Chuyện về những người "vác tù và hàng tổng"

Chủ Nhật, 08/05/2016, 09:03
"Đề nghị mọi người đi đúng phần đường quy định; chú ý quan sát trước khi rẽ..."- 13 năm qua, người dân lưu thông tại hai điểm nóng là ngã tư và ngã ba cây xăng thuộc xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, Thái Bình đã quen thuộc với tiếng loa của tổ tự quản an toàn giao thông (ATGT) xã Vũ Quý. Mỗi ngày hai buổi, mỗi buổi có từ 1-2 người, họ nhắc nhở mọi người, phương tiện qua lại ngã ba, ngã tư phải tuyệt đối tuân thủ Luật ATGT đường bộ… Nhờ vậy, suốt 13 năm qua, Vũ Quý không xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nào.  


1."Ý tưởng thành lập tổ tự quản ATGT xã Vũ Quý đến với chúng tôi bắt nguồn từ nỗi đau không đáng có của những gia đình mất đi người thân vì tai nạn giao thông", cựu chiến binh Đỗ Anh Bồng, Tổ trưởng Tổ tự quản ATGT xã Vũ Quý bộc bạch với chúng tôi.

Nhắc lại câu chuyện cũ, đôi mắt người cựu chiến binh Đỗ Anh Bồng trở nên xa xăm: Ngay trong những ngày hè tháng 6-2001, một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng đã xảy ra ở trước cửa nhà ông Lượng (ở thôn 4, xã Vũ Quý), làm 2 cháu học sinh một nam, một nữ trên đường đi tắm biển Đồng Châu về TP Thái Bình bất ngờ bị tử vong…

Ba năm liên tiếp sau đó (2002-2004), bốn người dân Vũ Quý cũng bị TNGT trên chính đường phố của mình. Trong đó, vụ TNGT thương tâm cướp đi mạng sống của chị Mỵ, khiến bác Bồng day dứt hơn cả. Trong phút chốc, một mái ấm gia đình với 3 đứa con bỗng tan đàn, xẻ nghé. Sau sự ra đi đột ngột của chị Mỵ không lâu, người chồng vì thương nhớ vợ cũng suy sụp mà qua đời, để lại 3 đứa con thơ dại không có người nương tựa, chăm sóc…

Các thành viên của tổ tự quản ATGT Vũ Quý làm nhiệm vụ.

TNGT khi ấy đã trở thành nỗi ám ảnh với mọi người dân Vũ Quý, đồng thời cũng là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Bác Bồng chia sẻ: Cũng những năm tháng ấy, trên đường phố Vũ Quý xuất hiện những vòng vôi trắng liền kề. Cái cũ chưa kịp phai mờ đã xuất hiện những vòng vôi trắng mới… nắng mưa cát bụi rồi cũng làm phai mờ đi tất cả. Nhưng trong lòng những người giàu thương cảm, nặng tình sẻ chia, xót thương thì cái chết tức tưởi, chỉ trong giây phút cướp đi mạng sống của nhiều con người đã khiến ông trăn trở, phải làm một điều gì đó để vơi bớt đi nỗi đau thương mất mát do TNGT gây ra.

Vào thời điểm đó, Vũ Quý luôn là địa phương có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông cao nhất huyện Kiến Xương. Trong khi đó, đường phố lại chật, hẹp chưa được nâng cấp, cải tạo... cả giao thông tĩnh cũng như giao thông động đều trở thành vấn đề bức xúc như mái che, mái vẩy, bục bệ xây dựng lấn chiếm, che khuất tầm nhìn, việc dừng đỗ bắt trả khách tùy tiện. Rồi kế đó là việc trên 2.000 thầy và trò ở Vũ Quý cùng tham gia giao thông.

Với nhiều học sinh, việc tan học đi thành hàng 3 và hàng 4 là bình thường. Phải làm một điều gì đó để làm vơi bớt những nỗi đau do TNGT gây ra, khi thói quen tùy tiện, đi ẩu, coi thường luật an toàn giao thông đã ăn sâu bén rễ hàng ngày vào suy nghĩ của không ít người tham gia giao thông.

