Nữ Tổng Giám đốc chiếm đoạt hơn 4,6 tỷ đồng được giảm án 13 năm tù

Thứ Ba, 23/04/2019, 17:02
Tháng 11-2018, Nguyễn Thị Hồng (SN 1971, trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) từng là Tổng Giám đốc Công ty CP Khoáng sản luyện kim Hà Nội (viết tắt là Công ty khoáng sản) bị HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên phạt 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Ngoài hình phạt tù, Toà án cấp sơ thẩm còn buộc bị cáo Hồng phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt là hơn 4,6 tỷ đồng. 

Sau phiên toà sơ thẩm, bị cáo Hồng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do: đã ly hôn chồng, con còn nhỏ, cha mẹ già yếu... Ngày 23-4, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án này.  

Bị cáo Hồng tại phiên toà phúc thẩm.

Theo bản án sơ thẩm, qua các mối quan hệ xã hội, ông Hồ Trần Lập (SN 1955, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) quen biết Hồng, khi đó đang là Tổng Giám đốc Công ty khoáng sản. Từ mối quan hệ này, Hồng đề nghị ông Lập góp vốn hợp tác, thực hiện hợp đồng xuất khẩu đồng kim loại sang Liên bang Nga. 

Theo thỏa thuận, Công ty khoáng sản sẽ mua đồng kim loại của TNHH Đầu tư Khai khoáng và Thương mại Thủ đô (viết tắt là Công ty Thủ đô) do Phan Minh Đức là Giám đốc để bán cho Công ty Vulcan- Sigma LLC Company, do ông A.A Redozubov làm Tổng Giám đốc (viết tắt là Công ty Vulcan). 

Thực hiện hợp đồng trên, ngày 7-8-2012, Công ty cổ phần Đầu tư Hồ Trần Việt Nam, do anh Hồ Trần Hưng (con trai ông Hồ Trần Lập) làm Giám đốc đã ký hợp đồng liên danh với Công ty khoáng sản về việc hợp tác kinh doanh xuất nhập khẩu đồng kim loại.

Để tạo lòng tin với ông Lập, Hồng đã đưa cho ông bản nháp Hợp đồng số 09/HMM/VS đề ngày 27-9-2012 (hợp đồng đầu ra) giữa Công ty khoáng sản và Công ty Vulcan, tài khoản mở tại một ngân hàng có trụ sở tại Liên bang Nga do ông Alexander Lazazenko làm đại diện và bản nháp tín dụng thư của ngân hàng này bảo lãnh 20.700.000 USD.

Theo trình bày của Hồng thì đây là hợp đồng đầu tiên ký kết với Công ty Vulcan nhưng Hồng chưa gặp Tổng Giám đốc Công ty Vulcan. Việc đàm phán, ký kết Hợp đồng số 9 HMM/VS chỉ thực hiện qua email giữa hai công ty và qua một người đàn ông mà Hồng biết là Việt kiều Anh, người của Công ty Vulcan. 

Quá trình xác minh cho thấy, ông Alexander Lazazenko không phải là đại diện của ngân hàng tại Nga. Ông Alexander Lazazenko khẳng định, bản nháp tín dụng thư của ngân hàng và một số giấy tờ khác do Hồng cung cấp là giả mạo. 

Ngày 1-10-2012, Công ty khoáng sản và Công ty Thủ đô ký hợp đồng mua bán sản phẩm đồng thành phẩm, giá trị gần 413 tỷ đồng. 

Theo hợp đồng này, Công ty Thủ đô sẽ giao 2.200 tấn đồng cho Công ty khoáng sản tại kho Yên Viên (địa chỉ tại huyện Gia Lâm, Hà Nội). Công ty kiểm định khối lượng và chất lượng là Vinacontrol sẽ kiểm định độc lập hàng hóa. Công ty khoáng sản có trách nhiệm đặt cọc 8 tỷ đồng cho Công ty Thủ đô trong thời gian ba ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.

Mặc dù kho Yên Viên là kho hàng của Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (Công ty Vinacomin) và thực tế không có việc Công ty Vinacomin ký hợp đồng mua bán, hợp đồng cho Công ty Thủ đô thuê, nhưng ngày 5-10-2012, Hồng vẫn đưa ông Lập đến kho hàng tại Yên Viên để kiểm tra. 

Hồng hứa hẹn, Công ty khoáng sản sẽ mua đồng kim loại của Công ty Thủ đô để bán cho Công ty Vulcan. Tin tưởng vào những tài liệu do Hồng cung cấp và được Hồng trực tiếp dẫn đi xem kho hàng nên ông Lập đồng ý thế chấp tài sản của gia đình (căn nhà ở ngõ 310, đường Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ) và đề nghị ngân hàng giải ngân 8 tỷ đồng cho Công ty Thủ đô. 

Sau khi nhận được 8 tỷ đồng, Phan Minh Đức đã chuyển 5 tỷ đồng vào tài khoản của cháu ruột của mình. Sau đó, Đức đã chuyển cho Hồng 1,3 tỷ đồng. 

Để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Lập, Hồng còn dùng thủ đoạn rất tinh vi khác. Ngày 11-10-2012, Hồng đưa đại diện ngân hàng đến kho Yên Viên để xem đồng kim loại. Sau đó, Hồng đề nghị ngân hàng ký vào biên bản xác nhận hàng hóa có nội dung, Công ty Thủ đô đã tập kết đủ 2.000 tấn đồng thành phẩm tại kho Yên Viên. 

Mục đích của Hồng là để đối tác trong và ngoài nước tin tưởng là Công ty khoáng sản đã có hàng hóa, và có căn cứ để phía ngân hàng bên Nga mở tín dụng thư. Sau đó, Hồng chuyển biên bản xác nhận hàng hóa này cho Công ty Thủ đô để Đức ký, đóng dấu, chuyển lại cho Hồng..

Nhằm hợp thức hóa số tiền hơn 6,3 tỷ đồng đã nhận của Đức, Hồng tự lập phiếu chi khống và nhiều lần đòi Đức hơn 1,6 tỷ đồng nhưng Đức khất lần. 

Đến năm 2014, Đức trả Hồng được thêm 300 triệu đồng, số còn lại thì đến nay chưa hoàn tất. Bằng việc đưa ra những tài liệu, thông tin liên quan đến việc ký hợp đồng, xuất khẩu đồng với phía đối tác nước ngoài, với số tiền lớn và tạo dựng việc ngân hàng của nước ngoài bảo lãnh để tạo niềm tin, Hồng đã chiếm đoạt số tiền lớn của gia đình ông Lập với sự giúp sức của Đức. 

Trước khi mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án này, TAND TP Hà Nội đã trả hồ sơ đề nghị xem xét hành vi của Đức có dấu hiệu đồng phạm với Hồng. Tuy nhiên, Viện KSND tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm không xem xét xử lý hình sự đối với Đức.  

Tại phiên xử phúc thẩm, bị hại trong vụ án là ông Hồ Trần Lập đề nghị giảm án cho bị cáo Hồng. Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX phúc thẩm quyết định giảm án cho bị cáo Hồng từ 20 năm tù xuống còn 7 năm tù. 

Như vậy, bị cáo Hồng sẽ phải thi hành hình phạt 7 năm tù theo đúng tội danh mà Toà án cấp sơ thẩm đã xác định.

NGUYỄN HƯNG
.
.
.