Bảo vệ cổ vật giữa biển khơi
- CSGT phát hiện ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ cổ vật qúy
- Phòng, chống mất cắp cổ vật: Cuộc chiến chưa có hồi kết
Nhiều tàu ở các tỉnh khác với máy móc, trang bị lặn chuyên dụng đã kéo đến vùng biển này khai thác cổ vật, tranh giành lãnh địa, có nguy cơ xung đột với nhau.
Đại tá Trương Quang Vinh, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, thời điểm đó là Trưởng phòng Bảo vệ An ninh Văn hóa - Tư tưởng, Công an tỉnh Quảng Nam. Chuyện về những lần “xuất kích” ngăn chặn, truy đuổi tàu khai thác cổ vật trái phép tại vùng biển Cù Lao Chàm là những kỷ niệm khó quên đối với anh cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an tỉnh Quảng Nam ngày ấy.
Ít ai biết ngôi nhà của Đại tá Trương Quang Vinh trên đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng, từng là nơi “ém quân” trước nhiều cuộc truy bắt tàu khai thác cổ vật trái phép. Ngày ấy, trước nhà anh là bãi biển Thanh Bình, một phần của vịnh Đà Nẵng, vốn êm ả, yên bình như chính tên gọi của nó.
Đó chính là nơi chiếc tàu đánh cá của một lão ngư Hội An nhiều đêm tiến vào mép nước để đón tổ công tác Công an ra Cù Lao Chàm làm nhiệm vụ. Cùng địa điểm này, lực lượng Công an cũng thường xuyên “nghi binh”, thay đổi điểm xuất phát ở bến Cửa Đại, hoặc tận biển Núi Thành để đảm bảo bí mật cho từng chuyến đi.
Đại tá Trương Quang Vinh kể chuyện truy bắt tàu khai thác cổ vật trái phép với phóng viên. |
Thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định, Phòng Bảo vệ An ninh Văn hóa - Tư tưởng cử trinh sát đi nắm thông tin và xác định đồ cổ do người dân vớt được trong xác tàu chìm tại vùng biển Cù Lao Chàm, hầu hết là đồ gốm sứ Chu Đậu.
Ngay sau khi việc ngư dân Duy Vinh vớt được nhiều cổ vật được lan truyền, rất nhiều tàu cá đã bỏ hoạt động đánh bắt, tập trung tại vùng biển này để rà tìm cổ vật. Tuy nhiên, tàu của ngư dân Quảng Nam và Đà Nẵng thì chỉ thả lưới quét để tìm, còn tàu từ Lý Sơn, Quảng Ngãi, với những thợ lặn cừ khôi đã lặn xuống độ sâu hơn 70 sải tay (khoảng 100-120m) để tiếp cận chiếc tàu chở cổ vật bị đắm.
Theo tin báo từ ngư dân, đã có thợ lặn bị đột quỵ do lặn xuống sâu và ở quá lâu dưới nước. Đồng thời trong quá trình khai thác, giữa một số tàu đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, có khả năng dẫn đến ẩu đả. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo lập kế hoạch ngăn chặn các tàu khai thác cổ vật trái phép để bảo vệ tài sản quốc gia, ngăn ngừa tình huống phức tạp về ANTT trên biển.
Lực lượng chủ chốt để thực hiện nhiệm vụ này là Phòng Bảo vệ An ninh Văn hóa - Tư tưởng và lực lượng Cảnh sát bảo vệ. “Lúc đó Công an tỉnh không có tàu lớn để ra biển nên phải nhờ tàu gỗ của một ngư dân ở Hội An. Chúng tôi cũng nhờ lực lượng Kiểm ngư phối hợp, hỗ trợ phương tiện”, Đại tá Trương Quang Vinh kể.
Không chỉ cho mượn tàu, lão ngư ở Hội An còn cho con trai trực tiếp lái tàu, dẫn đường để lực lượng Công an ra đúng địa điểm nhiều tàu thuyền đang tập trung rà quét, tìm kiếm cổ vật. Nhờ vậy, dù tàu không trang bị máy xác định vị trí, tọa độ, nhưng hành trình đến hiện trường được thực hiện nhanh chóng và chính xác.
Lần đầu tiên, lực lượng Công an bí mật xuất phát tại bến Cửa Đại lúc 2h khuya để rạng sáng là tới điểm cần đến. Đây là một khu vực biển chừng 3km2, cách đảo Cù Lao Chàm khoảng 30 hải lý và ngay sát phao số 0. Lúc này, có 5 chiếc tàu lớn nhỏ đang khai thác cổ vật. Khi đến gần, có thể nhìn thấy rõ những ống dây dẫn oxy từ các bình hơi trên tàu xuống đáy biển để cung cấp cho thợ lặn.
