Ám ảnh phí trên những con đường BOT

Bài 1: Những chiêu “né” phí cao tốc

Thứ Năm, 21/04/2016, 08:44
Tỉnh lộ 391 (ĐT391) qua huyện Tứ Kỳ, Hải Dương có lưu lượng thiết kế tối đa 3.000 xe con quy đổi/ngày. Tuy nhiên, gần đây, ĐT391 phải gánh gấp 3 lần lưu lượng thiết kế do các xe nườm nượp rẽ sang con đường này để né trạm thu phí trên QL5. 

Từ tháng 1-2016, hàng loạt trạm thu phí BOT (hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên cả nước đã đồng loạt tăng giá. Điều đáng nói, có trạm vừa tăng cuối năm 2015, đến hết quý I năm 2016 lại xin tăng. Thậm chí, quy định 70km/trạm thu phí cũng không được thực hiện. Không chịu nổi trước việc phí quá cao, nhiều người dân đã tìm đủ cách để né, để tránh trạm thu phí, thậm chí làm liều dừng xe chắn trạm, gây mất ATGT.

Tương tự, tại Cầu Hạc - Phú Thọ, mỗi ngày, trạm thu phí BOT bị thất thoát khoảng 100 triệu đồng do xe ôtô vẫn cố tình né trạm, đi vào cầu Việt Trì cũ dù đã bị cấm. Hay như trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lái xe nhận thẻ đầu vào, nhưng đầu ra lại báo mất, cũng vì trốn phí…

Là một lái xe tải đường dài lâu năm hay đi trên đoạn đường Hà Nội-Hải Phòng, anh Nguyễn Tuấn Anh thành thật chia sẻ: Tôi không phủ nhận chuyện đi đường cao tốc thì sẽ nhanh hơn, song giờ giá cước giữa các doanh nghiệp cạnh tranh từng đồng, nếu phí cao quá thì lãi sao được. Vì vậy có những chuyến hàng tôi chấp nhận đi xa gần 30km khi vòng qua ĐT391 để “né” phí qua QL5 hay đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với lý do “mất thời gian hơn, tốn xăng hơn, nhưng đỡ phí”. 

Sự thật không phải chỉ có anh Tuấn Anh, mà nhiều lái xe khác đã áp dụng “chiêu” này. Những ngày đầu tháng 4, có mặt trên ĐT391 nối từ QL10 với TP Hải Dương, chúng tôi ghi nhận tình trạng xe tải, xe container đi từ hướng Hải Phòng nườm nượp rẽ từ ngã ba Tứ Kỳ vào tuyến đường này. 

Bản thân ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cũng phải thừa nhận, thực trạng nhiều tài xế thay vì đi QL5 hay cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã chọn ĐT391 để “né” trạm thu phí. 

Theo ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương, ĐT391 là con đường liên tỉnh nối giữa QL10 với TP Hải Dương, có lưu lượng thiết kế tối đa 3.000 lượt xe con quy đổi/ngày. Năm 2015, lưu lượng bình quân xe qua ĐT391 là 806 lượt xe/ngày, trong đó xe tải nặng là 62 lượt xe/ngày, riêng xe container là 9 lượt xe/ngày. 

Từ 15-4, Hải Dương đã ban hành quy định cấm xe từ 4 trục trở lên đi vào tỉnh lộ 391 giờ cao điểm. Ảnh: Vũ Điệp.

Nhưng 3 tháng đầu năm 2016, lưu lượng xe qua ĐT391 tăng đột biến, lên đến 6.481 lượt xe/ngày, trong đó xe tải nặng 3 trục 305 lượt xe/ngày, xe tải 4 trục trở lên 2513 lượt xe/ngày, riêng xe container là 628 lượt xe/ngày. 

Không chỉ đi vào tỉnh lộ để “né” trạm thu phí, mới đây cũng trên QL5, hai lái xe khách đã dừng ngang xe trên đường để phản đối giá phí. Hành động này đã gây cản trở giao thông, ùn tắc trên tuyến QL5, và ngay sau đó hai tài xế đã được đưa về cơ quan Công an làm việc, và đang phải đối diện với việc bị khởi tố vì hành vi này.

Cũng là một điểm nóng về câu chuyện phí BOT, Cầu Hạc Trì nằm cách cầu Việt Trì cũ khoảng 300m, bắc qua sông Lô, nối liền hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, được đầu tư với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng, được thông xe vào tháng 5-2015. 

