Hai bảo mẫu chùa Bồ Đề lãnh án 7 năm 6 tháng tù

Thứ Tư, 09/09/2015, 20:15
Ngày 9/9, TAND quận Long Biên, Hà Nội đã phiên tòa sơ thẩm xét xử “bảo mẫu” chùa Bồ Đề về tội mua bán trẻ em.

Hai bị cáo là Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, ở phường Ninh Sơn, TP Ninh Bình, Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi, ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bị hại là cháu Cù Nguyên Công, sinh năm 2013. Chị H (26 tuổi, quê ở Phú Thọ) là mẹ đẻ cháu Công có mặt tại phiên xử với tư cách đại diện hợp pháp của bị hại.

Trước tòa, Trang thanh minh rất thiếu thuyết phục về số tiền nhận của Nguyệt rằng “Đó thuần túy chỉ là tiền mà Nguyệt cho bị cáo và mẹ đẻ cháu Công để… bồi dưỡng sức khỏe”. Theo lời khai của Trang, bị cáo quen biết Nguyệt vào tháng 8/2012 và cả hai thường tâm sự với nhau vì thỉnh thoảng Nguyệt lại tìm đến chùa Bồ Đề chơi với các cháu bé trong nhà mở. 

Hai bị cáo Trang (phải) và Nguyệt tại phiên xử.

Đầu năm 2013, Nguyệt đặt vấn đề với Trang nhờ tìm cho một cháu trai khỏe mạnh để xin về làm con nuôi. Cuối năm 2013, khi chị H và anh T đưa cháu Công đến chùa Bồ Đề gửi nuôi dưỡng thì Trang đã báo cho Nguyệt để thực hiện ý đồ.

Khi HĐXX hỏi về quy trình tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ ở chùa Bồ Đề, Trang cho biết “Khi có người mang trẻ đến gửi, bị cáo sẽ được Sư trụ trì gọi đến làm thủ tục tiếp nhận. Là người được nhà chùa giao quản lý nhà mở nên bị cáo phải phân loại cháu bé, rồi giao về từng nhóm trẻ tương ứng với độ tuổi và sau cùng là phải vào sổ theo dõi trẻ ở chùa, tiến hành khai báo tạm trú với cơ quan Công an hoặc chính quyền sở tại”.

Đối với trường hợp cháu Công, Trang thừa nhận “Sau khi tiếp nhận bé trai này, bị cáo đã để ngoài sổ sách theo dõi ở chùa và cũng không khai báo tạm trú với chính quyền địa phương”. Về sự khuất tất này, bị cáo Trang khai thêm “Thời điểm cháu Công được mang đến chùa, UBND quận Long Biên đã có khuyến cáo nhà chùa không nhận thêm trẻ nữa do điều kiện nuôi dưỡng không đảm bảo. Vì thế bị cáo đã không lưu tên tuổi cháu Công vào sổ theo dõi”.    

Trả lời thẩm vấn HĐXX, bị cáo Nguyệt cũng biện minh rằng “Chỉ sau khi nhận được con trai chị H. thì bị cáo mới đưa 35 triệu đồng cho Trang và nhờ chuyển tới mẹ đẻ cháu Công… để bồi dưỡng sức khỏe”. Về mục đích, động cơ mua bán cháu Công, Nguyệt khai “Bị cáo xin cháu Công về nuôi dưỡng chỉ xuất phát từ tình yêu thương trẻ. Hơn nữa, bị cáo muốn sau này về già còn có chỗ để nương tựa!?”.

Tuy nhiên thực tế không như lời khai của Nguyệt, bởi ở thời điểm gây án, Nguyệt đã có hai con ruột ở quê, một cháu sinh năm 1991 và một cháu sinh năm 1995. Ngoài ra, Nguyệt đang nuôi hai trẻ khác, một cháu bốn tuổi và một cháu hai tuổi cũng xin từ chùa Bồ Đề.

Kết quả điều tra còn xác định, điều kiện kinh tế của Nguyệt ở thời điểm gây án rất khó khăn. Lúc ấy Nguyệt đang trong tình trạng thất nghiệp và phải sống dựa vào một người đàn ông trong gian nhà chưa đầy 20m2 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Quá trình xét xử còn làm rõ, từ năm 2012 đến năm 2014, Nguyệt quan hệ cùng lúc với hai người đàn ông, trong đó một người là chồng. Đối với người đàn ông là người tình, Nguyệt nói dối rằng, những đứa trẻ Nguyệt xin làm con nuôi là con riêng mình để lợi dụng người tình nuôi và chăm sóc giúp. Về mối quan hệ với người tình, Nguyệt khai “bị cáo không biết”.

Xác định hành vi phạm tội của hai bị cáo là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến tính nhân đạo của người Việt Nam, khiến dư luận xã hội bức xúc, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyệt 4 năm tù; bị cáo Trang 3 năm 6 tháng tù về tội mua bán trẻ em.

Theo cáo trạng của Viện KSND quận Long Biên, chị H. chung sống như vợ chồng với anh T. (31 tuổi, quê ở Tuyên Quang) dẫn đến có thai ngoài ý muốn. Cuối tháng 10/2013, chị H đã sinh một bé trai. Do sợ gia đình biết chuyện nên sau khi sinh con, chị H. và anh T. đưa đứa trẻ đến chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng.

Sư trụ trì chùa Bồ Đề đã gọi Trang, thời điểm ấy là người phụ trách nhà mở - nơi quản lý và nuôi dưỡng các cháu bé ở chùa đến làm thủ tục tiếp nhận cháu. Ít ngày sau, anh Nguyễn Thành Long, người thường làm thiện nguyện tại chùa Bồ Đề cùng một số bạn bè đến chùa thăm nom các cháu nhỏ và thấy Trang chăm sóc bé trai con chị H. nên đề nghị được làm cha đỡ đầu cháu.

Được nhà chùa chấp nhận, anh Long đã đặt tên cho bé trai là Cù Nguyên Công. Thời điểm này, Nguyệt không có việc làm ổn định và đang nhận nuôi hai cháu bé khác. Nguyệt thỉnh thoảng đi lễ tại chùa Bồ Đề nên quen biết Trang. Vì thế, Nguyệt nhờ Trang tìm cho một cháu trai khỏe mạnh để Nguyệt nhận làm con nuôi và hứa sẽ bồi dưỡng tiền cho Trang. Trang cho Nguyệt biết anh Long cũng muốn nhận nuôi cháu Công và hứa gửi công đức cho nhà chùa số tiền là 50 triệu đồng. Nguyệt đồng ý và hứa sẽ đưa cho Trang số tiền 40 triệu đồng khi nhận được cháu bé. Sau đó, Trang đã hướng dẫn chị H đến chùa Bồ Đề viết đơn xin lại con với mục đích để đưa cháu Công ra khỏi chùa. Ngày 1/1/2014, Nguyệt đã tới nhận cháu Công và đưa cho Trang số tiền như đã hứa. Sau khi nhận tiền của Nguyệt, Trang gửi 10 triệu đồng vào tài khoản của chị H, còn 25 triệu đồng Trang chi tiêu cá nhân hết. Nguyệt mang cháu Công về nuôi nhưng trong quá trình nuôi dưỡng, cháu Công bị mắc bệnh sởi nặng và tử vong vào ngày 24/6/2014.

Nguyễn Hưng
.
.
.