Phát hiện lực lượng chức năng, người trên tàu nhanh tay thả những bao chứa cổ vật trên boong tàu xuống biển và báo hiệu cho thợ lặn trồi lên khỏi mặt nước. Một số tàu khác thì tăng tốc bỏ chạy. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ thu được một số ít chén dĩa còn sót lại. Và hầu như chủ tàu nào cũng chối bỏ việc khai thác cổ vật trái phép và cho rằng, họ chỉ vô tình nhặt được khi đang lặn biển để bắt hải sản. Sau lần ấy, những đầu nậu khai thác và mua bán đồ cổ đã nhờ người “trông chừng” động tĩnh của lực lượng chức năng để tìm cách đối phó.
Gần 1 tháng sau, khi nghe tin báo từ ngư dân về việc nhiều tàu tìm đến tọa độ cũ để tìm cổ vật, lực lượng Công an tiếp tục “xuất kích”. Lần này, mặc dù biển động, anh em cán bộ, chiến sĩ say sóng vật vã nhưng kết quả lực lượng chức năng bắt giữ 1 tàu cuốc lớn được đưa từ Vũng Tàu ra để tìm kiếm trục vớt đồ cổ, thu giữ một số cổ vật, đẩy đuổi nhiều tàu khi thác cổ vật trái phép khỏi khu vực này.
Đầu năm 2003, Phòng Bảo vệ An ninh Văn hóa - Tư tưởng, Công an Quảng Nam được người dân điện báo, cung cấp thông tin có một đầu nậu đang thuê một con tàu nhỏ, chuẩn bị từ đất liền trên đường ra vùng biển giáp ranh Đà Nẵng và Quảng Nam để mua cổ vật từ một con tàu trục vớt trái phép. Ngay trong đêm, lực lượng Công an với sự hỗ trợ của tàu Kiểm ngư từ Kỳ Hà, Núi Thành, lập tức lên đường.
Rạng sáng hôm sau, tàu của lực lượng chức năng tiếp cận chiếc tàu khai thác cổ vật thì trên tàu chỉ có ít chén dĩa sứt mẻ. Qua xác minh, lực lượng chức năng biết được con tàu được đầu nậu buôn bán cổ vật thuê sau khi tiếp xúc với tàu khai thác cổ vật đã chạy về theo hướng Đà Nẵng. Tàu Kiểm ngư chở lực lượng Công an tăng tốc đuổi theo.
Khi ra đến khu vực Hòn Nghê thuộc biển Sơn Trà, lực lượng chức năng phát hiện chiếc tàu nghi vấn đang thong thả lướt sóng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu hàng chục cổ vật là gốm sứ trong tình trạng hoàn hảo và tiến hành lai dắt tàu vào bờ để xử lý... Sau đó, Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án về buôn bán cổ vật trái phép theo quy định pháp luật thời điểm đó...
Từ năm 2002 đến 2003, Phòng Bảo vệ An ninh Văn hóa - Tư tưởng, Công an Quảng Nam đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát bảo vệ thực hiện 7 chuyến tuần tra, truy bắt các tàu khai thác, buôn bán trái phép cổ vật trên vùng biển Cù Lao Chàm. Qua đó, đã khởi tố một số vụ án hình sự, thu giữ hàng trăm cổ vật và nhiều trang thiết bị chuyên dùng để lặn biển trục vớt cổ vật, buộc nhiều chủ tàu cam kết không tái phạm...
Cuối năm 2003, khi nhà nước cho phép Công ty Đoàn Ánh Dương tiến hành khai thác cổ vật từ con tàu đắm dưới lòng biển Cù Lao Chàm, các đơn vị khác thuộc Công an Quảng Nam đã tiếp tục nhiệm vụ, ngăn chặn, truy đuổi nhiều tàu khai thác cổ vật trái phép, bảo đảm cho việc tổ chức khai thác cổ vật được diễn ra an toàn, hiệu quả. Sau hơn 4 năm tiến hành trục vớt, Công ty Đoàn Ánh Dương đã tìm được 15.934 hiện vật, hầu hết gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương), có niên đại khoảng thế kỷ 15 – 16.
Đến năm 2013, số cổ vật này đã được phân chia theo thống nhất giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Trong số này, có nhiều cổ vật độc bản được quy định là tài sản của nhà nước, không đấu giá hay chia cho doanh nghiệp, một số hiện được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, từng xuất hiện tại các cuộc triển lãm quốc tế và được giới khảo cổ học đánh giá cao. Trên thị trường đồ cổ, lượng cổ vật này có giá lên tới nhiều triệu đô la. Nhưng lớn hơn tất cả, những cổ vật độc đáo đó mang trên mình những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt...