Chiến địa cam go

Thứ Hai, 07/11/2016, 14:34
Sau đêm 8-11 tới, chức Tổng thống Mỹ sẽ thuộc về ai thì người đó trước hết phải thắng ở 11 bang “chiến địa”, tức các bang vẫn còn “dao động lựa chọn”, lập lờ đến phút chót, chưa biết nghiêng về phe nào.

Càng quan trọng, tranh chấp càng cam go. Năm nay, cả ông Trump và bà Clinton đều chi hàng tỉ USD để vận động tranh cử ở 11 bang này; đồng thời giành nhiều thời gian nhất để vận động lá phiếu.

Bang “chiến địa” nào?

11 bang “chiến địa” quan trọng vì chiếm 206/538 tổng số phiếu đại cử tri, có 5 bang quan trọng nhất: Florida, Arizona, Bắc Carolina, Ohio và Pennsylvania.

Trong 6 kỳ bầu tổng thống gần nhất, hai ứng viên của mỗi đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thắng 3 lần ở Florida (29 phiếu đại cử tri), vốn là bang “biến động” tức hay đổi ý: mỗi đảng thắng 3 lần.

Lần này, ông Trump và bà Clinton đều cần thắng ở bang đông dân gốc La tinh này.  Ngày 25-10, ông Trump kết thúc chiến dịch vận động 3 ngày ở Florida. Cùng lúc, bà Clinton mở cuộc chinh phục 2 ngày. Ngày 26-10, thăm dò của Bloomberg cho biết ông Trump nhận được 45% sự ủng hộ, bà Clinton được 43% ở bang này.

Arizona, bang biên giới giáp Mexico (11 phiếu) chỉ mới một lần bỏ phiếu cho một ứng viên của đảng Dân chủ hồi năm 1996. Nhưng việc ông Trump gọi dân Mexico nhập cư trái phép là “bọn hiếp dâm giết người” và hứa xây tường “thật to, thật đẹp và thật quyền lực” để chọn họ đã khiến cử tri gốc La-tinh ở bang biên giới giáp Mexico này “nóng máu”, trong khi 47% dân Mỹ ở Arizona nói nếu xây bức tường sẽ là “lãng phí tiền khủng”. Tuy nhiên, 57% người ủng hộ đảng Cộng hòa nói xây tường là “xứng đáng”, chỉ có 21% phản đối.

Ohio (18 phiếu) lịch sử cảnh báo ông Trump: không có ứng viên đảng Cộng hòa nào trúng cử tổng thống nếu không “chiếm” được bang này trong ngày bầu cử. Bà Clinton thắng ở đây trong ngày bầu cử sơ bộ hồi tháng 3.

Pennsylvania (20 phiếu) chưa bao giờ chọn đảng viên Cộng hòa nào vào ghế tổng thống kể từ năm 1988. Nhưng bang này có nhiều cử tri trung lưu da trắng ủng hộ ông Trump.

Bắc Carolina (15 phiếu) là bang “dao động” mạnh nhất, mỗi đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có đông người ủng hộ. Đảng Dân chủ  nói Bắc Carolina luôn ủng hộ đảng, nhưng ông Barack Obama từng thắng ở đây năm 2008 rồi lại thua năm 2012.

Pennsylvania (20 phiếu) ứng viên đảng Dân chủ luôn thắng, nhận được lá phiếu của cộng đồng dân Mỹ da màu chiếm đa số, nhưng bà Clinton phải chinh phục được cảm tình của nam cử tri da trắng ít học thường ủng hộ ông Trump.

Virginia (13 phiếu) có nhiều gia đình quân nhân và cựu binh,cùng nông dân ủng hộ ông Trump. Nhưng bà Clinton có thể giành được cảm tình nhờ chọn “phó tướng” là Thượng nghị sĩ Tim Kaine của bang này.

Michigan (16 phiếu) thường bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ từ hàng chục năm nay. Nhưng lần này có thể khác, vì ông Trump hứa giải quyết nạn thất nghiệp từ việc mất nhiều xí nghiệp sản xuất xe hơi vào tay Mexico.

Các bang còn lại gồm: Wisconsin (10 phiếu) là bang nhà của Chủ tịch Hạ viện Mỹ - ông Paul Ryan (đảng Cộng hòa), New Hampshire (4 phiếu), Iowa (6 phiếu), Colorado (9 phiếu) và Nevada có 6 phiếu.

Công thức bầu cử tránh “xếp ghế”

Báo Business Insider (Mỹ) viết, các công dân Mỹ có thể ngỡ họ sống dưới nền dân chủ, tổng thống do dân bầu trực tiếp, nhưng thực tế là chủ nhân Nhà Trắng do số đại cử tri bầu lên. Hệ thống bí mật này do các “Cha già lập quốc” lập, để bảo đảm các bang nhỏ không thể gian lận lá phiếu và nhằm giữ cảm xúc “được quyền đi bầu” cho công dân.

