Xông đất các bản làng dưới chân dãy Trường Sơn

Thứ Tư, 25/02/2015, 09:20
Mồng 6 Tết, men theo đường Hồ Chí Minh như dải lụa dọc dãy Trường Sơn, chúng tôi đến Quảng Bình thăm bà con người dân tộc Mày, Khùa, Ma Liềng, về Làng Ho thăm bản làng mang họ Bác Hồ, qua vùng đất Nghệ chứng kiến cuộc sống đổi thay của người Ơ Đu, người Chứt, người Thái. Cùng với sự đổi thay của đất nước, bà con các bản làng đã được đón một cái Tết sung túc, đủ đầy.

Trong những năm chiến tranh, Làng Ho, Lệ Thủy, Quảng Bình đã trở thành huyền thoại bởi "làng che bộ đội, làng vây quân thù". Làng Ho là điểm dừng chân, điểm tập kết vũ khí, quân lương của Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn để chi viện cho chiến dịch Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào và chiến trường Trị Thiên khói lửa. Bên chén rượu đầu xuân, chuyện xưa, chuyện nay ở Làng Ho vẫn thu hút người nghe một cách lạ kỳ.

Cách đây hơn 40 năm, khi nghe tin Bác Hồ mất, cả Làng Ho đã khóc suốt đêm tưởng niệm Người, ngày hôm sau cả dân tộc Vân Kiều đã đổi họ mình thành họ Bác. Chuyện cảm động về những chiến sĩ Công an, Biên phòng thức thâu đêm để dựng nhà cho dân bản. Chuyện về người lính Biên phòng cõng dân bản qua 3 quả đồi, hai dốc núi để vượt cạn an lành…

Trẻ em người Rục, người Mày, Khùa đi chơi Tết.

Từ đó cái tình, cái nghĩa giữa những chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng và bà con dân bản lại thêm gắn chặt. Giữa đại ngàn Trường Sơn xa xôi và cách trở, đời sống của đồng bào Vân Kiều đang gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, mỗi ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa và công trình dân sinh của Đảng và Nhà nước đưa về đây càng tiếp thêm niềm vui đối với bà con dân bản. Cũng từ đây, đồng bào các dân tộc ít người dưới dãy Trường Sơn vững tin và nỗ lực hơn trên hành trình xóa đói nghèo.

Rời Làng Ho, chúng tôi về Thanh Hóa và Lâm Hóa của huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mã Liềng. Trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, huyện Tuyên Hóa hỗ trợ cho 663 khẩu đồng bào dân tộc Mã Liềng nơi đây 2kg gạo nếp và 0,95kg thịt lợn, mỗi suất trị giá 100 ngàn đồng. Tổng trị giá của đợt hỗ trợ lần này trên 66 triệu đồng.

Ngoài ra, huyện Tuyên Hóa đã huy động các nhà hảo tâm hỗ trợ 15 chăn ấm cho 15 hộ đồng bào dân tộc Mã Liềng khó khăn, neo đơn và 15 triệu đồng hỗ trợ thêm gạo, thịt cho bà con Mã Liềng ăn Tết. Chính sự quan tâm kịp thời chính quyền địa phương đã giúp người Mã Liềng đón Tết, vui xuân đầm ấm hơn. Nhấp ly rượu đầu xuân tạm biệt bà còn Mã Liềng chúng tôi về Trọng Hóa, Dân Hóa, huyện Minh Hóa xông đất bà con người Rục, Mày, Khùa…

Tết năm nay, bà con dân bản treo nhiều bánh chưng, bánh tét; nhiều gia đình có thịt đầy niêu, cá đầy nồi. Từ những tộc người có nguy cơ biến mất, giờ đây người Rục, người Khùa, Mày đang vươn lên xóa đói, giảm nghèo, cho con đến trường học chữ. Bản Ra Mai ở xã Trọng Hóa, nơi người Khùa sinh sống đang thay đổi như thị tứ, thị trấn giữa đại ngàn Trường Sơn.

Rời Quảng Bình trong bảng lảng sương xuân, chúng tôi về đất Nghệ với bà con dân tộc Ơ Đu ở Tương Dương, Nghệ An. Những điệu múa hát lăm, tiếng cồng chiêng, những trò chơi như đẩy gậy, thổi kèn, ném còn, đánh khăng, đánh đáo còn được bà con dân bản tổ chức nhiều nơi trên những cung đường của thôn bản. Tết vừa qua, người Ơ Đu ăn Tết lớn khi được Chính phủ và địa phương hỗ trợ 620 tấn gạo, 1,5 tỷ đồng; ngoài ra huyện Tương Dương còn hỗ trợ gần 1.000 suất quà cho bà con đón Tết, vui xuân.

Cùng với người Ơ Đu, người Thái, người Mông ở Nghệ An, bà con dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ, chăm lo cho một cái Tết đủ đầy. Chính vì vậy đi khắp nhiều bản làng dọc dãy Trường Sơn, chúng tôi đều cảm nhận được sự vui mừng, háo hức mùa xuân của mỗi người dân.

Mồng 6 Tết, nhiều bà con dân bản đã lên nương chuẩn bị cho vụ mới. Nhiều trẻ em đã trở lại trường học chữ. Chính quyền các địa phương đang chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng ở các bản làng, phường, xã. Mỗi người vào việc của ngày đầu năm mới trong rạo rực của khí tiết trời xuân.

Dương Sông Lam
.
.
.