Bản Ngòi - Ốc đảo bị “lãng quên”

Thứ Năm, 25/05/2017, 09:02
Bản Ngòi là một xóm cổ của người Mường, trải qua nhiều thập kỷ nơi đây vẫn là ốc đảo nằm tách biệt sâu trong lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, không có đường bộ, phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền tôm, bè mảng, cuộc sống của người dân bản nơi đây tách biệt, cô lập như bị “lãng quên” ở lòng hồ sông Đà hùng vĩ.


Những ngày cuối tháng 5, trong hành trình khám phá điểm đến mới trên dòng sông Đà, chúng tôi đến với xóm Ngòi thuộc xã Ngòi Hoa (Tân Lạc- Hoà Bình), một xóm cổ ven hồ thuỷ điện Hoà Bình. 

Bản Ngòi là một xóm cổ của người Mường, trải qua nhiều thập kỷ nơi đây vẫn là ốc đảo nằm tách biệt sâu trong lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, không có đường bộ, phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền tôm, bè mảng, cuộc sống của người dân bản nơi đây tách biệt, cô lập như bị “lãng quên” ở lòng hồ sông Đà hùng vĩ.

31 năm mòn mỏi một con đường

Xuất phát từ bến thuyền Thung Nai (huyện Cao Phong), đi tàu ngược theo dòng nước khoảng 45 phút, qua những dãy núi đá vôi trùng điệp và những đảo nhỏ, chúng tôi đến với bản Ngòi trong buổi chiều muộn. 

Khi tàu cập bến, người dân bản Ngòi đón chúng tôi bằng tiếng cồng chiêng rộn ràng, nụ cười và những cái bắt tay thật chặt, sự thăm hỏi chân tình của những người dân bản dành cho những vị khách từ nơi xa lần đầu tiên đến bản đã tạo những ấn tượng thật đẹp trong lòng du khách.

Nhìn những cụ ông, cụ bà cho tới những đưa trẻ trong xóm tập trung ở trên bến thuyền ai cũng vui. Bà Bùi Thị Trình hơn 80 tuổi cho biết, bản không mấy khi có khách, thấy mọi người đến đông vui quá, ra chỉ để gặp gỡ, được nói chuyện cũng vui rồi. 

Đứng từ trên đỉnh đồi, ông Đinh Công Hoán, Bí thư chi bộ xóm chỉ tay xuống khu vực lòng hồ trước mặt cho biết, xóm Ngòi nằm phía bên kia sông, tách biệt hoàn toàn với 4 xóm còn lại của xã. Không có cầu, phương tiện của người dân chủ yếu là thuyền nan hoặc thuyền máy. Các trục đường trong xóm chủ yếu là đường đất, đồi dốc trơn rất khó đi.  Nguy hiểm hơn, các em học sinh ngày  nào cũng tự chèo thuyền qua sông đến trường học.

Vịnh xóm Ngòi.

Ông Hoán cho biết, năm 1986 khi thuỷ điện Hòa Bình tích nước thì phải di dân. Tuy nhiên nhiều hộ gia đình không muốn chuyển đi vùng đất mới mà trụ lại bên bờ sông Đà, họ di chuyển lên phía cao để sinh sống. Trước đây, xóm này được gọi là Bưa Dâm, với khoảng 20 gia đình sinh sống. 

Không ai có thể xác định được xóm có từ bao giờ vì nó là xóm cổ. Khi xóm ngay phía dưới bây giờ đã ngập nước là xóm Ngòi, có khoảng 30 hộ gia đình từ dưới xóm Ngòi chuyển lên xóm Bưa Dâm nên người dân lấy gộp cả xóm cũ và xóm mới thành một xóm là xóm Ngòi như bây giờ. 

Từ lúc hình thành bản Ngòi mới, người dân trong xóm đã đề nghị Nhà nước làm một con đường bê tông nhỏ nối từ bản Ngòi lên tỉnh lộ 43, đoạn thuộc xã Ba Khan của huyện Mai Châu để đi lại vì xóm hoàn toàn tách biệt không có đường bộ đi vào. Nhưng đến thời điểm này sau 31 năm đường vẫn chưa có.

Quả thật, từ bến tàu đi vào sâu bên trong xóm, chúng tôi đi men theo con đường mòn dân tự mở, ngày nắng còn dễ đi chứ mưa thì trơn trượt, nhiều chỗ đường lầy lội, chỗ nào bằng phẳng thì người dân làm nhà sinh sống, cạnh đó là những nương ngô đang dần vào vụ. Nhịp sống ở đây thật chậm và yên bình, thi thoảng trên đường đi chúng tôi gặp vài người đi rừng về, trên lưng họ gùi ít rau rừng, vài củ măng hay củ mài. 

Thấy chị Đinh Thị Loan gùi một gùi củ mài, chúng tôi hỏi mua, nhưng chị từ chối. Chị bảo: “Đào cả chiều mới được ngần này, để về luộc cho cả nhà ăn thôi, không bán đâu”. Ở đây, người dân không có đất để canh tác trồng lúa nên gạo phải mua hoàn toàn từ tàu hàng hay gọi là “siêu thị di động” trên bến sông. Cuộc sống bấp bênh sống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, lại bị cô lập giữa vùng sông núi nên cuộc sống của họ khó khăn trăm bề.