Dự án chính thức thu phí hoàn vốn từ tháng 12-2015 với mức khởi điểm là 35.000 đồng/lượt đối với xe dưới 9 chỗ ngồi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình mất trật tự tại trạm thu phí BOT tại câu cầy này liên tiếp diễn ra, bởi người dân và lái xe phản ứng việc bị chặn không được lưu thông qua cầu Việt Trì cũ. 

Nhiều cuộc họp giữa chủ đầu tư, địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã diễn ra để tìm phương án hợp lý nhất nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, chủ đầu tư là Công ty CP BOT cầu Việt Trì cho biết, mỗi ngày thất thoát khoảng 100 triệu đồng tiền phí, vì tình trạng ôtô né cầu Hạc Trì, bất chấp biển cấm vẫn lưu thông vào cầu Việt Trì cũ. 

Theo tính toán của chủ đầu tư, doanh thu trạm thu phí hiện nay chỉ đạt 200 triệu đồng/ngày, trong khi đó nếu thực hiện cấm nghiêm ngặt ôtô qua cầu Việt Trì cũ thì doanh thu đạt 300 triệu đồng/ngày. Đáng nói, doanh thu theo phương án tài chính đã đề ra là 138 tỷ đồng/năm, tương đương 380 triệu đồng/ngày (khoảng 11,4 tỷ đồng/tháng).

Trước đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phát hiện tình trạng lái xe báo mất thẻ thu phí. Cao điểm, vào cuối năm 2015, VEC cũng thống kê có hàng nghìn trường hợp tương tự xảy ra. 

Tìm hiểu ngọn nguồn thì VEC cũng kết luận được rằng, hành động  mất thẻ không hề “vô tình” mà là một chiêu nhằm tránh phí. Nhằm giám sát chặt tình trạng này, VEC đã thông báo sẽ ngừng phục vụ các xe liên tục làm mất thẻ. 

Gần đây nhất, VEC đã có văn bản từ chối phục vụ 11 xe lưu thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Nguyên nhân là do 11 xe này có thông tin đầu vào nhận thẻ nhưng không có thông tin đầu ra, gây nên tình trạng thất thoát thẻ trên tuyến. Trong đó, riêng xe mang biển kiểm soát 30F-2874 làm mất thẻ tới 6 lần.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, việc các lái xe cố tình tìm cách “né” trạm, một phần nguyên nhân là do việc các chủ đầu tư tìm cách tăng bằng được, thu bằng được phí BOT đã đi ngược lại những điều trước đây mà lãnh đạo các Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã từng hứa với người dân. 

Họ từng hứa rằng khi làm đường thì các trạm thu phí phải cách nhau 70km nhưng mà bây giờ các trạm BOT chỉ cách nhau 20, 30 km thôi. Tuyến Hà Nội – Thái Bình chỉ có 100km nhưng có tới 4 trạm thu phí. Hay như đặt những trạm người dân không đi vào con đường ấy mà vẫn thu phí, như trạm BOT ở Quán Hàu – Quảng Bình gây bức xúc dư luận. 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhấn mạnh, Bộ trưởng Bộ GTVT từng khẳng định, khi làm đường cao tốc thì vẫn có đường cũ song song. Nếu ai muốn đi nhanh, tiết kiệm xăng dầu thì đi đường mới phải nộp phí và ai không muốn thì đi đường cũ. Tuy nhiên theo ông Liên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại, người dân đang phải è cổ gánh phí cao.

“Hiện nay phí đường 5 cũ tăng lên 50%, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cũng tăng 25%. Như thế tức là các cam kết của các cơ quan quản lý với người dân không đúng. Phí BOT mới và phí đường cũ vẫn tăng đều đặn. Tiếp theo là, khi thu phí là theo sự tăng trưởng, sự trượt giá GDP thế nhưng 3 tháng đầu năm với 3 tháng cuối năm GDP tăng trưởng rất thấp, thế cớ gì mà lại tăng giá phí. Họ nói kiểu nào cũng được. Trượt giá thấp thì không được tăng phí nhưng giờ để hợp thức hóa thì họ lại nói theo lộ trình là phải tăng. Chúng ta cứ nói rằng người dân được tham gia ý kiến với cơ quan nhà nước nhưng khi tham gia thì họ lại không thực hiện”, ông Liên bức xúc.

Nhóm PV
.
.
.