Vụ đại án 9.000 tỷ: Các bị cáo đầu vụ nhận tội và đổ lỗi
- Những giám đốc thuê trong đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng
- Đề nghị triệu tập thêm một số người trong vụ xử "đại án" 9.000 tỷ
- Vụ "đại án" gây thất thoát hơn 9.000 tỷ sẽ xét xử trong vòng 1 tháng
Cố ý làm trái pháp luật
Trong những ngày này, dư luận rất quan tâm vụ đại án gây thất thoát 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây Dựng Việt Nam (viết tắt là Ngân Hàng XDVN). Vụ án được cho là lớn nhất lịch sử Việt Nam cho đến thời điểm này với hơn 30 bị cáo, hàng chục luật sư tham gia bào chữa, hơn 100 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án được triệu tập.
Hành vi của các bị cáo được thể hiện qua cáo trạng số 20/CT-VKSTC-V3 ngày 9/5/2016 như sau: Phạm Công Danh (Nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân Hàng XDVN) đã chỉ đạo “thuộc cấp” chủ chốt tại ngân hàng XDVN cho vay trái qui định của nhà nước, dẫn đến thiệt hại cho Ngân hàng XDVN 9.000 tỷ đồng. Điển hình như vụ tạo hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút khoảng 63,276 tỷ đồng vào tháng 5/2013.
Cũng trong năm 2013-2014 Phạm Công Danh còn chỉ đạo ký khống hợp đồng thuê mặt bằng, gây thất thoát cho Ngân hàng XDVN hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất mà Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây ra là hàng ngàn tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích gửi tại ngân hàng, mà theo cáo trạng thì ngày 21/8 và 26/8/2013, có 5.190 tỷ đồng rút ra từ Ngân hàng XDVN (trong tài khoản của Trần Ngọc Bích), nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản là bà Bích, số tiền này được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh.
Bà Trần Ngọc Bích - Ảnh: Hồng Cơ. |
Sau khi tự ý rút 5.190 tỷ trong tài khoản của bà Bích, Phạm Công Danh chỉ đạo Hoàng Đình Quyết (phụ trách chi nhánh Sài Gòn - Ngân Hàng XDVN). Và Mai Hữu Khương (nguyên thành viên Hội đồng quản trị Ngân Hàng XDVN) khai đã chuyển số tiền này vào tài khoản của Phạm Công Danh.
Đồng thời, bị cáo Danh chỉ đạo miệng rút 300 tỷ trong sổ tiết kiệm của nhóm bà Bích ở Ngân hàng XDVN. Khoản tiền này Phạm Công Danh chỉ đạo rút ra để chi tiêu, nhưng không giải trình được sử dụng vào việc gì?!
Nhận tội và đổ “lỗi”
Với hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 19/7/2016, Phạm Công Danh cùng hơn 30 đồng phạm phải đứng trước vành móng ngựa tại TAND TP.Hồ Chí Minh khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Tại tòa, Phạm Công Danh đã bật khóc khi bị thẩm vấn, bị cáo thừa nhận 2 tội danh mà cáo trạng truy tố, đó là tội: “Cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 165 Bộ luật hình sự. Và tội: “Vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo điều 179 Bộ luật hình sự.
Cũng như Phạm Công Danh, tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Đình Quyết khai: Vào thời điểm trước tháng 12/2012, nhóm bà Bích gửi tại Ngân Hàng XDVN trên 5.000 tỷ đồng qua hơn 100 sổ tiết kiệm. Đến tháng 12/2012, nhóm này bắt đầu thế chấp các sổ tiết kiệm này để vay lại tiền.
Còn việc tại sao tiền lại chuyển vào tài khoản Phạm Công Danh mà không phải tài khoản của Bích, bị cáo Quyết khai đó là do sự thỏa thuận giữa Phạm Công Danh và bà Bích?! Bị cáo Quyết còn khai: Mỗi lần tài khoản khách hàng có biến động đều có in sao kê, gửi tin nhắn, vì vậy không thể nói bà Bích không biết?
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: Hồng Cơ. |
Hồ sơ cho thấy không có ủy nhiệm chi của bà Bích, nhưng các chứng từ sao kê và chứng từ khác có liên quan cuối ngày đều được chuyển cho bà Bích thông qua Vũ Anh Tuấn. Việc giao nhận đều được ký tên vào sổ. Bà Thảo đã cung cấp cho tòa bản photo sổ ký giao nhận, trong đó có chữ ký nhận của Vũ Anh Tuấn.
Tuy nhiên, trước những lời “đổ lỗi” của các cán bộ Ngân Hàng XDVN nói trên. Bà Trần Ngọc Bích đã phản bác bằng lời khai: Tháng 7/2014, khi làm việc với Cơ quan điều tra bà Bích mới biết số tiền 5.190 tỷ trong tài khoản đã không còn.
Bà Bích còn cho biết thêm: "Giao dịch với Ngân Hàng XDVN vì tin ngân hàng. Tiền trong tài khoản của tôi mà tôi không đồng ý, cũng không ký chứng từ thì không thể chuyển tiền của tôi đi. Tôi đề nghị tòa xem xét để giúp lấy lại tiền trong tài khoản trả cho các khoản vay của tôi và trả lại sổ tiết kiệm tại Ngân Hàng XDVN của tôi (bà Bích – Pv)".
Liên quan đến việc vay số tiền 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, bà Bích cũng khẳng định không vay 300 tỷ bằng việc cầm cố 6 sổ tiết kiệm. Theo bà Bích, lúc đó bà có ý định vay, nhưng do sau đó không cần tiền nữa nên không vay.
Phải có chứng cứ “chuẩn”
Liên quan đến mâu thuẫn giữa lời khai một số bị cáo tại Ngân Hàng XDVN với nhóm bà Trần Ngọc Bích, về khoản tiền hơn 5.000 tỷ đồng của nhóm bà Bích bị rút mà không được sự đồng ý của bà Bích.
Dẫn giải bị cáo Phạm Công Danh - Ảnh: Hồng Cơ. |
Chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Cơ – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, về chứng cứ là các lời khai mâu thuẫn nói trên, được luật sư Hồng Cơ cho biết: Theo Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự qui định: Thứ nhất, Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội…
Thứ hai, Chứng cứ được xác định bằng các yếu tố là Vật chứng và Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án…
Theo qui định, vật chứng luôn đứng trước lời khai của những người liên quan. Bởi, trong tố tụng, luôn trọng chứng hơn trọng cung, vì lời khai có thể thay đổi thế này thế khác, còn vật chứng thì không. Đây là vụ đại án, thời gian xét xử còn kéo dài.
Do đó, các bên còn có thể khai báo và đưa ra chứng cứ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bà Trần Ngọc Bích không ký hoặc không ủy quyền cho người khác ký đồng ý cho Ngân Hàng XDVN rút 5.190 tỷ đồng, thì có thể tòa sẽ bác lời khai “đổ lỗi” cho bà Bích trước đó.