Chính bởi những suy nghĩ đó, ý tưởng thành lập tổ tự quản về ANGT xã Vũ Quý ra đời. "Vạn sự khởi đầu nan", nhớ lại những ngày ấy, bác Bồng không khỏi bùi ngùi: Thời gian đầu, không ít người còn hoài nghi về hiệu quả của mô hình; một số khác thì khích bác bằng những lời nói chẳng mấy thiện cảm như mấy tay vô công rỗi nghề, tự nhiên ra đường tuýt còi…

Ban đầu, chỉ có một mình bác Bồng tham gia. Sau đó thì vận động thêm được 8 người, đều là cán bộ về hưu, trong đó có ông Phạm Văn Toàn, một người đạp xích lô, thường xuyên đỗ xe ở mặt đường; anh Tiến, một người thợ sửa xe máy. Vừa biên soạn tài liệu, lại bỏ tiền mua thùng loa. Hàng ngày, nhóm của bác Bồng đặt thùng loa trên chiếc xích lô rồi đi tuyên truyền…

Chẳng kể ngày nắng hay mưa, một chiếc loa cầm tay, một bộ đồng phục, từ 6 giờ 25 phút hàng ngày, thời điểm mọi người đi làm còn các cháu học sinh đến trường. Rồi từ 17 đến 17 giờ 30 phút, khi học sinh đi học về, cán bộ công nhân viên chức tan tầm. Mỗi buổi đó, thường có từ 1-2 thành viên của tổ tự quản làm nhiệm vụ nhắc nhở tất cả mọi người, mọi phương tiện khi qua lại ngã ba, ngã tư phải tuyệt đối tuân thủ theo luật, không rẽ ngoặt tùy tiện; giúp đỡ trẻ nhỏ, người tàn tật qua đường...

Với ngã ba cây xăng, một địa điểm thường dễ xảy ra tai nạn giao thông, 2 chiếc khẩu hiệu được treo ở vị trí dễ nhìn "Cấm chuyển hướng đột ngột trước đầu xe cơ giới". Chỉ một thời gian ngắn, sức "nóng" ở cả hai điểm nóng đã giảm tới mức an toàn. Đến thời điểm này, tại hai điểm nóng này đã không xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nào.

2. Chia sẻ với chúng tôi, bác Bồng bộc bạch: Những ngày đầu, kinh phí hoạt động đều do bác tự bỏ ra… Đến cuối năm đó, người dân trên địa bàn đã bắt đầu ủng hộ, người đóng góp 30 nghìn, người 50 nghìn đồng để làm kinh phí hoạt động. Đến ngày 13-5-2013, dưới sự chỉ đạo của Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Công an huyện Kiến Xương và sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân xã Vũ Quý mà nòng cốt là những người tình nguyện, muốn cùng đứng trong một đội ngũ để tham gia giữ gìn trật tự ATGT... một mô hình được thành lập để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo công tác an ninh trật tự - ATGT lấy tên là tổ tự quản ATGT.

Đây cũng là tổ tự quản ATGT đầu tiên của Thái Bình được xây dựng và thành lập theo sự chỉ đạo của Công an và Ban ATGT tỉnh Thái Bình lúc đầu gồm 8 đội viên và 1 tổ trưởng. Ngay sau khi được thành lập, các thành viên trong tổ đã mua được âm li, 2 loa nén, 2 loa mega... rồi dùng xe xích lô của anh em trong tổ di chuyển tới các địa điểm khu dân cư, chọn thời khắc tĩnh lặng mà phát thanh, tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, của tỉnh, của cấp ủy và chính quyền địa phương có liên quan đến tình hình trật tự ATGT; liên quan tới nghĩa vụ và bổn phận của công dân, những điều sát hợp với đời sống hàng ngày đều được các thành viên trong tổ biên tập lại để phát, với phương châm ai nghe cũng hiểu được, tạo được sự đồng thuận và cùng vào cuộc của mọi tầng lớp nhân dân...

"Để vận động, thuyết phục một người dân chấp hành Luật ATGT đường bộ không dễ dàng, bí quyết thành công của đồng chí tổ trưởng là gì", tôi hỏi bác Bồng. Người cựu chiến binh già dí dỏm trả lời tôi, bằng một giọng nói đầy hài hước: Việc thường xuyên ứng trực tại ngã tư Vũ Quý cũng không đơn giản như nhiều người vẫn lầm tưởng. Chuyện rủi ro trong qúa trình làm việc là không thể tránh khỏi như khi điều hành giao thông, các thành viên của tổ tự quản thường xuyên phải có mặt ở trên các cung đường, làm nhiệm vụ ở các vị trí tiền trạm...

