Đại án Oceanbank: Triệu tập Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn

Thứ Bảy, 09/09/2017, 19:00
Điểm nhấn trong ngày xét xử thứ 10 là HĐXX yêu cầu Thư ký phiên toà làm giấy triệu tập 4 lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đến phiên tòa vào thứ hai (11-9) để đối chất với các bị cáo về lời khai liên quan đến việc nhận tiền “chăm sóc khách hàng” của Oceanbank.

Ngày 9-9, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Liên quan đến hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX dành toàn bộ thời gian để nhiều luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo những tình tiết cần làm sáng tỏ trong vụ án này. 

Điểm nhấn trong ngày xét xử thứ 10 là HĐXX yêu cầu Thư ký phiên toà làm giấy triệu tập 4 lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đến phiên tòa vào thứ hai tuần tới (11-9) để đối chất với các bị cáo về lời khai liên quan đến việc nhận tiền “chăm sóc khách hàng” của Oceanbank.

4 lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được HĐXX yêu cầu triệu tập gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Hoài Giang, nguyên Tổng Giám đốc Đinh Văn Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Vũ Mạnh Tùng và Kế toán trưởng Phạm Xuân Quang. Lý do các bị cáo bị triệu tập liên quan đến lời khai của cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thu về việc đưa tiền cho bị cáo Phan Thị Tú Anh, cựu Giám đốc Oceanbank chi nhánh Quảng Ngãi để chi “chăm sóc khách hàng” cho 4 lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn có tên trên. 

Bị cáo Thu khai, thời kỳ làm lãnh đạo Oceanbank bị cáo này, đã chi gần 19 tỷ đồng “chăm sóc khách hàng” cho Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. “Mỗi lần đi đưa tiền “chăm sóc khách hàng”, bị cáo đều nhờ chị Phan Thị Tú Anh, cựu Giám đốc Chi nhánh Quảng Ngãi đặt lịch gặp gỡ”, bị cáo Thu khẳng định. 

Bị cáo Nguyễn Minh Thu.

Theo lời khai của bị cáo Thu, trong thời gian đương nhiệm, bị cáo còn thay cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Thị Minh Phương chuyển cho các chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank số tiền 11 tỷ đồng “chăm sóc khách hàng”. Trong đó có chi khoảng 2-3 tỷ đồng cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Số tiền còn lại chia hai phần chuyển cho bị cáo Tú Anh chi chăm sóc khách hàng. HĐXX yêu cầu đối chất lời khai của Thu, đại diện Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, doanh nghiệp này không nhận chi lãi suất ngoài của Oceanbank. 

Bị cáo Hà Văn Thắm.

Nhận thấy lời khai của bị cáo và đại diện Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn có nhiều mâu thuẫn, Chủ toạ phiên toà, Thẩm phán Trần Nam Hà đã yêu cầu Thư ký phiên tòa làm giấy triệu tập ngay 4 lãnh đạo có tên trên của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn tới phiên xử vào ngày thứ hai (11-9) để tiến hành thẩm vấn và đối chất nhằm làm rõ bản chất sự việc.

Cũng trong phiên xử ngày 9-9, các luật sư đã tập trung thẩm vấn đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước về khoản tiền cố ý làm trái 1.576 tỷ đồng liên quan đến việc chi lãi ngoài số tiền này có trái quy định của pháp luật không (?) Ông Trần Anh Hùng, đại diện Ngân hàng Nhà nước không trả lời câu hỏi này và cho biết sẽ thông tin lại sau. 

Về số tiền cố ý làm trái 1.576 tỷ đồng, đại diện Oceanbank cho rằng, việc xác định thiệt hại của Oceanbank được căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra và hành vi làm trái của các bị cáo phải căn cứ vào giám định kết luận. Trên cơ sở đó, Oceanbank mới kiến nghị Ngân hành Nhà nước xử lý đối với số tiền bị quy là cố ý làm trái. 

Trong những ngày xét xử trước đó, đại diện Oceanbank đã được HĐXX hỏi về thiệt hại của Oceanbank liên quan đến chi lãi ngoài trái quy định. Tuy nhiên, địa diện Oceanbank vẫn bảo lưu quan điểm “thiệt hại của Oceanbank được căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra”. Chiều 9-9, Tòa nghỉ. Sáng thứ hai (ngày 11-9), phiên tòa tiếp tục.

Nguyễn Hưng
.
.
.