, Giám đốc Công ty TNHH cà phê Là Việt cho biết.

Hiện chưa có một thống kê cụ thể, chính xác từ cơ quan chức năng về diện tích cà phê Arabica dòng Moka tại Đà Lạt. Tuy nhiên, theo một số công ty chuyên thu mua cà phê Arabica thì cà phê dòng Moka tại Đà Lạt hiện nay chỉ còn khoảng trên dưới 500 gốc, trong đó gia đình ông Lê Thành An, phường 10, TP Đà Lạt đang có 200 gốc.  

Ông An cho biết, cà phê Moka của gia đình ông được di thực về từ Pháp. Khi đó, ba mẹ ông An từ vùng Quảng Nam vào Đà Lạt định cự, trông coi khách sạn cho gia đình bà Trần Thị Thể, một nhà giàu có tại Đà Lạt bấy giờ.

Năm 1960, trong một lần sang Pháp chơi, khi trở về nước bà Thể đem theo ít giống cây ăn trái, trong đó có một cây cà phê Moka. Cây cà phê duy nhất này được bà Thể tặng cho ba mẹ ông Lê Thành An, đem về trồng tại khuôn viên nhà riêng tại số 15, đường Hùng Vương, TP Đà Lạt ngày nay. 

Gặp thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, cây cà phê này phát triển rất nhanh, vương cao, tán lá rộng. Những năm sau đó, do cây cà phê này phát triển to lớn, vươn tán rộng và che khuất tầm nhìn khách sạn của gia đình bà Trần Thị Thể nên ba mẹ ông Lê Thành An đã cắt ngang nhưng cây lại đâm chồi mọc lên.

Sau năm 1975, đặc biệt là từ năm 1990, cà phê ở Lâm Đồng có giá mạnh khi nhà nước mở cửa nền kinh tế. Ông Lê Thành Anh đã nhân giống cây cà phê Moka này ra trồng trên diện tích 1ha. “Thật ra thời điểm đó tôi hoàn toàn không ý thức được cà phê Moka là loại cà phê quý hiếm, cho chất lượng hàng đầu mà chỉ nghĩ nhà mình có giống thì nhân ra trồng cho khỏi phải mua giống thôi”-ông An chia sẻ. 

Cũng theo ông An, cà phê Moka cho năng suất chỉ bằng một nửa các loại cà phê khác. Do đó, vào năm 2000 khi giá cà phê xuống thấp, gia đình ông Lê Thành An đã phá bỏ vườn cà phê này chỉ trừ lại 200 gốc trên diện tích 3.000m2 để chuyển sang làm hoa.

Ông Lê Thành Anh chỉ thực sự biết được giá trị thực của loại cà phê Moka từ năm 2012. Khi đấy một số chuyên gia cà phê của các công ty đến Đà Lạt khảo sát để thu mua loại nông sản này tới gia đình ông đúng vào thời điểm 200 gốc cà phê đang cho quả chín mọng. “Họ chọn những quả chín nhất, xin khoảng 2kg để đem về phân tích, rồi hỏi tôi về nguồn gốc vườn cà phê, cách chăm sóc, thu hoạch, giá cả bán thế nào?...”-ông An kể lại.

Niên vụ cà phê năm đó, trên thị trường giá cà phê Arabica chỉ 6.000 đồng/kg tươi nhưng cà phê Moka bán được với giá 12.000 đồng/kg. Vườn cà phê của gia đình ông An hầu như không sử dụng các loại phân hóa học mà chủ yếu sử dụng phân chuồng trộn với một lượng nhỏ phân hữu cơ được nhập về từ Israel. Mỗi năm bón phân cho cà phê 2 lần vào thời điểm có mưa. Sử dụng thuốc nhằm kích thích bộ rễ cà phê phát triển. 

Để hạn chế tối đa mầm bệnh, ông An sử dụng nguồn nước sạch từ giếng đào để tưới cho cà phê. Công đoạn thu hoạch cà phê Moka ở gia đình ông Lê Thành An rất kỳ công, kéo dài tới 2 tháng. Cứ 3 ngày thu hoạch 1 lần. Người hái phải lựa chọn những quả chín căng mọng, cũng không để quả quá chín đến mức khô luôn trên cành điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Với 200 gốc cà phê Moka, hiện trung bình mỗi năm gia đình ông Lê Thành An cho thu về 100 triệu sau khi đã trừ chi phí.

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện nay chỉ tính riêng cà phê Arabica Lâm Đồng có khoảng 17.000ha tập trung chủ yếu tại TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng và Đơn Dương. Arabica được chia thành các dòng Moka, Catimo, Tipica, trong đó quý hiếm nhất là dòng Moka, được trồng tại Đà Lạt nhưng hiện đang rất khan hiếm do phần diện tích lớn đã bị người dân phá bỏ.
Kim Ngân
.
.
.