Lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng phối hợp đảm bảo an ninh trật tự

Bài cuối: Ngăn chặn hàng trăm vụ mua bán người

Thứ Bảy, 05/03/2016, 13:50
Hiệu quả từ việc phối hợp giữa lực lượng Công an và BĐBP trong công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người (MBN) đã được ghi nhận bằng những con số ấn tượng. Hiện hai lực lượng đã xác định trên toàn quốc có 26 tuyến, 42 địa bàn trọng điểm về tội phạm MBN.

Năm 2015, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) đã phối hợp điều tra, xác minh bắt giữ 40 vụ với 50 đối tượng, giải cứu 49 nạn nhân.

Là địa bàn trung chuyển của hoạt động MBN, các tỉnh biên giới phía Bắc hằng năm tiếp nhận và giải cứu vài trăm trường hợp là phụ nữ và trẻ em bị buôn bán. Do giáp với 3 huyện Kim Bình, Hà Khẩu thuộc Châu Hồng Hà và huyện Mã Quan thuộc Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, Lào Cai là tỉnh duy nhất trong toàn quốc có tỉnh lỵ nằm sát đường biên giới.

Lợi dụng việc mất cân bằng giới tính của phía bạn và những rào cản về pháp lý giữa hai quốc gia đã tạo ra áp lực và sự gia tăng hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm MBN. Lào Cai được xác định là địa bàn trọng điểm, vừa là địa bàn trực tiếp, vừa là địa bàn trung chuyển nạn nhân của loại tội phạm này. Đại tá Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy, BĐBP tỉnh Lào Cai nhận định: “Tuy giảm về số vụ và đối tượng, nhưng tội phạm MBN tại Lào Cai vẫn diễn biến hết sức phức tạp”.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thái thì thủ đoạn của đối tượng MBN ngày một tinh vi, xảo quyệt và tàn nhẫn. Chúng tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm, câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở nước ngoài với các đối tượng trong nước, sử dụng công nghệ thông tin thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để làm quen, dụ dỗ, lừa gạt bằng thủ đoạn yêu đương, đưa đi thăm gia đình, đưa đi chơi để dụ dỗ đưa nạn nhân vào khu vực biên giới hẻo lánh, ép buộc đưa sang Trung Quốc bán cho các chủ chứa mại dâm để khai thác, bóc lột tình dục, cho thuê làm gái bán dâm.

Theo nhận định của Cục Cảnh sát hình sự thì hiện nay phương thức lừa đảo đã phức tạp hơn, chúng chuyển sang hình thức đưa người lao động ra nước ngoài. Nhóm tội phạm đến các vùng nông thôn tuyển lao động, có hồ sơ tuyển dụng, hứa hẹn việc làm hấp dẫn, ổn định, có thu nhập cao. Sau khi đưa ra nước ngoài, chúng thu giữ hết giấy tờ tùy thân rồi ép buộc người lao động làm việc khổ sai, trả lương thấp, thậm chí còn bị đánh đập.

Ở các tỉnh phía Nam, tình hình MBN qua hình thức môi giới hôn nhân trái pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Thậm tệ hơn, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kiểm soát đường biên, chính sách thông thoáng trong việc xuất nhập cảnh cho người dân ở khu vực biên giới, chúng đã móc nối chặt chẽ với các đối tượng ở Trung Quốc thành đường dây đưa người ra nước ngoài lao động thời vụ, đi du lịch, thăm thân…

Khi đến nước ngoài, chúng ép họ làm gái mại dâm hoặc cưỡng bức lao động, không trả tiền công, thậm chí có vụ đối tượng còn giữ người lại, khống chế ép nạn nhân đưa phụ nữ sang để chuộc… gây bức xúc dư luận xã hội.

Năm 2015, cả nước phát hiện 297 vụ MBN với 481 đối tượng, chúng đã lừa bán 778 nạn nhân – đây là con số khiến bất cứ ai cũng đau lòng, đòi hỏi công tác phát hiện, ngăn chặn ở các tuyến biên giới là vô cùng cấp thiết.

BĐBP Việt Nam tổ chức tiếp nhận nạn nhân bị mua bán từ Trung Quốc trở về.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thái thì BĐBP Lào Cai rất tích cực làm tốt công tác trao đổi thông tin với các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Lào Cai để phát hiện, đấu tranh với nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm MBN. Năm 2015, Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai đã phối hợp với Công an các địa phương trong tỉnh đấu tranh thành công 5 chuyên án, 10 vụ án hình sự về mua bán người, bắt 17 đối tượng, giải cứu 32 nạn nhân. Ngoài ra, Công an tỉnh Lào Cai chủ trì phối hợp với BĐBP tổ chức điều tra, xác minh làm rõ 9 vụ án, bắt 9 đối tượng, giải cứu 18 nạn nhân.

Đại tá Lương Cao Huỳnh, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Lào Cai cho biết, năm 2015, BĐBP và lực lượng Công an tỉnh Lào Cai đã trao đổi cho nhau 86 tin có liên quan về tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán. Do vậy, một số chuyên án, vụ án đã có sự trao đổi, thống nhất trong điều tra, xác minh, tổ chức đấu tranh, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân. Điển hình là phối hợp đấu tranh chuyên án giải cứu thành công 2 nạn nhân là Vì Thị Dúng và Vì Thị Dung, đều là dân tộc Mông, trú tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Sau khi tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, hai lực lượng đã bắt 2 đối tượng trong chuyên án gồm: Giàng Thị Sinh, SN 1995, trú tại xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát và Tráng Pao Dìn, SN 1990, trú tại xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Mở rộng điều tra, các đối tượng khai nhận trước đó đã bán 4 trẻ em gái tuổi từ 14 đến 15 ở các địa bàn Si Ma Cai, Bắc Hà, Điện Biên sang Trung Quốc.

Sự phối hợp đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi năm 2015, lực lượng CSHS Công an các địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An đã phối hợp với lực lượng BĐBP cấp tỉnh điều tra, khám phá 21 vụ mua bán người, bắt khởi tố 40 đối tượng. Điển hình là Đồn Biên phòng Tri Lễ (Nghệ An) phối hợp với Công an huyện Quế Phong kịp thời bắt giữ Vi Thị Hiền, Vi Văn Trung, Sầm Văn Lâm cùng trú tại huyện Quế Phong, giải cứu 3 nạn nhân đang bị chúng dẫn sang bên kia biên giới bán cho bọn buôn người. 

Hay Đồn Biên phòng Mường Típ (Nghệ An) phối hợp với Trạm CSGT huyện Diễn Châu bắt đối tượng Quang Thị Mun, trú tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đang trên đường đưa 2 nạn nhân là Lương Thị N,  Lương Thị D ở huyện Kỳ Sơn sang Trung Quốc bán.

Theo nhận định của Cục CSHS, tội phạm MBN trong thời gian tới vẫn sẽ diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng cả về quy mô hoạt động và mức độ nguy hiểm. Do vậy đòi hỏi công tác hai lực lượng phải thường xuyên trao đổi thông tin liên quan để kịp thời thống nhất biện pháp, kế hoạch phối hợp đấu tranh. Đặc biệt thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm soát địa bàn và trên tuyến biên giới, đặc biệt các đường tiểu ngạch mà tội phạm thường xuyên hoạt động đưa người xuất cảnh trái phép.

Trần Hằng – Xuân Mai
.
.
.