Ngăn chặn nạn cát “tặc” tại khu vực phía Nam

Thứ Sáu, 22/01/2021, 21:27
Nạn khai thác cát trái phép tại khu vực TP Hồ Chí Minh nói riêng và của khu vực phía Nam lâu nay vẫn là vấn nạn gây nhức nhối dư luận. Lợi nhuận cao nên các đối tượng vẫn bất chấp, dùng nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, đòi hỏi công tác quản lý phải đáp ứng được nhiều vấn đề mới, cần phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan, trong đó lực lượng chủ chốt là Cảnh sát môi trường (CSMT). 


Cảnh giác với thủ đoạn khai thác cát “tận thu, tận diệt”

Từ thực tiễn trong công tác, Đại tá Võ Quốc Công, Phó Hiệu trưởng trường ĐH CSND cho biết như trên tại cuộc hội thảo về công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo Đại tá Võ Quốc Công, qua các vụ việc khai thác cát trộm do lực lượng CSMT cùng cơ quan chức năng phát hiện được trong năm 2020 đã phát hiện có nhiều thủ đoạn mà đối tượng thường áp dụng, như: lợi dụng giấy phép khai thác, giấy phép thực hiện các dự án nạo vét, tận thu sản phẩm đi kèm để khai thác ngoài thời gian quy định, ngoài diện tích được cấp phép, khai thác vượt mức cho phép; Lợi dụng địa bàn giáp ranh sử dụng bè gỗ, ghe máy gắn thiết bị hút cát công suất lớn, thường xuyên thay đổi địa điểm, hoạt động vào ban đêm để khai thác trái phép, phân công nhiều đối tượng cảnh giới cơ quan chức năng, đưa người làm thuê ra nhận thay đối tượng cầm đầu khi bị kiểm tra, xử lý, ký hợp đồng mua bán, cho thuê phương tiện khai thác khoáng sản để đối phó hình thức xử lý tịch thu phương tiện vi phạm; Tập kết bến bãi kinh doanh không phép, kinh doanh cát, vật liệu xây dựng không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc hợp pháp, sử dụng hợp đồng, hóa đơn chứng từ giả để hợp thức hóa nguồn gốc cát bất hợp pháp để đưa vào san lấp trong dự án. 

Hiện, hoạt động khai thác cát trái phép cũng diễn ra phức tạp tại lòng hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ đông, sông Đồng Nai, sông Thị Tính và cửa biển Cần Giờ. 

 Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng ban ngành ra quân trấn áp nạn khai thác cát trái phép trên sông.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng phòng CSMT Công an TP Hồ Chí Minh, hiện, thành phố có nguồn cát xây dựng với trữ lượng là trên 41 triệu mét khối cát xây dựng, tỉ trọng cát san lấp là trên 35 triệu mét khối. Trong đó, qui hoạch phát triển của thành phố từ 2020 tới 2030 cần 20,38 triệu khối/năm. Thành phố chỉ có 76 triệu mét khối nhưng nhu cầu cần cao hơn nhiều.

Một vụ hút cát trái phép bị bắt giữ tại khu vực Đồng Nai sử dụng thuyền nhỏ nhưng trang bị thiết bị bơm hút công suất lớn.

Các đối tượng cát" tặc" bị phát hiện bắt giữ 

Nạn hút cát trái phép không chỉ gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sạt lở đất mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và tính mạng của người dân. 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã từng thông báo kết quả kiểm tra, rà soát tình hình sạt lở trên địa bàn cho thấy vẫn còn 35 vị trí sạt lở bờ sông, kênh – rạch, trong đó 14 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 21 vị trí nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân. 

Chủ động đấu tranh, “kiên quyết, mạnh mẽ, tới cùng, không có ngoại lệ, không có vùng cấm”

Do địa bàn  thành phố có nhiều tuyến sông rộng, có đoạn rộng hơn 2km nên áp lực trong việc quản lý là rất lớn. Khó khăn mà lực lượng CSMT phải đối mặt hiện nay đó là không có phương tiện ra tới vùng cửa biển. Việc thực thi nhiệm vụ là rất nguy hiểm. Đặc biệt như tại vùng cửa biển khu vực Cồn Ngựa (Cần Giờ). Đây là nơi đang diễn ra tình trạng  khai thác cát rất “dữ” với nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi. 