Tướng George Washington từng nhận được 100% phiếu bầu của đại cử tri. Nên các nhà lập quốc không muốn tái diễn chuyện này. Họ không thích ý tưởng Quốc hội chọn tổng thống theo cách cơ quan này chọn thủ tướng vì ngại dẫn đến “dàn xếp chính trị”, tiêu cực và có thể là bị các thế lực thù địch nước ngoài gieo ảnh hưởng. Việc cho phép đại biểu dân cử từng bang chọn một tổng thống cũng bị bác, vì sợ tổng thống lệ thuộc họ, làm xói mòn quyền lực liên bang.

Bà Clinton và ông Trump, ai sẽ là tân Tổng thống Mỹ?

Việc bầu cử phổ thông cũng bị bác, vì tránh cử tri không đủ thông tin về ứng viên tổng thống không thuộc bang của họ. Từ đó, có ý tưởng đại cử tri theo từng bang, căn cứ theo số đại biểu của bang trong Quốc hội. Vì mỗi bang có 2 thượng nghị sĩ, hệ thống đại cử tri được cân nhắc để các bang nhỏ có tiếng nói nhiều hơn.

Trong ngày bầu cử, các điểm bỏ phiếu trên toàn nước Mỹ mở cửa từ 7 giờ đến 20 giờ, dành cho người dân bỏ phiếu phổ thông (popular vote). Ngay sau đó là cuộc kiểm phiếu được tiến hành nhanh gọn, vì thế sớm xác định kết quả bầu cử.

Ứng viên giành được đa số phiếu tại từng bang sẽ tính ra số phiếu đại cử tri (electoral vote). Đến đêm 8-11-2016 đã có thể xác định số phiếu đại cử tri của từng ứng viên và xác định người thắng cử. Mỗi ứng viên phải giành được 270 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri mới trở thành Tổng thống thứ 45 của lịch sử Mỹ.

Theo qui định của Hiến pháp Mỹ, cuộc bỏ phiếu của 538 đại cử tri - tương ứng số thượng và hạ nghị sĩ toàn nước Mỹ cùng 3 đại biểu của thủ đô Washington D.C-sẽ thay mặt cử tri chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 18-12-2016.

Theo qui định thì các đại cử tri từng bang bỏ phiếu vào Thứ Hai đầu tiên của tháng 12. Kết quả bầu cử được chuyển đến Quốc hội Mỹ và Cục Tàng thư Quốc gia. Tiếp đó Quốc hội Mỹ họp toàn thể để kiểm phiếu, và người thắng cử chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống ngày 20-1-2017.

Cuộc bỏ phiếu của họ chỉ mang tính hình thức và trên lý thuyết, có thể xảy ra tình huống đảo ngược kết quả - nếu có sự kiện đột biến nào đó, khiến các đại cử tri thay đổi phiếu bầu làm thay đổi kết quả bầu tổng thống vốn đã được công bố ngày 8-11. Trong lịch sử 58 cuộc bầu cử chưa hề xảy ra tình huống này.

Ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11

Việc tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày này không tình cờ. Nó luôn được tổ chức vào thứ Ba đầu tiên của tháng 11 của năm bầu cử. Sự chọn lựa ngày cố định này bắt nguồn từ bối cảnh đời sống nông dân Mỹ hồi thế kỷ 19.

Vào những năm 1800, phần lớn cư dân Mỹ là nông dân, sống cách xa nơi bầu cử. Vì nông dân thường phải mất một ngày di chuyển mới đến điểm bầu cử, các nhà lập pháp nhận thấy cần có một khoản thời gian 2 ngày cho ngày bầu cử. Không thể chọn hai ngày cuối tuần vì đa số cư dân lo đi nhà thờ ngày Chủ nhật, còn thứ Tư là ngày nông dân họp chợ. Đó là lý do thứ Ba được chọn.

Việc chọn ngày bầu cử vào tháng 11 vì là thời điểm thuận lợi nhất, vào dịp cuối thu, khi việc thu hoạch mùa vụ đã hoàn tất và trước khi mùa đông kéo đến. Không thể tổ chức bầu cử vào hai mùa xuân-hè vì bị ảnh hưởng tới giai đoạn gieo hạt, tổ chức vào cuối hè-đầu thu lại trùng với mùa gặt.

Từ năm 1845, người Mỹ chính thức có thông lệ đi bầu vào một ngày làm việc trong tuần (không vào dịp cuối tuần), sau khi Quốc hội Mỹ thông qua luật liên bang, qui định ngày bầu cử là thứ Ba đầu tiên sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Vì thế, ngày bầu cử thường rơi vào khoảng từ ngày 3 đến 8 -11. Vì qui định này, ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng 11-2016 rơi vào ngày 1-11 thì không được tính hợp lệ.

Trong khi đó, thời điểm tân tổng thống làm lễ tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Washington D.C cũng được qui định: luôn vào ngày 20-1 và nếu ngày này rơi vào Chủ nhật thì chuyển qua ngày 21-1.

Trung Trực
.
.
.