Quảng Nam:

Tái định cư thủy điện - còn nhiều nỗi lo

Thứ Sáu, 04/01/2019, 11:06
Nhường đất cho các dự án thủy điện, người dân ở miền núi tỉnh Quảng Nam di dời nhà cửa vào các khu tái định cư (TĐC) sinh sống, bắt đầu cuộc tái thiết làng mới. Đến nơi ở mới, ai nấy đều mong mỏi có cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, đã bao năm qua, cái nghèo, cái khó cứ mãi đeo bám...


Nơi ở mới chưa bằng nơi ở cũ

Bao thế hệ đồng bào người Ca Dong, Mơ Nông… ở huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) đã sinh sống bên dòng sông Tranh. Từ ngày có dự án thủy điện chặn dòng sông này, 834 hộ dân tại đây phải dời nhà vào khu TĐC mới, nhường đất cho dự án. Chỉ riêng tại xã Trà Bui, có hơn 467 hộ dân chấp nhận nhường toàn bộ đất ở, đất sản xuất cho dự án thủy điện sông Tranh 2.

Trong đó 323 hộ, 1.944 nhân khẩu của 6 thôn di dời TĐC tập trung của xã. Nhưng thực tế, dù chủ đầu tư dự án thủy điện bố trí cho cả đất ở và đất vườn, xây dựng nhà ở, bố trí đất nương rẫy cho các hộ dân, kiên cố hóa cơ sở hạ tầng, song chưa đến 10 năm thì những công trình này hầu hết đã xuống cấp, việc phát triển kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn…

Cuối năm, tiết trời mưa lạnh, chặng đường hơn 30km đầy ổ voi, ổ gà nối từ trung tâm huyện Bắc Trà My vào những ngôi làng TĐC thủy điện sông Tranh 2 tại xã Trà Bui nhầy nhụa bùn đất. Khi chúng tôi dò dẫm đến làng TĐC, hiện ra trước mắt là những ngôi nhà xây, tường hoen ố, loang lổ rêu xanh. Nhiều ngôi nhà bỏ hoang, đóng kín cửa, hoặc trở thành nơi ở... của bò. 

Nhiều hộ dân còn phải làm “nhà đôi” ngay sát bên nhà xây TĐC để sinh sống. Nói về hiện trạng này của những ngôi làng TĐC, ông Nguyễn Dương Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui xót xa cho biết, người dân trong xã khi nhường đất cho dự án thủy điện sông Tranh 2, mỗi hộ dân TĐC được giao 1.000m2 đất nhà ở và đất vườn. Điện, đường, trường, trạm được kiên cố hóa, cứ ngỡ cuộc sống người dân được ổn định hơn.

Một ngôi làng TĐC thủy điện tại xã Trà Bui, nhà ở xuống cấp nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đến nay một số nhà TĐC và các công trình khác như trường học, trạm y tế đã xuống cấp. Hầu hết những ngôi nhà này đều bị thấm nước vào mùa mưa gây tróc sơn tường. Đã có ít nhất 11 hộ dân bỏ hoang nhà TĐC gần 10 năm nay và tự di chuyển làm nhà ở vị trí khác.

“Thực tế cho thấy, các hộ dân từ khi được bàn giao nhà ở đã bảo quản và sử dụng đúng yêu cầu nhưng vẫn bị hư hỏng. Nguyên nhân phần lớn do chất lượng xây dựng nhà ở không đảm bảo, tôn lợp mái nhà TĐC mỏng, không đủ độ dày như thiết kế, la phông của một số căn nhà đã hỏng, chất lượng cát xây dựng không đảm bảo, cửa gỗ bị cong vẹo, mục nát...

Các công trình phụ như nhà vệ sinh, nhà tắm đặt vị trí không phù hợp với nhà ở, nhà bếp cũng không có. Hệ thống nước sinh hoạt của khu TĐC gồm 8 đập và 77 bể chứa nước thì có hơn 55 bể không có nước, 5 công trình không hoạt động.

Không chỉ gặp khó khi sống trong những căn nhà xuống cấp, một số hộ dân còn thấp thỏm âu lo vì bố trí TĐC trên vùng sạt lở. Như điểm TĐC 1B - xã Trà Bui có 8 hộ đối mặt với nguy cơ sạt lở. Đã nhiều lần UBND xã Trà Bui kiến nghị với chủ đầu tư thủy điện sông Tranh 2 có phương án di dời nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện”, ông Thi thở dài nói.

Thực trạng trên không chỉ xảy ra ở những ngôi làng TĐC thủy điện xã Trà Bui, mà tại các làng TĐC ở xã Trà Giác, Trà Đốc (huyện Bắc Trà My), xã Phước Hòa, Phước Xuân (huyện Phước Sơn) cũng gặp phải tình trạng tương tự. Tại các khu TĐC ở Phước Sơn, khi nhường đất cho dự án thủy điện Đắk Mi 4, đã có 74 hộ dân, với 352 nhân khẩu người đồng bào dân tộc Giẻ Triêng cũng đã về đây bắt đầu cuộc sống mới.

