Những bài học đắt giá về công tác phòng ngừa tội phạm cướp tiệm vàng

Thứ Năm, 12/12/2019, 07:15
Những năm đầu của thế kỷ 21, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam xảy ra hàng loạt vụ giết, cướp tài sản tại các tiệm vàng, gây hoang mang dư luận; nhiều chủ tiệm vàng giải nghệ...


Từ đầu năm 2019 đến nay cả nước xảy ra gần 20 vụ cướp tiệm vàng (CTV). Bốn vụ gần đây nhất là CTV Thông Phương ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) vào ngày 15-11; CTV Kim Hồng ở xã Nhị Thành, Thủ Thừa (Long An) vào ngày 29-11; CTV Nơi Duyên ở xã Đức Chánh, Mộ Đức (Quảng Ngãi) ngày 1-12 và ngày 3-12 CTV Kim Hùng ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Tuy các vụ CTV xảy ra ở nhiều địa bàn cách nhau hàng trăm cây số nhưng thủ đoạn thì đều giống nhau. Đó là đối tượng điều nghiên trước, thấy thời gian phù hợp thì dùng hung khí khống chế chủ tiệm, dùng búa đập tủ kính cướp vàng. Mà những thủ đoạn này, đáng lẽ ra các chủ tiệm vàng đều có thể “hóa giải” nếu như áp dụng theo khuyến cáo của cơ quan Công an…

Những năm đầu của thế kỷ 21, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam xảy ra hàng loạt vụ giết, cướp tài sản tại các tiệm vàng, gây hoang mang dư luận; nhiều chủ tiệm vàng giải nghệ hoặc chọn giải pháp đóng cửa một thời gian để chờ… hung thủ sa lưới! Công an các tỉnh đã xác lập chuyên án đấu tranh nhưng hung thủ thì vẫn “bóng chim tăm cá”.

Ba đối tượng bị bắt trong vụ cướp tiệm vàng Thông Phương.

Xuất phát từ thực tế đó, đầu tháng 11-2004, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) lúc bấy giờ ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo để điều tra chuyên án CTV. Có lẽ bị động nên sau đó, các vụ CTV ít dần nhưng mức độ nghiêm trọng thì lại tăng lên, nhất là sau khi bọn cướp lạnh lùng xả súng tước đoạt mạng sống của ông Doãn Mỹ, chủ tiệm vàng Kim Thanh ở quận 8.

Theo đánh giá của lực lượng phá án thì các vụ cướp tiệm vàng nói trên có thể do một băng nhóm gây ra. Song, chúng rất tinh ranh, liên tiếp thay đổi địa bàn hoạt động ở phạm vi rộng khiến cho việc khoanh vùng đối tượng gặp nhiều khó khăn…

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ năm 2004-2008, xảy ra 16 vụ CTV, đã làm 3 người bị giết chết, 5 người bị thương, tài sản bị chiếm đoạt 153 lượng vàng, gần 2 tỷ đồng, 11.160 USD… Qua phân tích các dữ liệu cho thấy, tội phạm CTV xảy ra nhiều nhất vào khoảng thời gian buổi trưa, đầu giờ chiều hoặc chiều tối, khi chủ tiệm chuẩn bị dọn hàng.

Bởi thời gian này, tiệm thường vắng khách, chủ tiệm sau một buổi hoặc một ngày làm việc bị mệt mỏi nên chủ quan. Đối tượng xông thẳng vào tiệm vàng, sử dụng vũ khí đe dọa, khống chế, bắn thẳng vào nạn nhân, sau đó đập tủ kính cướp vàng. Địa bàn hoạt động thường xảy ra nhiều hơn ở các quận, huyện ngoại thành, vì các tiệm vàng ở những địa bàn này thường rất ít quan tâm hoặc chưa có kinh nghiệm trong công tác bảo vệ.

Đặc biệt, hầu hết các chủ tiệm vàng rất mất cảnh giác trong khâu bảo vệ, vận chuyển, giao dịch tài sản. Trong số các vụ án đã xảy ra, chỉ có 2 tiệm vàng ở trung tâm thành phố có vệ sỹ chuyên nghiệp, 1 tiệm có lắp đặt camera quan sát và không có tiệm nào có gắn kính cường lực để bảo vệ tủ trưng bày vàng và cũng không có tiệm vàng nào có hệ thống chuông báo động.