Chị Đinh Thị Uyên một người dân trong xóm cho biết, người lớn thì vất vả đến đâu cũng chịu được, nhưng tội nhất là mấy đứa trẻ. Học mẫu giáo, cấp I thì còn có lớp nhưng khi lên cấp II thì phải lên xã, lên cấp III phải lên huyện, mà quãng đường chèo thuyền đi học thật gian nan. 

Mỗi ngày lên lớp, các em học sinh cấp Trung học cơ sở phải đi học từ 4h sáng, chèo thuyền tôm đi học qua sông với khoảng cách rộng 1,5-2km, sau đó đi bộ tiếp khoảng 4,5-5km mới đến được trường. Còn lên cấp III phải lên huyện học thì quãng đường còn dài hơn rất nhiều. Hầu hết các em trong xóm nếu không vào được nội trú thì thường bỏ học. 

Chỉ tay về mấy em gái đang làm ngoài ruộng ngô bên đường, chị Uyên bảo: “Các em ấy vừa học xong lớp 9, nghỉ hết rồi. Các cháu cũng muốn đi học tiếp nhưng đi học xa quá, không ai theo được”. Đây là một thực tế đã và đang diễn ra tại xóm Ngòi, để theo đuổi con chữ đối với họ quả là một điều xa xỉ, cả xóm đếm trên đầu ngón tay số người được đi học đại học, như nhà ông Đinh Công Thuân có con đi học đại học, 2 người con đã ra trường và đi dạy học. 

Ông Đinh Văn Vân, Trưởng thôn cho biết, toàn bộ dân trong xóm là người Mường, cả xóm có 89 hộ với gần 400 khẩu. Cuộc sống của người dân hoàn toàn biệt lập với bên ngoài, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn thuỷ sản đánh bắt và nuôi trồng trên sông Đà. Ngoài ra có ít đất nào thì các hộ canh tác trồng ngô, sắn, lạc và đi rừng. Mỗi tuần có 2 ngày thuyền chở hàng đi qua đây để người dân trong xóm ra trao đổi hàng hoá, mua gạo. 

Đây là xóm nghèo nhất của tỉnh, với 51 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ 61,8%). Ở đây, người dân sợ nhất là ốm đau, trẻ con đi học mùa nước cạn còn đỡ chứ vào mùa nước về rất nguy hiểm. Vừa qua, Công ty CP Đầu tư du lịch Hoà Bình có đầu tư cho xóm 1 thuyền máy để các em học sinh cấp II tự đi học, có thuyền máy các em đi lại đỡ vất vả và an toàn hơn rất nhiều.

Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng

31 năm dành đất để làm thuỷ điện, đưa ánh sáng phủ khắp cả nước nhưng người dân xóm Ngòi lại bị bỏ quên nơi thâm sơn cùng cốc. Điều kiện sống của người dân khó khăn trăm bề, trẻ em bỏ học giữa chừng là những việc không ai mong muốn. 

Với sự sẻ chia và vực dậy xóm nhỏ này trở thành điểm đến du lịch cộng đồng, Công ty CP Đầu tư du lịch Hoà Bình đã lựa chọn xóm Ngòi để đầu tư, giúp người dân thoát nghèo từ du lịch. Công ty đã khảo sát địa bàn, tuyên truyền cho người dân hiểu tham gia làm du lịch và đào tạo về các kỹ năng trong du lịch bài bản, người dân ban đầu còn e ngại, tuy nhiên khi được nghe, giải thích và thấy được lợi ích của việc làm du lịch đem lại sự phát triển bền vững cho cộng đồng, có sự giao lưu văn hoá, người dân trong xóm rất đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình. Đến nay, đã có 7 hộ tham gia làm homestay, công ty hỗ trợ 50% vốn và cam kết quảng bá điểm đến, thu hút khách đến với xóm Ngòi. 

Ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, xóm Ngòi được ví như “Vịnh Hạ Long” trên núi, đây là một trong những bản Mường cổ nhất nằm sâu trong lòng hồ, nơi hoàn toàn hoang sơ gần như chưa có dấu chân du khách. Nơi đây vẫn lưu giữ được nét văn hoá truyền thống, phong tục từ nhiều đời. 

“Chúng tôi muốn giới thiệu xóm Ngòi tới du khách Việt và du khách quốc tế biết đến Việt Nam còn có một vùng đất đẹp và hoang sơ như thế. Xóm Ngòi đã bị “bỏ quên” khá lâu và bây giờ chính là lúc để vẻ đẹp của nó được toả sáng”, ông Bổng nhấn mạnh.

Phát triển du lịch cộng đồng tại xóm Ngòi mới đang là bước đầu, tuy nhiên với những nỗ lực từ phía doanh nghiệp thì người dân cũng sẽ vơi đi những khó khăn, sức lan toả rộng khi có việc làm, tăng thu nhập, đặc biệt nhiều vị khách sẽ đến đây, xóm bản sẽ vui hơn, không còn cô lập nữa. Người dân kỳ vọng vào một sự đổi thay trên vùng đất bị lãng quên, du lịch cộng đồng sẽ là đòn bẩy cho bản Ngòi phát triển.

Lưu Hiệp
.
.
.