Cải trang, “đánh úp” công trường gỗ lậu vùng giáp ranh

Chủ Nhật, 10/07/2016, 08:32
Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam (C49B) và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20) vừa phối hợp “đánh úp” một công trường khai thác gỗ lậu lâu năm tại khu vực rừng nguyên sinh thủy điện Đồng Nai 5, thuộc xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, nơi giáp ranh giữa Lâm Đồng, Đắk Nông và Đồng Nai, bắt giữ 19 đối tượng.

Qua công tác trinh sát, nắm bắt địa bàn, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện tại khu vực rừng nguyên sinh, gần hồ thủy điện Đồng Nai 5, hàng chục đối tượng với sự hỗ trợ của nhiều máy móc, thiết bị chuyên dụng, ngang nhiên khai thác gỗ trái phép mặc dù gần khu vực này có nhiều trạm kiểm lâm và sự có mặt thường xuyên của cơ quan chức năng về bảo vệ rừng.

Lực lượng chức năng phá bỏ một lán trại của lâm tặc tại hiện trường.  Ảnh cắt từ clip CTV cung cấp.

Một chuyên án “đánh úp” công trường gỗ lậu này nhanh chóng được thành lập với sự phối hợp của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tối 7-7, trên 30 CBCS trong Ban chuyên án được lệnh lên đường. Một chiếc xe tải lặng lẽ xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, nhằm thẳng hướng Lâm Đồng, tiến vào khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 5. Ngồi trong xe là toàn bộ lực lượng của Ban chuyên án. Hành trình phá án được giữ bị mật một cách tuyệt đối để phòng ngừa khả năng bị đánh động, lọt đến tai các đối tượng.  

Công trường gỗ lậu này hoạt động hết sức tinh vi dưới sự điều khiển của một “tổng hành dinh”.

Mọi công đoạn được chúng phân chia người làm việc, canh gác rất cẩn mật. Để lọt qua “cửa”, ngoài việc lực lượng di chuyển vào vùng “lõi” bằng xe tải chở hàng, các CBCS tham gia phá án phải tản ra nhiều hướng cải trang thành người đi câu cá, mua đất. Lực lượng chức năng đã lợi dụng thời điểm các đối tượng gác cửa rừng đang say sưa “đặt kèo” sát phạt trong trận bán kết Euro giữa Pháp và Đức mất cảnh giác để bí mật di chuyển qua vòng gác.

Khi đã lọt qua các cửa gác, lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở, cây cối um tùm, sương mù dày đặc rất khó quan sát từ xa, lực lượng phá án đã tỏa ra nhiều hướng, vây bắt các đối tượng đang trục vớt gỗ dưới lòng hồ thủy điện Đồng Nai 5 và vận chuyển đi tiêu thụ từ nhiều hướng.

Sáng  8-7, trong lúc hàng chục đối tượng đang hì hục trục vớt, đưa gỗ lên xe, lực lượng Công an bất ngờ ập tới nhiều phía. Bị “đánh úp”, hầu hết các đối tượng không kịp trở tay. Mặc dù vậy, nhiều đối tượng tỏ ra liều lĩnh chống đối, thách thức lực lượng chức năng hoặc nhảy xuống lòng hồ thủy điện Đồng Nai 5 hòng trốn thoát khỏi hiện trường. Nhiều phát súng bắn chỉ thiên cảnh báo nhóm lâm tặc.

Trước sự bao vây từ mọi phía của lực lượng phá án, các đối tượng nhảy xuống bơi ra lòng hồ thủy điện sau một hồi quần thảo với nước, khi được các CBCS ra lời kêu gọi, động viên, cuối cùng đã ngoan ngoãn bơi vào bờ và chịu tra tay vào còng. Lực lượng Công an bắt giữ 19 đối tượng cùng nhiều thiết bị, phương tiện chuyên dùng để phục vụ khai thác gỗ lậu. Tại bãi tập kết dưới lòng thồ thủy điện, cơ quan chức năng thu giữ gần 10m3 gỗ đã xẻ thành từng khúc. Quanh khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 5, thuộc tiểu khu 390, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm còn có hơn 100m³ gỗ lâm tặc chưa kịp vận chuyển đi tiêu thụ.

Sau đợt truy quét đầu tiên, bắt giữ được nhiều đối tượng, Ban chuyên án đã đề nghị Công an tỉnh Lâm Đồng, VKSND tỉnh Lâm Đồng và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng khẩn trương điều động lực lượng tới hiện trường phối hợp với Ban chuyên án, tiếp tục truy bắt, làm rõ đường dây tàn sát rừng nguyên sinh tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 5. Lực lượng chức năng của Bộ Công an và tỉnh Lâm Đồng đã chia thành các mũi chốt chặn ở nhiều địa bàn khác nhau như Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên và vùng giáp ranh tỉnh Đắk Nông để truy bắt các đối tượng đang bỏ trốn.

Ngày trong chiều 8-7, lực lượng Công an tỉnh Lâm Đồng, Viện KSND tỉnh Lâm Đồng và Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã khám xét nhiều chòi quanh khu vực này, được xác định là nơi các đối tượng trú ngụ để khai thác gỗ trái phép. Một vị lãnh đạo của VKSND tỉnh Lâm Đồng tiết lộ, cơ quan chức năng đã thu giữ được một số sổ sách có nội dung ghi cụ thể số tiền “chung chi” cho những người có trách nhiệm, đứng sau “chống lưng”, bảo kê phá rừng.

Cũng theo vị này, cách khu vực khai thác gỗ lậu vừa bị cơ quan chức năng của Bộ Công an triệt phá có nhiều Trạm Kiểm lâm đóng chốt. Bước đầu, qua công tác kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng xác định “công trường” gỗ lậu này đã hoạt động ít nhất trong vòng 2 năm qua.

Các đối tượng bị bắt khai nhận, được một người cầm đầu  tên là Hà đen thuê khai thác những cây gỗ lớn, quý hiếm tại khu vực rừng phòng hộ ven sông và thủy điện Đồng Nai 5 từ nhiều tháng qua. Lực lượng được thuê khai thác gỗ tại khu vực này lên tới mấy chục người, được phân chia nhiệm vụ cụ thể, bao gồm nhóm người canh gác vòng ngoài chuyên làm nhiệm vụ cảnh báo, theo dõi những người lạ mặt xuất hiện trong khu vực để báo về “đài chỉ huy”.

Một nhóm khác chuyên cưa hạ những cây gỗ lớn, xẻ thành từng khối vuông kéo xuống sông Đồng Nai, thả trôi theo dòng nước tập kết về khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 5. Tại đây, hàng chục người đã lập lán chờ sẵn, nghênh đón gỗ chảy về trục vớt đưa lên bờ, chất lên xe tải chở đến vùng tiêu thụ. Các đối tượng bị bắt khai nhận, trung bình mỗi ngày chúng khai thác vận chuyển đi tiêu thụ khoảng 20-30m3 gỗ lậu các loại, chủ yếu là những loại gỗ thuộc nhóm quý hiếm. Sau khi lấy lời khai, sàng lọc các đối tượng, cơ quan Công an đã bắt giữ 6 đối tượng cầm đầu để phục vụ công tác điều tra.

Ngày 9-7, mặc dù trời có mưa lớn, đường sá đi lại rất khó khăn nhưng lực lượng chức năng tiếp tục vào hiện trường thống kê số gỗ bị triệt hạ trong vòng 2 năm qua tại tiểu khu 390, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ án phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này. Cơ quan điều tra đang đấu tranh, làm rõ đối tượng cầm đầu và những ai đã “chống lưng cho nhóm lâm tặc trên công khai hoạt động triệt hạ gỗ rừng trái phép trong 2 năm qua.

Kim Ngân
.
.
.