Chuyện ghi ở Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy

Thứ Bảy, 18/08/2018, 12:34
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn cán bộ chiến sỹ của lực lượng CAND đã anh dũng hy sinh, hàng nghìn cán bộ chiến sỹ để lại một phần xương máu nơi chiến trường,hàng chục nghìn cán bộ bị địch bắt tù đày…

Ngày nay, lực lượng Công an tiếp tục cống hiến, hy sinh vì cuộc sống bình yên cho nhân dân, bảo vệ sự phồn vinh cho đất nước. Đó là kết quả rõ nét nhất minh chứng cho tinh thần học tập Sáu điều Bác Hồ dạy suốt 70 năm qua. Nơi khởi nguồn lời dạy của Bác - Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống đầy ý nghĩa đối với các thế hệ cán bộ chiến sỹ CAND.

Ý nghĩa đặc biệt ở một công trình lớn

Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND nằm trong thôn chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, bên cạnh ngôi chùa cổ kính chứa đựng đầy dấu ấn lịch sử của lực lượng Công an từ những năm đầu thành lập. Cách đây 70 năm, ngôi chùa Tứ Giáp (còn gọi là chùa Đại Phúc) là nơi đặt trụ sở bí mật của Công an Khu 12 trong chiến tranh. Đây chính là nơi đã tiếp nhận bức thư Bác Hồ gửi thư cho Công an Khu 12 trong đó có Sáu điều dạy CAND về tư cách người Công an cách mệnh.

Lời dạy của Bác sau đó được đăng trên tờ Nội san Rèn luyện của lực lượng Công an. Sáu điều Bác dạy: “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính; Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ; Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành; Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép; Đối với công việc phải tận tụy; Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo” đã trở thành kim chỉ nam cho lực lượng Công an trong suốt thời gian qua, là nội dung căn cốt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.

Năm xưa, Công an Khu 12 hoạt động trong lòng nhân dân, giữa vùng căn cứ cách mạng. Khu vực này chỉ có một ngôi chùa cổ và những ngôi nhà đơn sơ của nhân dân trong vùng. Giờ đây, một khung cảnh đổi mới với con đường lớn dẫn vào khu lưu niệm và ngôi chùa cổ năm nào. Cây gạo xù xì nơi cổng chùa là chứng nhân lịch sử vẫn xanh tốt như xưa. Đứng giữa khu lưu niệm có thể cảm nhận về một không gian thanh bình, khoáng đạt nhưng đầy trang trọng.

Dưới tượng Bác Hồ và bức phù điêu, hình ảnh hoạt động tập thể của CBCS Công an và người dân vui chơi đã trở thành quen thuộc với CBCS quản lý khu di tích và người dân địa phương. Những hàng cây mang ký ức lịch sử đang dần rợp bóng: 79 cây sao đen gắn với 79 mùa xuân của Bác Hồ; 54 cây tùng tháp gắn với 54 dân tộc anh em; rừng cọ, đồi chè, cây đa gợi nhắc về vùng ATK lịch sử; cây phách, cây bách tán, nguyệt quế, hàng xoài và 19 cây dầu gắn bó với đồng bào miền Nam…

Khu lưu niệm khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho Công an khu 12 nêu Sáu điều dạy CAND, ngày 11-3-1948 – 11-3-2018. Từ đó, địa chỉ này đã trở thành một điểm đến của các đơn vị trong lực lượng Công an khắp mọi miền Tổ quốc. Trong khuôn viên Khu lưu niệm, Nhà truyền thống trưng bày hiện vật lịch sử, hình ảnh hoạt động của lực lượng Công an qua các thời kỳ.

Đó là nội san Rèn Luyện đăng thư của Bác Hồ, là bài phát biểu của Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng phát động phong trào “học tập, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Sáu điều dạy của Bác Hồ kính yêu đối với CAND”, là “Đề án CAND Việt Nam” tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 thông qua năm 1950, đặt nền móng quan trọng cho công tác Công an, đặc biệt là công tác xây dựng lực lượng CAND… Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại vị trí trang trọng trong Nhà truyền thống tỏa ngát hương thơm.

Đoàn đại biểu Báo CAND trước tượng đài Bác Hồ tại khu lưu niệm. Ảnh: Thảo Vy.

Trung tá Nguyễn Đức Toàn, Trưởng ban quản lý khu lưu niệm chia sẻ, mục đích khi xây dựng khu lưu niệm của Bộ Công an đã trở thành hiện thực, đây không chỉ là nơi giáo dục truyền thống lịch sử trong lực lượng Công an mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương, từ họp hành đến vui chơi, tổ chức các chương trình liên hoan tuyên truyền về truyền thống cách mạng…

Nghe Trung tá Toàn nói vậy, tôi liên tưởng đến câu chuyện được nghe từ các cụ cao niên của thôn chùa Nguộn khi nhớ về ký ức. Cách đây 70 năm, những cụ già ngày ấy là các cậu bé thiếu niên vẫn chơi đùa với các chú Công an, được các chú Công an dạy hát, dạy múa… Ấn tượng và tình cảm quân dân sâu đậm khiến người dân thôn chùa Nguộn không thể nào quên.

