Ngày mới ở "ốc đảo" Cu Pua

Thứ Tư, 03/02/2016, 10:56
Bản Cu Pua (xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị) như một ốc đảo cách biệt với bên ngoài bởi địa hình hiểm trở. Hàng chục năm qua, người dân Cu Pua sinh sống, phát triển nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền các cấp; sự giúp đỡ, nghĩa tình của những người cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đakrông. Ông Hồ Ê Nót, Trưởng bản Cu Pua phấn khởi: Tết năm nay bà con rất vui vì lần đầu tiên có điện sáng. Đấy là một trong rất nhiều niềm vui lớn những năm vừa qua…


Ngôi làng từng hứng chịu hàng chục tấn bom đạn mỗi ngày Cu Pua từng là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ và bộ binh quân đội Sài Gòn trong chiến tranh. Bởi cả bản hồi đó chừng 30 hộ dân đều đi theo cách mạng, núi rừng Cu Pua là nơi hiểm trở nhất trên địa bàn Đakrông, lại nằm sát con đường số 9 cách chỉ một con sông, nên trở thành nơi hoạt động, chiến đấu lý tưởng nhất của bộ đội khi ngược lên mạn Khe Sanh, Làng Vây hay xuôi về Cam Lộ, Đông Hà... 

Nhắc lại sự khốc liệt của chiến tranh, già làng Hồ Đính bản Cu Pua bảo với tôi cây Trẩu đầu làng là một trong những "chứng nhân" còn sống. Rồi ông dẫn tôi tới chỗ cây Trẩu. Theo ông cây đã chừng hơn trăm năm tuổi. Thuở mới lớn lên, đám trẻ hay bám quanh cây chơi trò đuổi bắt, ông thấy nó đã cao quá nóc nhà sàn. Rồi chiến tranh ập đến, ông và thanh niên của bản đều vào rừng tìm bộ đội đi theo kháng chiến...

Ông bảo, đời người có nhiều kỷ niệm vui buồn, với ông kỷ niệm không thể nào quên là ngày trở về làng im tiếng súng. Lúc đó, mọi người đang nhảy múa, reo hò mừng gọi hòa bình, ôm nhau khóc hạnh phúc. Riêng ông chết lặng vì người thân đều đã không còn. Chiến tranh như con dao sắc lẹm cứa sâu vào lòng ông. Ông lẩn thẩn đi ra chỗ cây Trẩu, vô hồn đếm những vết thẹo trên cây. 1002 vết! Vậy là đã có 1002 mảnh bom, viên đạn bắn vào cây. Nhưng cây Trẩu này thế mà không chết, nó băng qua năm tháng chiến tranh vẫn sống xanh tươi, cao lớn sừng sững cho đến ngày nay. Sau này, ông Đính lấy vợ đã chọn chỗ đất gần cây Trẩu để dựng nên một nếp nhà…

Người dân Cu Pua quây quần chuyện trò ngày Tết.

Năm nay, ông Đính đã ngoài 80 tuổi song vẫn còn rất hoạt bát. Ông được bà con dân bản tin yêu, tính nhiệm bầu làm già làng từ cách đây 20 năm. Sống gần hết cuộc đời, thuở trai trẻ ông cùng với bộ đội xông pha đánh giặc, bảo vệ quê hương; hòa bình lại trở về quẩn quanh với bản làng và trên nương rẫy với một niềm tin son sắt không bao giờ thay đổi: con người là trung tâm của mọi đời sống, trái tim kiên trung, nhân hậu là trung tâm của con người; hạnh phúc có được là từ trái tim ấy! 

Vậy mới biết không ít lần Cu Pua đã được các cấp chính quyền hỗ trợ tái định cư do địa hình nơi ở cũ hiểm trở, khó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng ông và bà con dân bản vẫn nhất quyết ở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình, khắc phục vượt qua mọi khó khăn, vươn lên để chứng minh một điều con người là trung tâm của mọi đời sống!

Nghĩa tình người lính công an với dân bản

Ngay sau tách huyện năm 1997 (Đakrông tách ra từ huyện Hướng Hóa), và Công an huyện Đakrông được thành lập, bản Cu Pua là nơi được thường xuyên hướng đến, quan tâm sâu sắc nhất trong các hoạt động từ thiện xã hội, giúp dân của lực lượng Công an huyện này. Vào năm 2000, Cu Pua là một trong 5 bản đầu tiên trên địa bàn Đakrông trở thành bản kết nghĩa với Công an huyện Đakrông. 

Vào mùa mưa lũ hàng năm, mặc cho dòng Đakrông cuồn cuộn nước, các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện này vẫn chèo thuyền vượt dòng nước dữ, vận chuyển nước uống, dầu hỏa, lương thực, thuốc men giúp đỡ bà con dân bản Cu Pua chống chọi với thiên tai. Rồi cứ sau mỗi trận lụt lội, họ lại lên đường vào bản dựng lại nhà cửa, sửa sang lại trường học cho các em học sinh và giáo viên.

Chị Hồ Thị Pớ tạm nghỉ tay làm rẫy khi khách hỏi đường đến nhà già Cang, một trong nhiều người được biết đến bởi tấm lòng nhân hậu ở bản Cu Pua, cũng là một trong nhiều người gắn bó sâu sắc với lực lượng Công an huyện này. "Già Cang chưa về đâu, lúc sáng sớm mình thấy già đi với mấy chú Công an huyện vào tít trong rừng". Đoạn chị nói thêm: "Chắc là họ đi gỡ bẫy thú rừng, đẩy đuổi bọn săn bắt thú rừng đó". 

