Phiên tòa giả định để tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

Thứ Sáu, 10/07/2020, 07:57
Ngày 9/7, Chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 3, Phòng Tư pháp, Hội Luật gia, Phòng GD&ĐT, Trường THCS Kiến Thiết (quận 3, TP Hồ Chí Minh) tổ chức phiên tòa giả định chuyên đề “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em”.

Nội dung vụ án được đưa ra xét xử tại phiên tòa giả định là một người đàn ông gần 50 tuổi đã có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Cụ thể, sau khi được sự đồng ý của mẹ bé gái, người đàn ông này đã đưa bé gái đi dự tiệc và lợi dụng lúc vắng người để thực hiện những hành vi xâm hại đến bé gái mới 12 tuổi. Về nhà, bé gái đã kể lại sự việc với gia đình, mẹ bị hại đã đến trình báo với Công an phường. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo mức án 2 năm 6 tháng tù giam về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, căn cứ theo Khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự.

Ở phần giao lưu, các em học sinh đặt nhiều câu hỏi liên quan đến hành vi dâm ô, các biện pháp phòng tránh bị xâm hại… Học sinh hỏi nếu như bị hại về kể với mẹ, nhưng mẹ không tin thì phải làm như thế nào?

Phiên tòa giả định góp phần Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tại trường học.

Trả lời câu hỏi này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh giải thích, trong trường hợp này, bị hại đã rất dũng cảm khi trình bày ngay với gia đình, mà cụ thể là người mẹ. Tuy nhiên, nếu mẹ không tin tưởng thì em phải báo ngay với những người thân khác, thầy cô ở trường. Đây là vấn đề mà thầy cô phải phối hợp với gia đình. Cha mẹ là những người gần gũi với con cái, các bậc phụ huynh phải tin tưởng con mình để có biện pháp kịp thời.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, tổ chức phiên tòa giả định được đánh giá là phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật rất hiệu quả. Bởi các kiến thức pháp luật trở nên dễ nhớ và được các em học sinh tiếp thu nhanh chóng. Qua đây cũng giúp học sinh hiểu hơn về các quy định pháp luật, quyền lợi của trẻ em, các kỹ năng phòng chống xâm hại, tự biết cách bảo vệ bản thân, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật.

“Cơ thể của trẻ em không ai được quyền xâm hại, hành vi xâm hại là hành vi vi phạm pháp luật và đặc biệt là xâm hại về tình dục đối với trẻ em, cần phải nghiêm trị để đảm bảo tính răn đe. Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình cần phối hợp, chung tay tạo ra những điều tốt đẹp dành cho trẻ em”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.

Nguyễn Cảnh
.
.
.