Giờ đây, bà con thôn chùa Nguộn lại tiếp tục được sinh hoạt, vui chơi ngay dưới tượng Bác Hồ, tiếp xúc hàng ngày với các cán bộ chiến sỹ Công an như xưa. Tình nghĩa gắn bó giữa lực lượng Công an và nhân dân vẫn được duy trì, phát triển và tiếp nối cho đến ngày hôm nay. Đó chẳng phải ý nghĩa lớn lao sao!

Trung tá Nguyễn Đức Toàn cho biết, từ khi khánh thành đến nay đã có gần 500 đoàn khách đến tham quan, học tập tại khu lưu niệm, đó là chưa kể đến các đoàn khách không đăng ký, khách cá nhân. Nhiều cán bộ chiến sỹ từ miền Trung, miền Nam cũng tìm về đây. Khu lưu niệm đã trở thành một di tích lịch sử, giáo dục truyền thống đầy ý nghĩa của lực lượng CAND nói riêng và của nhân dân cả nước.

Lòng quyết tâm từ những dòng cảm tưởng

Thăm khu lưu niệm, được nhắc lại lời dạy của Bác Hồ trong không gian gợi nhớ ký ức xưa, nhiều CBCS tự hứa với Bác Hồ sẽ sống và làm việc cho xứng đáng với niềm tin mà Đảng và nhân dân giao cho. Cuốn sổ ghi cảm tưởng của Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy đã viết kín hàng trăm trang. Những dòng chữ thêm một lần khẳng định giá trị lời dạy của Bác, thể hiện tình cảm trân trọng, bày tỏ lòng kính yêu và nguyện làm theo lời Bác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã viết: “…chúc thư của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị. Khu lưu niệm này là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ của lực lượng CAND, để mãi mãi xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân dành cho”. Và đúng như vậy, ở không gian linh thiêng này, mỗi CBCS Công an đều ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trước Đảng, nhân dân và đất nước.

Sức trẻ và quyết tâm của các đoàn viên thanh niên Bộ Công an thể hiện rõ trên từng con chữ: “Tuổi trẻ CAND khắc ghi lời Bác, nguyện đem tâm trí sáng, hoài bão lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nhiều đơn vị đến báo công với Bác về những thành tích của mình và “hứa với Bác sẽ tiếp tục học tập và thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác dạy CAND, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”… Chúng cháu noi gương Bác, học tập và làm theo Bác suốt đời”.

Có trang viết còn bày tỏ sự cảm ơn đối với Bộ Công an, Ban quản lý đã xây dựng, gìn giữ và chăm sóc khu lưu niệm để các CBCS Công an được đến tham quan, tìm hiểu, học tập và tự hào về truyền thống của lực lượng…

Không chỉ riêng lực lượng CAND, khu lưu niệm còn là điểm đến của nhiều người dân từ nhiều vùng miền trên cả nước, có người đã viết những dòng chữ như lời tâm sự trong niềm tôn kính: “Chúng cháu vô cùng vinh dự được đến thăm Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Cháu là con của một anh bộ đội cụ Hồ từ thời chống Pháp, chống Mỹ. Cháu tự hào với truyền thống của cha ông đi trước và nguyện phấn đấu hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước…”. Có đoàn giáo viên cùng học trò đến thăm khu lưu niệm đã hứa sẽ dạy tốt, học tốt và nguyện học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ…

Vì mới khánh thành nên cơ sở vật chất phục vụ cho CBCS Ban quản lý khu lưu niệm (các CBCS của Công an tỉnh Bắc Giang) còn thiếu thốn. Nhưng, khắc phục khó khăn, các CBCS vẫn tận tâm, trách nhiệm với công việc được giao, tiếp đón, phục vụ chu đáo hàng chục ngàn lượt CBCS và nhân dân tới thăm. Để mỗi chuyến hành hương về nguồn của các đoàn khách là một hành trình khó quên, đầy ý nghĩa.

Tìm về Nhã Nam trong dịp lực lượng CAND đang hướng tới kỷ niệm ngày thành lập lực lượng (19-8-1945 – 19-8-2018), tôi đã gặp những cán bộ chiến sỹ ở một đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đứng rất lâu dưới chân tượng Bác. Tôi bắt gặp các nam thanh nữ tú của huyện Tân Yên đi học ở xa, về quê vào thăm khu lưu niệm. Tôi cũng vui lây với những em bé tung tăng vui đùa ở quảng trường rộng lớn.

Những đoàn khách cứ tiếp nối nhau tìm về nơi khởi nguồn lời dạy của Bác. 70 năm qua, có thể đâu đó vẫn có những hạt sạn, những cá nhân làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Công an cách mệnh, nhưng trên hết, toàn lực lượng vẫn nỗ lực làm việc và học tập theo lời Bác dạy, xứng đáng là chiến sỹ Công an của nhân dân.

Việt Hà
.
.
.