Xét xử nguyên dàn lãnh đạo ngân hàng Đại Tín gây thiệt hại 471 tỷ đồng
Quá trình lãnh đạo ngân hàng, ông Hoàng Văn Toàn (nguyên chủ tịch HĐQT) và Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín) cùng các cấp dưới đã ký cho các công ty của Phạm Công Danh vay, gây thiệt hại 471 tỷ đồng.
- Khởi tố 14 đối tượng thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín trên 6.000 tỷ đồng
- Vì sao nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín bị bắt?
- Bà Hứa Thị Phấn chuẩn bị hầu tòa trong vụ rút ruột 6.362 tỷ đồng tại ngân hàng Đại Tín
- Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Phạm Công Danh
- Xét xử vụ “đại án” Phạm Công Danh và đồng phạm: VKS giữ nguyên quan điểm buộc tội
Sáng nay 2-5, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên toà xét xử vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Đại Tín đối với Hoàng Văn Toàn (65 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT), Trần Sơn Nam (49 tuổi, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín; cả hai bị bắt tạm giam từ ngày 10-1-2017) cùng 5 cấp dưới.
Liên quan trực tiếp đến vụ án, toà án đã triệu tập bị án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT) và Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) và hai bị án khác đến toà với tư cách là người làm chứng.
Ông Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam tại toà (hàng đầu) |
Bị án Phạm Công Danh |
Bị án Phan Thành Mai |
Các bị cáo tại toà |
Theo cáo trạng, ngân hàng TMCP Đại Tín tiền thân là ngân hàng nông thôn cổ phần Rạch Kiến (trụ sở đặt tại Long An) với vốn điều lệ đăng ký là 3.000 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Hoàng Văn Toàn - Chủ tịch HĐQT và Trần Sơn Nam - Tổng giám đốc (TGĐ). Đến tháng 5-2013, ngân hàng đổi tên thành ngân hàng TMCP xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VNCB, nay là ngân hàng CB).
Ngày 22-12-2012, Nguyễn Quốc Thịnh (giám đốc công ty Thịnh Quốc) ký giấy đề nghị vay vốn 370 tỷ đồng tại chi nhánh Sài Gòn - ngân hàng Đại Tín với mục đích kinh doanh bất động sản, hợp tác với công ty Đại Hoàng Phương mua Lô đất số 3 sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) của công ty Nhà Quốc Thắng với tổng giá trị chuyển nhượng là 939 tỷ đồng. Phương án vay vốn và trả nợ là từ doanh thu và lợi nhuận của việc chuyển nhượng lại của bất động sản nêu trên cho công ty địa ốc Bảo Gia với giá tổng giá trị chuyển nhượng là 1.239 tỷ đồng. Thực tế, cả bốn công ty trên đều là các công ty con của Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB).
Ngày 25-12-2012, Hội đồng tín dụng chi nhánh Sài Gòn (ngân hàng Đại Tín) đã họp và thống nhất cho công ty Thịnh Quốc vay 370 tỷ đồng và công ty Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng và đề nghị Hội đồng tín dụng (HĐTD) ngân hàng Đại Tín phê duyệt cho vay theo thẩm quyền.
Đến ngày 28-12-2012, HĐTD ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam và các thành viên còn lại họp và thống nhất chủ trương cho vay trên. Ngay trong ngày, chi nhánh Sài Gòn đã giải ngân 370 tỷ đồng cho công ty Thịnh Quốc và 280 tỷ đồng cho công ty Đại Hoàng Phương. Tuy nhiên, số tiền giải ngân sau đó không thực hiện đúng mục đích mà chuyển về tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh để Phạm Công Danh sử dụng trả nợ cho các khoản vay trước đó.
Kể từ ngày 28-3-2014, hai khoản vay trên đã quá hạn tất toán nhưng đến nay VNCB vẫn chưa thu hồi được các khoản vay này. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo, số tiền còn lại không thu hồi được gây thiệt hại cho ngân hàng là 471 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, quá trình xem xét, phê duyệt cấp tín dụng cho 2 công ty trên vay vốn, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam và các thành viên trong HĐTD đã không thực hiện đúng quy định cho vay như: hồ sơ vay vốn không có báo cáo tài chính của khách hàng, không đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng, rủi ro về tài chính… nhưng các bị can không yêu cầu bổ sung báo cáo tài chính, hồ sơ nộp thuế để xem xét trước khi phê duyệt cho vay. Trên thực tế, các công ty này đều không hoạt động kinh doanh, hồ sơ vay vốn, phương án kinh doanh, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đều được lập khống.
Khi phê duyệt cho vay, nguyên dàn lãnh đạo ngân hàng Đại Tín đã bỏ qua cảnh báo rủi ro về tài chính, về tài sản đảm bảo của cán bộ thẩm định mà chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá đối với lô đất 5.104m2 tại khu vực sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng).
Thực tế, khu đất sân vận động Chi Lăng chưa giải tỏa xong, chưa được cấp chứng nhận đầu tư dự án, chưa có quy hoạch chi tiết cũng không có bất kỳ hoạt động đầu tư nào... nên không thể làm căn cứ phê duyệt cấp tín dụng. Vì vậy, hành vi phê duyệt cấp tín dụng của các bị can là trái luật.