Thế nhưng, một số công trình ở khu TĐC qua thời gian đưa vào sử dụng bị hư hỏng, xuống cấp, diện tích nhà ở chật hẹp, chưa đảm bảo cho nhu cầu ăn ở và sinh hoạt của người dân. Nhiều hạng mục đường ống dẫn nước sạch đưa về khu TĐC âm dưới lòng đất hư hỏng, không được duy tu, bảo dưỡng.

Công trình nước sạch đã hư hỏng.

Theo lãnh đạo chính quyền xã Phước Hòa, dù địa phương và người dân được chủ đầu tư bàn giao các hạng mục công trình dân sinh, nhưng đến bây giờ họ vẫn chưa được cho biết vị trí đặt đường ống dẫn nước sạch âm dưới lòng đất nên khi xảy ra sự cố không sửa chữa được; khâu quản lý, vận hành, sử dụng sau đầu tư chưa hiệu quả.

Vất vả mưu sinh

Cũng theo ông Nguyễn Dương Thi, cơ sở vật chất chỉ là cái hiện hữu, nỗi lo lớn nhất, khó khăn nhất hiện nay của người dân tại các khu TĐC thủy điện trên địa bàn là vấn đề sinh kế. Trà Bui có hơn 90% hộ dân sinh sống nhờ vào làm nông nghiệp, đặc biệt là làm lúa nước và lúa rẫy.

Từ khi di dời khỏi nơi ở cũ, người dân bàn giao lại đất sản xuất cho dự án, đến nơi ở mới họ không có đất sản xuất, trong khi đó Ban quản lí dự án không thực hiện đầy đủ các chương trình, chính sách hỗ trợ nhằm ổn định đời sống cho họ.

Đời sống của người dân khu TĐC thủy điện còn nhiều khó khăn.

“Khi thực hiện dự án, chủ đầu tư dự án thủy điện sông Tranh 2 đã không thực hiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có giá trị; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề... theo Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18-11-2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù di dân, TĐC các dự án thủy lợi, thủy điện; các chương trình chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... khiến cho việc giải quyết việc làm cho người dân ở khu TĐC gặp khó khăn. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Trà Bui còn rất cao, chiếm đến 76,31%.

Ngoài ra, khi di dời đến khu TĐC, một số hộ dân cũng đã không được giao đủ diện tích do một số khu vực đất vườn là đồi núi, hoặc hố sâu không thể sử dụng được, hoặc khoảng cách giữa các nhà TĐC quá gần khiến cho người dân thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Không có việc làm ổn định, thu nhập chính từ nguồn trợ cấp của nhà nước và khai thác các sản phẩm từ rừng để trang trải cuộc sống nên gặp nhiều khó khăn. Bà Đinh Thị Nhanh (70 tuổi, thôn 6, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) cho hay, trước đây gia đình bà ở khu vực lòng hồ sông Tranh, có đất sản xuất và không thiếu ăn. Sau khi nhường đất cho thủy điện sông Tranh 2, bà được đền bù đất đai, nhà cửa và chuyển về nơi ở mới.

Tuy nhiên, nơi ở mới, gia đình bà và một số hộ dân thiếu đất sản xuất và không đủ ăn. Vì thế, ở địa phương hiện nay lao động trẻ chủ yếu làm nghề khai thác gỗ keo, một số tận dụng những thửa đất còn lại để sản xuất lúa rẫy theo phương thức truyền thống của người đồng bào. Một số nơi do thiếu đất sản xuất, người dân bỏ đi nơi khác.

Còn tại huyện Phước Sơn, chủ đầu tư dự án thủy điện bố trí đất sản xuất ít, đã vậy nơi sản xuất không thuận lợi đi lại, chất lượng đất xấu, giao đất thiếu so với diện tích đất thu hồi, không có quy hoạch quỹ đất dự phòng cho các trường hợp tách hộ, tăng dân số, giãn dân. Như tại xã Phước Xuân, dự án thủy điện Đắc Mi 4C thu hồi của dân 105ha đất sản xuất, đến nay chỉ cấp lại chưa được 25ha.

Đã vậy, chủ đầu tư dự án thủy điện lại thiếu quan tâm xây dựng phương án sản xuất, tính toán quy hoạch quỹ đất canh tác dự trữ; nhiều nơi, chuyện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho người dân tại các khu TĐC làm theo kiểu hình thức, đào tạo nghề tràn lan nhưng không tính nhu cầu thực tế để giải quyết công ăn việc làm…

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho hay, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án di dân TĐC, các dự án thực hiện chỉ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa dân đến nơi ở mới, mà chưa quan tâm nhiều đến xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sản xuất, hỗ trợ sản xuất cho người dân nên việc thực hiện chính sách phát triển sản xuất hạn chế, hiệu quả thấp.

Điều kiện sản xuất của các hộ dân tại các khu TĐC còn khó khăn, phải mất một thời gian mới khôi phục lại được. UBND huyện đã báo cáo lên cấp trên đề nghị bố trí kinh phí để thực hiện dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau TĐC thủy điện Đăk Mi 4, hiện đã được tỉnh Quảng Nam phê duyệt...

Hà Vy
.
.
.