Xét xử vụ “đại án” Phạm Công Danh và đồng phạm: VKS giữ nguyên quan điểm buộc tội

Chủ Nhật, 28/01/2018, 09:01
Ngày 27-1, phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (53 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh; Trầm Bê (59 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank và 44 đồng phạm đã kết thúc phần bào chữa của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan trong vụ án.



Đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đã đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Mở đầu phần tranh luận, VKS cho rằng, trong quá trình bào chữa nhiều luật sư thiếu tôn trọng các cơ quan tiến hành tố tụng, vì vậy VKS đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam có ý kiến chấn chỉnh thái độ của các luật sư nhằm tránh trường hợp tương tự xảy ra tại phiên tòa.

Theo VKS, quá trình bào chữa cho nhóm các bị cáo của Ngân hàng VNCB về bối cảnh phạm tội, các luật sư có đề cập đến sự liên quan của nhóm bà Hứa Thị Phấn. Về vấn này, trong bản án phúc thẩm giai đoạn 1 đã xem xét, VKS đã đề nghị khởi tố và HĐXX đã chấp nhận. Bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm đã bị khởi tố và sẽ đưa ra xét xử trong thời gian tới, đảm bảo khách quan, hợp pháp.

Bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê

VKS khẳng định quá trình làm việc không gây bất lợi cho bị cáo, VKS nắm rõ hành vi của các bị cáo trong giai đoạn 1, trên cơ sở các hành vi phạm tội của vụ án giai đoạn 2, VKS đã xem xét rõ tất cả các vấn đề.

Về số tiền tăng vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng mà luật sư và các bị cáo có ý kiến, VKS cho rằng quá trình xét hỏi tại toà, các bị cáo,  luật sư bào chữa và đại diện CB (trước là VNCB đã đổi tên sau khi được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng) thì thấy số tiền trên đã được chuyển vào VNCB Sở giao dịch 2. Đại diện CB xác định số tiền đó đã hòa vào tiền chung và không tách ra được và thực tế VNCB đã sử dụng số tiền này.

Vì vậy, luật sư và bị cáo tiếp tục đề nghị xác minh ai sử dụng và sử dụng số tiền ấy làm gì, đề nghị lấy lại số tiền đó để khắc phục hậu quả hoặc cấn trừ hậu quả vụ án cho các bị cáo. Về ý kiến này, VKS xác định số tiền thiệt hại của vụ án là 6.126 tỷ đồng đã đề nghị thu hồi từ 3 ngân hàng vì đó là vật chứng vụ án.

Còn việc không tách được số tiền ở VNCB thì đó là việc của ông Phạm Công Danh và VNCB, nay là CB, do vậy để đảm bảo quyền lợi của các bị cáo, VKS đề nghị HĐXX tuyên ông Phạm Công Danh phải trả lại 4.500 tỷ cho VNCB.

Về đề nghị thu hồi các khoản tiền như 600 tỷ của nhóm bà Hứa Thị Phấn, số tiền 194 tỷ từ ông Trần Quý Thanh, trả lãi ngoài, truy thu số tiền lãi của 3 ngân hàng, các khoản tiền lãi phạt, lãi quá hạn từ BIDV qua các khoản tiền vay của các công ty... VKS không có kiến nghị yêu cầu thu hồi các khoản tiền này.

Tuy nhiên trong quá trình xét xử nếu xác định đó là chứng cứ của vụ án, VKS đề nghị HĐXX xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nếu HĐXX xác định đây là vật chứng của vụ án thì đề nghị thu hồi.

Về vai trò, trách nhiệm của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước tại VNCB, theo VKS, những cá nhân này đã bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nên không thể xem xét.

Đối đáp với các ý kiến của các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng quy buộc chưa thỏa đáng, theo VKS, việc VNCB gửi tiền ở 3 ngân hàng là hợp pháp, nhưng mục đích là gửi để bảo lãnh cho các công ty vay vốn chứ không phải gửi tiền thanh toán thông thường.

Theo Thông tư 21 quy định, việc gửi tiền không quá 3 tháng và điều chỉnh. Phạm Công Danh và Phan Thành Mai đã dùng khoản tiền ấy thực chất là để cầm cố và rút tiền ra khỏi VNCB.

Hơn nữa, Phạm Công Danh là người chỉ đạo các công ty vay tiền mà không có tài sản đảm bảo là vi phạm quy định. Rõ ràng việc Phạm Công Danh tự bảo lãnh, tự cấp tín dụng bảo lãnh cho công ty mình là vi phạm…

Do vậy những cáo buộc của VKS về các hành vi của Phạm Công Danh là có cơ sở. Tương tự, VKS cũng cho rằng đủ căn cứ xác định hành vi của bị cáo Trầm Bê như đã cáo buộc.

Đối với bào chữa của luật sư cho rằng bị cáo Nguyễn Quốc Viễn (42 tuổi, nguyên Trưởng ban kiểm soát VNCB; bị đề nghị 6-7 năm tù) không cố ý làm trái đối với khoản vay tại Sacombank, việc vay của ngân hàng có sai sót Viễn chỉ góp phần nhỏ nên không đồng ý quy kết.

Đại diện VKS cho rằng Viễn là người biết và trực tiếp mọi hoạt động cũng như nhận chỉ đạo của Phạm Công Danh, Viễn đã thừa nhận hành vi nên không có căn cứ đồng ý lời bào chữa của luật sư.

Căn cứ vào lời khai của các bị cáo Danh, Phan Thành Mai thì có thể xác định bị cáo Phan Minh Tùng (50 tuổi, phụ trách kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh), là người lập báo cáo khống của 6 công ty, tuy nhiên bị cáo Tùng làm theo chỉ đạo, không hưởng lợi, gia đình có công với cách mạng. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Tùng mức án thấp hơn mức VKS đã đề nghị (5-6 năm tù).

Đối với nhóm các bị cáo giám đốc thuê khi lượng hình VKS đã xem xét mức độ hành vi của các bị cáo cũng như các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Thứ hai, ngày 29-1, HĐXX tiếp tục làm việc.

A.Huy
.
.
.