Việc lắp đặt camera cũng không đảm bảo tính nghiệp vụ quan sát mà chỉ nhằm quản lý nhân viên; góc độ đặt máy từ trên cao quay xuống, nên không thể nhận rõ mặt đối tượng. Vì vậy mà tỷ lệ khám phá án đạt khá thấp chỉ hơn 30% số vụ.

Từ thực tế đó, bên cạnh công tác điều tra truy xét, Cục CSHS, Công an các tỉnh, thành còn đẩy mạnh tuyên truyền các chủ tiệm vàng nói riêng và người dân nói chung nâng cao ý thức cảnh giác để bảo vệ tài sản và góp sức giúp cơ quan Công an khám phá án. Nhờ vậy mà nhiều vụ CTV đã lần ra hung thủ.

Đặc biệt là vào năm 2011, Cục CSHS đã phát hiện và bắt giữ băng nhóm đã gây ra 8 CTV gây chấn động dư luận ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam như đã đề cập ở trên. Bọn chúng gồm các tên Huỳnh Văn Tiếm, Lê Anh Kiệt, Nguyễn Văn Nhãn và nhiều đồng bọn khác.

Giai đoạn từ năm 2010 trở lại đây, khi các chủ tiệm vàng nâng cao ý thức cảnh giác, tội phạm liên quan đến CTV giảm hẳn trong thời gian dài. Tuy nhiên, một hai năm trở lại đây, CTV xuất hiện nhiều hơn nhưng hầu hết xảy ra ở khu vực vùng ven, ngoại thành kể cả ở TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác.

Nguyên nhân chính là do chủ các tiệm vàng ở khu vực này vẫn còn quá chủ quan, không áp dụng các biện pháp phòng ngừa như khuyến cáo của cơ quan Công an. Đó là không có bảo vệ chuyên nghiệp, không có hệ thống báo động, tủ trưng bày bằng kính thường và camera đặt ở góc độ không nhìn rõ mặt.

Ngày 6-12-2019, trong buổi họp báo thông tin về vụ bắt 3 đối tượng CTV Thông Phương ở huyện Hóc Môn, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng CSHS, Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra khuyến cáo.

Việc thuê bảo vệ để trông coi tiệm là điều kiện cần thiết đầu tiên nhất. Tuy nhiên, Thượng tá Nam cũng lưu ý, bảo vệ là phải chuyên nghiệp, thuê để bảo vệ mục tiêu là chính chứ không kiêm nhiệm luôn các công việc khác. Nhiều bảo vệ ở các tiệm vàng chỉ là “tay ngang”, chủ yếu giữ xe cho khách mà không hề có chuyên môn gì cả nên gặp cướp thường chẳng có phản ứng gì.

Về camera, cần phải bố trí nhiều góc độ và có kết nối với hệ thống camera ở Công an phường. Việc này là rất quan trọng, bởi các tên cướp rất dễ “nản lòng” nếu phát hiện tiệm vàng có gắn nhiều camera quan sát. Camera còn giúp cho cơ quan Công an khám phá án được nhanh chóng hơn, hình ảnh camera càng rõ nét càng tốt. Hệ thống báo động cũng vậy, chỉ cần một thao tác nhấn nút có thể khiến tên cướp bỏ chạy nhưng rất tiếc là hiện nay các chủ tiệm vàng chưa chú ý lắm đến yếu tố này.

Cuối cùng là sử dụng kính cường lực cho các tủ trưng bày, mặc dù đều biết tác dụng của nó nhưng nhiều chủ tiệm vàng vì tiết kiệm chi phí đã không trang bị. Anh Thuận, chủ cửa hàng nhôm kính Thuận Phát (quận Thủ Đức) khẳng định: Đối với kính cường lực từ 10mm trở lên, muốn dùng búa đập vỡ không phải dễ dàng mà cần phải dùng lực mạnh và đập nhiều lần. Trong khi hầu hết các vụ CTV đều diễn ra rất nhanh chóng, tên cướp chỉ có thời gian để đập 1, 2 nhát búa thì sẽ không ăn thua…

Mã Hải
.
.
.