Hỏi thêm về già Cang, chị Pớ bảo, ở đây ai cũng tốt bụng như già, nhưng cái bụng sáng để làm ăn kinh tế thì ít người có được. Cũng nhờ kinh tế khá giá nên bao con người từ neo đơn, bệnh tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa đều nhờ cả vào già và một số người khác trong bản nuôi nấng, chăm sóc".

Chạng vạng tối già Cang mới trở về đến nhà. Tôi chỉ gặp được ông. Các cán bộ, chiến sĩ Công an theo ông cho biết họ đã chia tay ông ở cửa rừng, bởi vì sáng sớm hôm sau còn phải nhận nhiệm vụ mới. Già Cang đặt chiếc bao tải gai xuống đất, lôi từ bên trong ra một đống dây thép mà các đối tượng săn bắn dùng để bẫy thú rừng, chùng giọng cho biết: "Hôm nay bố và 4 chú Công an huyện tìm tháo gỡ được 13 cái bẫy thú. Do tháng vừa qua mưa suốt không vào rừng được nên bọn săn bắn lợi dụng đó đặt rất nhiều bẫy". 

Theo già Cang, các đối tượng săn bắn không chỉ bắn, bẫy thú rừng, chúng còn đốn hạ một số cây rừng to, lợi dụng lúc thuận lợi vận chuyển về xuôi. Ngoài ra, chúng còn giẫm đạp, phá phách nhiều cây lương thực, hoa màu của bà con. Những năm qua, lực lượng Công an huyện bên cạnh việc giúp đỡ bà con những lúc thiên tai, hoạn nạn, còn giúp đỡ tuần tra, kiểm soát rừng, góp phần vào việc ngăn chặn, đẩy đuổi nạn săn bắt thú rừng, khai khác lâm sản trái phép trên địa bàn.

Mùa xuân đầu tiên có điện sáng

Áp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, sau hơn 6 tháng tích cực thi công, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã tổ chức lễ mừng điện về 15 thôn, bản trên địa bàn huyện Đakrông (trong đó có bản Cu Pua, xã Đakrông; công trình thuộc Tiểu Dự án Nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn. Phần mở rộng tỉnh Quảng Trị được đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á; công trình có tổng mức đầu tư trên 49 tỉ đồng, được Tổng công ty Điện lực miền Trung giao Ban quản lý Điện nông thôn miền Trung quản lý điều hành). Vậy là sau nhiều năm người dân Cu Pua đã có điện sáng, lần đầu tiên ăn Tết dưới ánh điện sáng mùa xuân. 

Đưa điện lưới về tận từng nhà cho người dân Cu Pua.

Bà Hồ Thị Dỏ, một người dân bản Cu Pua nhớ lại giây phút đầu tiên nguồn điện sáng về tới bản làng. Đến Cu Pua những ngày này, lòng tôi tràn đầy niềm vui năm mới, niềm vui của bà con lần đầu tiên đón Tết có điện sáng. Nhà nào mâm cỗ ngày Tết cũng đủ đầy những thức ăn ngon, nào là gà bản, lợn bản, thịt dê bản, chuối bản, rồi bánh chưng bánh tét gói theo kiểu của người đồng bằng. Có một điều rất lạ, người Cu Pua chỉ dùng rượu bia để cúng tổ tiên ông bà, mà tuyệt đối không dùng chúng vào bất kỳ bữa ăn uống nào. 

Theo già làng Hồ Đính, trước đây người Cu Pua cũng có uống rượu bia, thậm chí không ít người bị nghiện nặng. Nhưng rồi bà con thấy được tác hại của bia rượu nên đã quyết tâm từ bỏ được gần 15 năm nay. Điểm đặc biệt nữa, những nếp nhà sàn nơi đây cửa vẫn luôn mở, bếp vẫn luôn hồng lửa. Người dân bản từ già tới trẻ đều cởi mở tấm lòng, trò chuyện chân tình với khách chuyện ngày xưa, ngày nay; chuyện làm ăn tấn tới cho con cái được học hành cái chữ đàng hoàng…

Ông Hồ Ê Nót, Trưởng bản Cu Pua cho biết, toàn bản hiện nay có 67 hộ dân với 200 nhân khẩu, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất lâm-nông nghiệp và chăn nuôi. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, với 12 triệu đồng/người/năm, cao hơn 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2014. "Có điện rồi mọi việc sẽ trở nên rất thuận tiện; bà con sẽ sử dụng nguồn điện này vào việc phát triển sản xuất một cách hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mình", ông Nót phấn khởi, nhận định.

Tôi rời bản Cu Pua lúc ánh bình minh vừa ló rạng, nghe trong gió âm thanh của những tiếng lá rừng khẽ va vào nhau ngân vang như một bản nhạc. Trải qua bao đời, người Cu Pua đã biết cách giữ gìn nguồn tài nguyên vô giá của mình, đó là những cánh rừng xanh thẳm, những con suối trong xanh không bao giờ vơi cạn. Tôi chợt nhớ câu nói đầy triết lý của già làng Hồ Đính, rằng con người là trung tâm của mọi đời sống; buồn, vui, sướng, khổ, được, mất đều từ chính con người mà ra, mà nên! Vậy nên mới biết, hạnh phúc không phải lúc nào cũng cần thiết kiếm tìm ở chốn phồn hoa đô hội; ngay tại "ốc đảo" này hạnh phúc vẫn luôn ắp đầy trong tâm hồn của mỗi người dân hàng ngày...

Người dân Cu Pua quây quần chuyện trò ngày Tết.

Đưa điện lưới về tận từng nhà cho người dân Cu Pua.

Phan Thanh Bình
.
.
.