Thế nhưng, cho đến thời điểm này cũng chưa có chính sách hay chế tài cụ thể nào cả. Nhiều trường hợp ngang nhiên vi phạm nhưng quyền hạn của tổ tự quản ATGT thì họ cũng không thể rờ tới. Đó còn chưa kể đến một số đối tượng có những lời nói thiếu tôn trọng như cho rằng họ là những kẻ vô công rỗi nghề. Trong lĩnh vực nhạy cảm cũng phải đối mặt với rất nhiều biến cố. Sự cần cù, chịu khó nhiệt tình thôi chưa đủ mà còn cần phải xử trí mau lẹ, chuẩn xác trong mọi tình huống.

Bác Bồng kể cho chúng tôi những câu chuyện thực tế đã từng gặp phải. Vụ việc xảy ra vào một ngày 30 Tết... cho đến bây giờ bác Bồng còn nhớ mãi. Còn với cô Trần Thị Bách, một trong những thành viên của tổ tự quản thì mỗi khi trái nắng trở trời, vết thương ở phần chân vẫn đau nhức nhối.

Phối hợp giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Chiều 30 Tết năm đó, cũng như những người phụ nữ Việt Nam khác, cô Bách đang chuẩn bị cơm cúng tất niên thì nhận được điện thoại của bác Bồng, có một số thanh niên lạng lách, gây cản trở giao thông trên tuyến đường liên xã. Thời điểm này đã gần đến giao thừa nên lưu lượng người tập trung trên các tuyến đường đã bắt đầu trở nên đông đúc.

Vậy là, chỉ kịp nhờ chồng làm hộ con gà cúng tất niên, cô Bách vội lao ra đường. Họ phát hiện một nam thanh niên đang lạng lách, gây mất trật tự ATGT và nguy hiểm cho những người xung quanh. Cùng với việc phân luồng, tổ tự quản đã gặp gỡ, giải thích cho người thanh niên đang có hơi rượu trong người, giúp người này hiểu ra tính chất nguy hiểm của hành vi lạng lách, có nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Khi sự việc được giải quyết xong, cô Bách phát hiện đã bị thương vào phần mềm...

Sự tham gia của những phụ nữ chân yếu, tay mềm với sự nữ tính, nhẹ nhàng đã khiến hoạt động của tổ tự quản trong thời gian dài có hiệu quả cao. Vào những lúc đi chợ, khi gặp các chị em bán hàng, họ khéo léo nhắc nhở chị em chấp hành các quy định về ATGT như không làm mái che, mái vẩy lấn chiếm ra lòng đường, vỉa hè; động viên, giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm luật ATGT…

Khi tham gia vào tổ tự quản, các thành viên nữ như cô Bách gặp nhiều khó khăn hơn so với các đồng nghiệp là nam. Bởi ngoài công việc, họ còn phải làm tròn thiên chức của một người phụ nữ trong gia đình. Nhưng với sự ủng hộ của những người thân trong gia đình, các cô, các chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Còn với bác Bồng, bí quyết để thành công còn là sự công tâm với công việc. Một trong những kỷ niệm để lại ấn tượng sâu sắc nhất với bác Bồng là việc giải quyết một vụ va chạm giao thông giữa người dân trên địa bàn với hai vị khách vãng lai qua đường. Khi đó, có 2 người dân ở Huế ra thăm người nhà. Trong quá trình đi lại, không may va quệt với một người dân trong xã Vũ Quý. Dù biết mình sai nhưng ỷ thế mình là người địa phương, người vi phạm này vẫn lớn tiếng bắt nạt.

Khi ấy, bác Bồng có mặt, phân tích. Sau khi sự việc được giải quyết êm thấm, hai người dân Huế nói rằng: "Trên ti-vi, chúng tôi đã được nghe về mô hình tự quản ở Vũ Quý nhưng khi được tận mắt chứng kiến thì thấy việc làm của các anh thực sự công tâm". Hay vào khoảng tháng chạp, có một người đi xe đạp bắt cua, không may bị tai nạn ở ngoài đường.

Khi phát hiện, đồng chí Trần Văn Tiến, một thành viên của tổ tự quản đã đưa người bị thương về nhà, sơ cứu, chăm sóc rồi thông báo cho người thân trong gia đình. Sáng hôm sau, những người nhà của nạn nhân có mặt đã vô cùng cảm động trước sự cứu giúp nhiệt tình của anh Tiến và các thành viên tổ tự quản ATGT xã Vũ Quý... Người này và anh Tiến sau đó đã kết nghĩa anh em. Tất cả những việc làm nghĩa tình đó đều bắt nguồn từ lương tâm, tình cảm và trách nhiệm của mỗi thành viên trong tổ tự quản.

Xuân Mai
.
.
.