Cẩn trọng khi chọn du lịch tour

Thứ Tư, 29/11/2017, 10:13
Giấu thông tin, gạt khách, cung cấp thông tin nửa vời, chào hấp dẫn hơn nhiều so với thực tế… cho đến việc nhái thương hiệu, đó chính là những “điểm tối” trong du lịch tour hiện nay. 

Với đủ hình thức, đủ mức giá “thượng vàng hạ cám”, người tiêu dùng khó có thể tìm đâu ra một tour du lịch đạt chuẩn. 

Chị N.T.H., nhà ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh than phiền với chúng tôi về chuyến du lịch tour tham quan Campuchia, Thái Lan mà chị cùng nhiều người thân tham gia cách nay không lâu. Chị H. bức xúc với cách tổ chức tour vì theo chị, thời gian bố trí cho đi mua sắm ở các trung tâm quá nhiều trong khi thời gian tham quan các địa điểm di tích lại quá ít. 

Bên cạnh đó, hướng dẫn viên không nhiệt tình; kiến thức về văn hóa, lịch sử, xã hội về các điểm tham quan còn kém nên không thể giới thiệu, làm thỏa mãn nhu cầu “được biết” tối thiểu của du khách. “Tôi không có nhiều kinh nghiệm chọn tour, chỉ đọc thấy thông tin tour nào hấp dẫn, ý nghĩa thì đăng ký nhưng không ngờ lại bị thiệt nghiêm trọng như thế…”, chị H. thở dài.

Tương tự, chị P.T.N., nhà ở quận 7, TP Hồ Chí Minh cũng bức xúc kể, trước khi đăng ký tour, chị có trao đổi kỹ lưỡng với đại diện công ty rằng sẽ được miễn phí vào cổng các tụ điểm vui chơi. Nhưng khi tới du lịch mới biết là phải tự mua vé vào cổng các trò chơi. Tính tổng thể của tour cũng phải trên 7 triệu, tương đương với một tour của thương hiệu lớn chưa giảm giá.

Du khách tắm biển Vũng Tàu.

Trao đổi với PV Báo CAND, nhiều doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết, tour giá rẻ là hình thức của tour tiết kiệm, tour từng phần. Tour giá rẻ, giảm giá từ 40-70%, đồng nghĩa với ít lời, thậm chí hòa vốn. 

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt cho biết, chỉ cần tra từ khóa “đặt tour du lịch” vào công cụ Google, chỉ trong tích tắc đã có 1.188.436 kết quả hiện ra. Nhưng trong chừng đó kết quả, được bao nhiêu phần trăm là tour thật, đảm bảo chất lượng thì không ai biết được. 

Trong thời buổi mà “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch” thì thật khó để không bị nhầm khi đi du lịch theo tour. Vì vậy trong tư cách đại diện một công ty du lịch lữ hành, ông Anh khuyên mọi người phải tìm hiểu thật kỹ, cũng không ham những tour quá rẻ để rồi phải tiếc nuối vì đi du lịch là đi khám phá, đi giải trí chứ không phải là một cuộc “tra tấn” về tinh thần.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời đại công nghệ số hiện nay, các hãng lữ hành có thể trưng ra hết các tour tiết kiệm để khách tham khảo. Trong đó, cần chỉ rõ giá phòng khách sạn, giá xe đưa đón, gói bảo hiểm tai nạn, phí tham quan dịch vụ, phí visa, chứng minh tài chính… Đó là chưa kể đến tình trạng nhái thương hiệu tên tuổi. 

Không ít đối tượng làm ăn bất chính  tập trung khai thác tối đa lượng khách hàng của thương hiệu lớn thông qua việc đặt tên miền mập mờ, khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn. Việc kiện đòi thương hiệu cũng rất gian nan, có khi rơi vào bế tắc. Quy định dù đã có nhưng chưa rõ ràng, khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp muôn vàn khó khăn.

TP Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thu hút đông các công ty lớn hoạt động trong mọi lĩnh vực. Trên địa bàn thành phố có 1.161 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh lữ hành, trong đó có 573 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 527 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 52 đại lý lữ hành, 9 văn phòng đại diện doanh nghiệp lữ hành nước ngoài tại thành phố. 

Thời gian qua, ngành Du lịch thành phố đang có những bước chuyển mình đáng kể, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như việc Sở Du lịch thành phố liên tục nhận được nhiều phản ánh về tình trạng lừa đảo mua tour từ những lời chào bán tour du lịch giá rẻ qua mạng. 

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết cũng đang theo dõi một số trang mạng quảng cáo chào bán tour du lịch “giá rẻ trọn đời”. Việc lừa đảo này đang khiến cho thị trường du lịch tại thành phố đông dân nhất cả nước bị nhiễu loạn, nhiễu loạn thông tin, thật giả thì không thể nào kiểm định được. 

Kỳ lạ hơn, các doanh nghiệp nhái thương hiệu còn được cấp phép đăng ký kinh doanh ở một số tỉnh, thành, được nhận các giải thưởng “uy tín” về “dịch vụ, chất lượng hàng đầu”.

Thực tế trên đã và đang tồn tại, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp nói chung, các thương hiệu du lịch nói riêng. Thế nhưng, cơ quan chức năng cũng rất khó xử lý. 

Bởi các quy định pháp luật còn quá nhiều kẽ hở, dễ bị lợi dụng. Các công ty du lịch nhái thương hiệu tên tuổi nêu trên đều gắn kèm một số từ như “travel”, “tourist”, “thương mại”, “truyền thông”… nhằm né Luật Doanh nghiệp cũng như nghị định có liên quan. 

Thêm nữa, do chưa có sự kết nối đồng bộ hệ thống mạng quốc gia, thiếu sự sàng lọc của từng địa phương nên doanh nghiệp “nhái” rất dễ dàng được cấp phép đăng ký kinh doanh.

Du lịch là một ngành nghề rất vất vả, đòi hỏi nhiều công sức và sự chuyên tâm, chuyên cần. Doanh nghiệp du lịch chân chính luôn mong muốn phục vụ và mang lại giá trị cho khách hàng muốn tìm hiểu, khám phá, thưởng thức về các giá trị văn hóa, ẩm thực tại những nơi mình thích thú, chưa một lần đến. 

Thế nhưng, sự cố gắng của các doanh nghiệp du lịch chân chính đã trở thành nạn nhân của nhiều doanh nghiệp “đạo tour đạo thương hiệu” - luôn tìm cách lừa, trắng trợn “móc túi” khách hàng. 

Niềm tin của khách hàng đối với ngành Du lịch chân chính từ đó bị giảm sút. “Nếu tình trạng bát nháo, nhái, giả mạo thương hiệu du lịch còn tiếp tục diễn ra, ngành công nghiệp không khói của đất nước sẽ bị đe dọa, kinh tế đất nước cũng bị tổn thương”, ông Phan Xuân Anh suy tư.

Hải Âu
.
.
.