Cam go “cuộc chiến” giữ rừng Tây Nguyên

Thứ Hai, 09/03/2020, 07:49
Thời gian qua, lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của một số tỉnh Tây Nguyên đã vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, tình trạng lâm tặc hung hãn chống trả; thậm chí huy động người hành hung lực lượng thi hành công vụ để cướp lại tang vật vẫn liên tiếp xảy ra. Điều đó cho thấy “cuộc chiến” giữ rừng ở Tây Nguyên rất “nóng” và còn nhiều gian nan.

Lâm tặc manh động, liều lĩnh

Cách nay vừa hơn một tháng, cụ thể vào khoảng 14h ngày 5/2, tổ công tác của UBND xã Kong Chiêng, huyện Mang Yang (Gia Lai), gồm 3 đồng chí tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng theo kế hoạch. Qua tuần tra, tổ công tác phát hiện Lê Văn Thái (trú làng Git, xã Kon Chiêng, Mang Yang) đang vận chuyển gỗ lên 1 xe ôtô loại 12 chỗ. 

Khi Tổ công tác yêu cầu giữ nguyên hiện trường và lập biên bản, Thái gọi điện thoại cho Phạm Từ Phương (trú làng Git, xã Kon Chiêng) đến và Phương đã có hành vi chửi bới, tấn công, gây thương tích vùng đầu cho 2 đồng chí trong Tổ công tác.

Cơ quan chức năng kiểm đếm gỗ vi phạm tại xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, Gia Lai.

Tại tỉnh Đắk Lắk, nhiều cán bộ nhân viên Vườn Quốc gia Yok Đôn vẫn chưa hết bàng hoàng về việc anh Ngô Lê Nhật Tiến, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 7, Vườn quốc gia Yok Đôn bị lâm tặc hành hung, gây thương tích vào chiều 7/2. Hôm đó, anh Tiến và một kiểm lâm khác phát hiện nhóm đối tượng khoảng 9 người dùng xe độ chế vận chuyển gỗ lậu. Khi anh yêu cầu dừng lại, các đối tượng không chấp hành mà dùng dao, gậy tấn công. Anh Tiến bị đánh vào mặt gây thương tích, chảy nhiều máu và phải đi cấp cứu tại bệnh viện.

Trước đó không lâu, khi làm nhiệm chặn bắt vụ khai thác gỗ ở tiểu khu 276, Tổ tuần tra Trạm Kiểm lâm số 11 thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn cũng bị lâm tặc tấn công. Nhân viên kiểm lâm Y Thông Chỉ Byă bị đứt gân tay phải nhập viện cấp cứu. Một số cán bộ tích cực trong công tác QLBVR cũng bị các đối tượng lâm tặc dùng chất bẩn, xăng ném vào nhà để uy hiếp.

Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, tình trạng kiểm lâm và cán bộ, nhân viên làm công tác QLBVR bị đe dọa khi thực hiện nhiệm vụ thường xuyên xảy ra. Năm 2019, trong quá trình truy đuổi, ôtô của Hạt Kiểm lâm huyện Ia HDrai, đã bị xe của nhóm lâm tặc tông vào bên hông, làm móp méo, trầy xước, gãy gương chiếu hậu.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều kiểm lâm đang làm nhiệm vụ QLBVR tại 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum còn cho biết, quá trình thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng, họ bị đe dọa diễn ra thường xuyên. Các đối tượng dùng sim rác nhắn tin, gọi điện “khủng bố” tinh thần nên anh em khá lo lắng. Tuy nhiên, anh em cũng tự động viên, nhắc nhở nhau phải cảnh giác, cẩn thận khi thực hiện nhiệm vụ.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng  luôn chịu nhiều áp lực

Ông Dương Hoàng Nguyện, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết các vụ chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh là hết sức nghiêm trọng; các đối tượng rất manh động, liều lĩnh và có tính chất côn đồ. Đặc biệt, đối tượng thường lợi dụng, xúi giục đồng bào dân tộc thiểu số gây rối để tẩu tán tang vật, gây bất ổn về ANTT tại địa phương. 

“Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện, truy bắt các trường hợp vi phạm. Rất nhiều đối tượng bị nghiện ma túy; có trường hợp lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép thì thấy trên xe còn nhiều kim tiêm dính máu tươi, nếu không cẩn thận rất dễ bị lây nhiễm bệnh”, ông Nguyện cho hay.

Về những khó khăn trong công tác QLBVR, ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Yok Đôn, cho biết thêm diện tích rừng của VQG Yok Đôn đang quản lý khoảng 115.000ha. Trong khi đó, lực lượng QLBVR còn quá mỏng. Hiện Vườn phải hợp đồng hơn 40 người để thực hiện công tác QLBVR, trong đó, có nhiều đồng chí đã hợp đồng lao động với Vườn hơn 10 năm. 

“Nếu theo diện tích và số người đang làm việc thì trung bình mỗi người phải bảo vệ gần 1.000ha rừng. Do đó, Vườn đang xin ý kiến Tổng cục Lâm nghiệp cho phép tuyển dụng những hợp đồng lao động này vào biên chế để họ được hưởng các chế độ ưu đãi của ngành, đảm bảo đời sống. Từ đó, yên tâm công tác, giữ vững tâm huyết bảo vệ rừng”, ông Linh nói. 

Có một thực trạng đáng quan ngại khác, đó là hiện nay các khu vực xung quanh huyện Ea Súp, Buôn Đôn cũng như VQG đang vào thời kỳ cao điểm của mùa khô. Nương rẫy ở những khu vực này bị thiếu nước, không canh tác được nên người dân vào rừng tìm cây thuốc, phong lan, động vật cũng như khai thác gỗ về bán. Do đó, áp lực bảo vệ rừng đối với các cán bộ Vườn quốc gia càng cao hơn.

Bên cạnh những yếu tố khách quan, nguyên nhân rừng liên tục bị xâm hại là do nhu cầu sử dụng gỗ để kinh doanh, sử dụng rất cao; kéo theo giá bán gỗ cũng tăng lên đáng kể. Chính từ nhu cầu này mà lâm tặc bất chấp thủ đoạn để khai thác gỗ trái phép. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, các đối tượng sẵn sàng chống trả quyết liệt và hành hung lực lượng QLBVR nhằm tẩu tán tang vật, chạy thoát thân.

Trước thực trạng này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, cương quyết xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi hủy hoại tài sản nhà nước và chống người thi hành công vụ. Đồng thời, kiến nghị các ngành, cơ quan tư pháp áp dụng khung hình phạt cao nhất đối với những đối tượng này để tạo sức răn đe. 

Theo ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, hiện những kiểm lâm trực tiếp bảo vệ rừng chịu áp lực rất lớn, làm việc trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Điển hình như VQG Yok Đôn là một trong những Vườn được Nhà nước đầu tư khá lớn trong việc bố trí cán bộ, phương tiện… nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu công việc. Lực lượng kiểm lâm quá mỏng trong khi địa bàn lại rộng nên lâm tặc rất dễ xâm nhập, khai thác và tẩu tán tang vật. Khi tuần tra, mỗi tổ thường có 2-3 người, trong khi lâm tặc thường đi theo nhóm rất đông nên khi phát hiện vụ việc, lực lượng QLBVR không đủ lực lượng trấn áp các đối tượng nên dẫn đến hành vi chống đối, hành hung. Do đó, trong các đợt tập huấn, đơn vị đã yêu cầu lực lượng QLBVR phải kiên quyết bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên được giao quản lý. Trong quá trình QLBVR, cần chủ động phối hợp với các bên có liên quan; bảo đảm an toàn tối đa tính mạng cũng như tài sản của Nhà nước.

“Sau sự việc chống người thi hành công vụ ở Buôn Đôn, Cục Kiểm lâm tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật và yêu cầu xử lý nghiêm để răn đe. Về lâu dài, các địa phương cần có chính sách quan tâm hơn, tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng. Khi người dân có sinh kế tốt, nâng cao đời sống thì sẽ ít tác động vào rừng hơn. Từ đó, áp lực đối với lực lượng QLBVR cũng sẽ giảm đi đáng kể”, ông Tùng chia sẻ.

Chí Hào
.
.
.