Việc quản lý các tuyến sông hiện lại đang giao cho CSGT đường thuỷ và  bộ đội biên phòng. CSMT CA TP Hồ Chí Minh đã từng xử lý vụ việc 2 tàu hút cát tại khu vực Cồn Ngựa. Lực lượng của ta khi ra tới nơi chứng kiến toàn bộ các đối tượng trên tàu đồng loạt nằm trên tàu, ói mửa vì say sóng. Tình trạng như vậy xử lý rất khó. Trước mắt, bộ đội biên phòng đã thành lập ngay một chốt trấn giữ tại nơi này.

Trung tá Nguyễn Văn Đạt cho biết, thủ đoạn mới hiện nay của các đối tượng là dùng 2 phương tiện khai thác cát trái phép theo phương thức “tận thu, tận diệt”. Hai phương tiện cặp mạn sát bên nhau, phương tiện bơm hút với công suất lớn, phương tiện vận chuyển thì đối tượng mua hoặc thuê. Tàu bơm hút không có giá trị lớn nhưng thiết bị bơm hút thì có công suất lớn. 

Thủ đoạn 2 là sử dụng phương thức thuê tàu. Khi bắt được kẻ cầm đầu nhờ chủ thuê tàu ra làm việc. Sau khi giải quyết, xử lý sai phạm về nguyên tắc phải trả lại phương tiện cho người cho thuê. Tính chế tài vi phạm đã bị hạn chế, sơ hở nếu không rà soát được kỹ lưỡng các vụ sai phạm sẽ bị lọt tội. 

Nhiều vụ sau khi làm việc với người được công ty khai thác uỷ quyền, khi lên truy xét hồ sơ tại sở Kế hoạch đầu tư TP Hồ Chí Minh, thì chủ vi phạm đã thay tên, đổi chủ, việc uỷ quyền cho người lên làm việc với CSMT “hết giá trị”. Khó xử lý. 

Trước tình hình này, hiện có cơ chế phối hợp lực lượng CSMT Công an TP Hồ Chí Minh với Công an địa bàn ráp gianh như: Đồng Nai, Long An, Tiền Giang để tránh trường hợp sơ hở, bỏ lọt đối tượng vi phạm.

Cũng theo Đại tá Võ Quốc Công, dù lực lượng CSMT đã tiến hành quyết liệt nhiều hoạt động phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó có tình trạng bơm, hút cát trái phép. Tuy nhiên, trong công tác còn một số hạn chế nhất định, như: tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra kéo dài, xử lý chưa triệt để, một số địa phương bị phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa tiến hành xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ sở nơi để xảy ra tình trạng khai thác trái phép. 

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý lĩnh vực này còn nhiều bất cập, thiếu sót; trang thiết bị hỗ trợ chứng minh tội phạm, xử lý vi phạm còn thiếu, yếu. Do vậy, lực lượng CSMT cần chủ động nắm chắc tình hình và có dự báo chính xác để từ đó tham mưu cho các cấp, các ngành trong quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, không để tình hình phức tạp xảy ra. 

Đặc biệt là: chủ động nắm tình hình phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong chính sách, pháp luật để tham mưu cấp trên kịp thời. Phương châm đấu tranh xử lý vi phạm pháp luật hiệu quả trong lĩnh vực này là: “kiên quyết, mạnh mẽ, tới cùng, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không ngại va chạm, không để các hành vi vi phạm xảy ra kéo dài mà không bị xử lý”.

Năm 2020, lực lượng CA các tỉnh phía Nam đã mở 1.417 hồ sơ gồm: Điều tra cơ bản 240 hồ sơ theo dõi trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; Sưu tra 169 hồ sơ; …CA các địa phương đã phát hiện 3.521vụ, xử phạt vi phạm hành chính 7.778 đối tượng; tổng số tiền xử phạt là 29.393.600.000 đồng; tạm giữ, tịch thu 103 máy xúc, máy đào các loại; 172 xe ô tô;187 ghe tàu; 1 xà lan; 2 máy sàng; 1 tàu cuốc; 819.351m3 cát; 3.156m3 đất; 2,3 tấn quặng chì; 3.200 viên đá chẻ; 23 cây đá trụ; 31.354m3 đá. Khởi tố 25 vụ theo Điều 227 Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. 

Đặc biệt, lực lượng CSMT đã phát hiện 3.328 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên với 3.838 đối tượng, xử phạt hành chính 2.886 vụ/3.251 cá nhân, 55 tổ chức, với tổng số tiền phạt 25.469.000.000 đồng.

Huyền Nga
.
.
.