Giám đốc Công ty UFJ lừa đảo XKLĐ để chiếm đoạt gần 3,4 tỷ đồng

Thứ Tư, 04/05/2016, 09:39
Công ty UFJ dù không có chức năng tuyển dụng lao động làm việc ở nước ngoài, nhưng Bảo đã dùng thủ đoạn lừa dối để chiếm đoạt tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng của 36 người.

Nguyễn Văn Bảo (38 tuổi, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là Giám đốc Công ty TNHH UFJ Việt Nam (viết tắt là Công ty UFJ). Công ty UFJ dù không có chức năng tuyển dụng lao động làm việc ở nước ngoài, nhưng Bảo đã dùng thủ đoạn lừa dối để thu của 36 người lao động và chiếm đoạt tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Tiếp tay cho hành vi phạm tội của Bảo còn có giám đốc một công ty tư nhân khác.   

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, Công ty UFJ không có chức năng xuất khẩu lao động và cung ứng, quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhưng từ tháng 3-2013, Bảo quảng cáo trên mạng internet nội dung: Công ty UFJ làm được thủ tục đưa những người đã lao động tại Nhật Bản được trở lại Nhật Bản làm việc dưới hình thức “Công ty UFJ phái cử sang làm việc tại chi nhánh của công ty tại Nhật Bản”. 

Cùng với thông báo này, Bảo ra giá 13.000 USD cho một người có nhu cầu đi lao động. Với hình thức “thi tuyển”, Bảo thông báo nhiều người đủ điều kiện “trúng tuyển”. Sau đó, Bảo thuê địa điểm tại Trường Trung cấp Nghề Hà Nội và tự tổ chức học định hướng, học ngoại ngữ (tiếng Nhật), học văn hóa giao tiếp tại nước ngoài… 

Theo sự chỉ đạo của Bảo, nhân viên của Công ty UFJ đã thu của mỗi người theo học định hướng và ngoại ngữ số tiền 6 triệu đồng và chuyển lại cho Bảo. Nhận tiền xong, Bảo cam kết sẽ đưa mọi người đi lao động tại Nhật Bản với thời hạn 3 năm và có thể tăng thêm 2 năm tùy ngành nghề khác nhau. 

Đối tượng Nguyễn Văn Bảo.

Tháng 5- 2013, với lý do để ràng buộc người có nhu cầu sang lao động tại Nhật Bản, Bảo yêu cầu mọi người phải đến Công ty UFJ tại phường Yên Hòa nộp đặt cọc 50% số tiền quy định. Bảo cam kết, những người có nhu cầu đi lao động tại Nhật Bản đã nộp tiền sau ba tháng sẽ được sang Nhật Bản làm việc. Và để hợp thức hóa việc đưa người sang Nhật Bản lao động, tháng 6-2013, Bảo đăng ký thành lập Chi nhánh Công ty UFJ tại Nhật Bản.

Đến hẹn vẫn không thấy Bảo thông báo về thời gian đi lao động, những người nộp tiền đến Công ty UFJ nhiều lần nhưng đều không gặp Bảo. Gọi điện thoại thì Bảo không nghe máy. 

Những người lao động sau đó đã đến Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tìm hiểu thì mới biết, Công ty UFJ không đăng ký và không làm bất cứ thủ tục gì để đưa người lao động sang Nhật Bản. Lập tức, những người lao động đã làm đơn gửi cơ quan Công an tố cáo hành vi phạm tội của Bảo.

Quá trình điều tra còn xác định, Công ty TNHH Thương mại và tư vấn Việt Nhật do Phạm Văn Dũng (trú tại xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty. Công ty này không được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. 

Thông qua mối quan hệ xã hội, Dũng gặp và được Bảo hứa hẹn làm thủ tục đưa người sang Nhật Bản làm việc do các công ty của Nhật Bản trực tiếp tuyển chọn, thời gian làm việc là 5 năm. 

Tháng 3-2013, Dũng và Bảo đã ký “Hợp đồng hợp tác và liên kết kinh doanh” với nội dung: Công ty của Bảo sẽ tiếp nhận và sử dụng lao động từ công ty của Dũng sang làm việc cho các công ty, tổ chức hợp pháp tại Nhật Bản. công ty của Dũng phải đặt cọc cho công ty của Bảo 1.000USD/người lao động trên tổng số tiền phải đóng là 10.500USD/người lao động. 

Sau khi ký hợp đồng này, vì tin tưởng Bảo làm được thủ tục xuất khẩu lao động đi Nhật Bản nên Dũng đã thu tiền để đào tạo ngoại ngữ (tiếng Nhật), và nhận tiền “đặt cọc” của 13 người lao động với tổng số tiền 14.000 USD để đưa cho Bảo. 

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra không đề nghị xử lý hình sự đối với Dũng, nhưng yêu cầu Dũng phải hoàn trả cho các bị hại toàn bộ số tiền đã thu của họ.  

Trong vụ án này còn một số người là thành viên góp vốn của Công ty UFJ đã giúp sức cho hành vi phạm tội của Bảo. Tuy nhiên quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, các thành viên góp vốn Công ty UFJ lúc đầu không biết hành vi gian đối của Bảo nên đã giúp Bảo thu tiền của nhiều người lao động. Nhưng sau khi phát hiện ra hành vi lừa đảo của Bảo, họ đã có ý thức đòi lại tiền cho người lao động để khắc phục hậu quả. Vì thế, cơ quan điều tra không đề nghị xử lý đối với một số người liên quan.

Quá trình điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 11-2012 đến tháng 8-2014, Bảo đã trực tiếp thu và thông qua Công ty TNHH Thương mại và tư vấn Việt Nhật chiếm đoạt của 36 người lao động với tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Với hành vi phạm tội đã gây ra, Bảo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 139 của BLHS. Khung hình phạt cho tội danh này từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Nguyễn Hưng
.
.
.