Kinh tế Triều – Hàn: 65 năm hậu chiến

Thứ Sáu, 18/05/2018, 13:16
Trải qua 65 năm chia cắt kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc có những bước đi rất khác nhau cả về kinh tế và xã hội. Từ điển Investopedia đã tóm tắt lại sự khác biệt này.


CHDCND Triều Tiên

CHDCND Triều Tiên thường được dán nhãn là một nền kinh tế tập trung quá mức. Quốc gia này bị chỉ trích đã đặt tham vọng hạt nhân cao hơn sự phát triển kinh tế, và đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu. 

Bù lại, trước đây nước này nhận được nhiều viện trợ và trợ cấp ưu đãi từ các cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc và một số nước, đặc biệt là Trung Quốc. Nền kinh tế Triều Tiên phụ thuộc sâu sắc vào Trung Quốc.

Sự tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ khởi sắc một giai đoạn ngắn vào những năm 1960. Những năm 1990, Triều Tiên phải đối mặt với cơn ác mộng tồi tệ nhất khi ảnh hưởng bởi một loạt thảm họa thiên nhiên làm tăng trưởng kinh tế của đất nước âm suốt một thập kỷ. 

Dần dần, khi liên minh kinh tế Trung - Triều tăng cường, quốc gia này mới bắt đầu phát triển các khu kinh tế đặc biệt (SEZ) để thúc đẩy đầu tư trong khu vực.

Tuy nhiên, Triều Tiên có nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khám phá, ước tính trị giá hàng nghìn tỷ đô la (6-9 nghìn tỷ đô la). Đây là một trong những lý do tại sao các nước như Trung Quốc và Nga nhiệt tình đầu tư vàonước này.

Hàn Quốc

"Phép lạ sông Hàn" đã biến đổi một quốc gia đã từng bị bao vây bởi hỗn loạn chính trị và nghèo đói thành nền kinh tế "nghìn tỷ đô la". Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 7%, chỉ bị co lại trong 2 năm, và trở thành một phần của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 1996, đánh dấu sự phát triển thành một quốc gia công nghiệp hóa đa dạng. Năm 2004, Hàn Quốc gia nhập câu lạc bộ ưu tú của các nền kinh tế nghìn tỷ đô la và ngày nay nó được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới về GDP.

Nền kinh tế của Hàn Quốc lớn gấp nhiều lần (36,7 lần) CHDCND Triều Tiên về GDP. Theo số liệu năm 2013, GDP của Triều Tiên ước khoảng 33 tỷ USD, trong khi đó Hàn Quốc là 1,19 nghìn tỷ USD. GDP theo đầu người là 33.200 USD ở Hàn Quốc, trong khi chỉ 1.800 USD ở Triều Tiên, theo CIA World Factbook. Kim ngạch thương mại của Hàn Quốc là 1,07 nghìn tỷ đô la trong năm 2013, còn Triều Tiên chỉ 7,3 tỷ đô la.

Trong khi Triều Tiên có thâm hụt thương mại lớn, xuất khẩu (hàng hóa và dịch vụ) đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng của Hàn Quốc. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm 53,9% GDP trong năm 2013. 

Đóng góp vào GDP của nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ ở Triều Tiên là 23,4%, 47,2% và 29,4%; con số tương ứng tại Hàn Quốc là 6,9%, 23,6% và 69,4%. 

Một số thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc là Samsung Electronics, HK Hynix, Bảo hiểm nhân thọ Samsung, LG Chem, Hyundai Mobis, Kia Motors, POSCO, Hyundai Heavy Industries, Shinham Financial Group và Hyundai Motors. Triều Tiên không có thương hiệu nào được biết đến.

Con người và cuộc sống

Về mặt địa lý, hai quốc gia tương tự nhau, nhưng dân số của Triều Tiên (24,54 triệu người) chỉ bằng một nửa của Hàn Quốc (50,22 triệu). Tình trạng thiếu lương thực mãn tính ở Triều Tiên đã dẫn đến sự suy dinh dưỡng trong dân số, đặc biệt là trẻ em. Người Triều Tiên có xu hướng nhỏ hơn so với người Hàn Quốc. 

Ngay cả tuổi thọ trung bình ở Triều Tiên cũng thấp hơn 10 năm (69,2 năm so với 79,3 năm ở Hàn Quốc). Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Hàn Quốc là 4,08 trên 1.000 ca sinh, trong khi lên tới 26,21 ở Triều Tiên (số liệu năm 2012).

Người Triều Tiên không có quyền truy cập internet miễn phí, chỉ một số người rất hiếm hoi trong một số cơ quan/ngành nghề nhất định mới có thể truy cập internet, và đều nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Trong khi đó, truy cập internet hoàn toàn không bị cản trở ở Hàn Quốc. 

Hơn nữa, Hàn Quốc đứng thứ 57 trên bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí năm 2014, trong khi Triều Tiên đứng cuối cùng.

Kim Thu
.
.
.