Đủ các chiêu lừa trên mạng
- Cảnh giác chiêu lừa trúng thưởng iPhone X trên mạng xã hội
- Nhiều người sập bẫy chiêu lừa bán hàng qua mạng
- Nhiều chiêu lừa đảo trúng thưởng, nhận quà qua mạng xã hội
Trộm tài khoản Facebook để lừa tiền
Ngày 30-8, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bằng, chị Nguyễn Thị Thu ở xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) rất vui mừng khi được cơ quan Công an thông báo đến nhận lại số tiền 20 triệu đồng đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt.
Chị Thu cho biết, vào khoảng cuối tháng 2-2018, trong khi đang điều trị bệnh cho con tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thì chị nhận được tin nhắn messenger của con trai là Nguyễn Văn Thanh, hiện đang lao động ở Nhật với nội dung chuyển 40 triệu đồng cho Thanh để mua tiền Man Nhật với giá rẻ; đồng thời nhắn cho chị số tài khoản để chuyển tiền. Tin đó là tin nhắn của con trai, chị Thu điện thoại cho chồng thu xếp chuyển trước số tiền 20 triệu đồng vào tài khoản.
Sau khi chuyển tiền xong, chị Thu được con trai thông báo tài khoản Facebook đã bị “hack”; lúc này chị Thu biết mình đã bị lừa nên làm đơn trình báo với cơ quan Công an.
Tiếp nhận đơn của bị hại, Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Phú Thọ vào cuộc điều tra.
Đến ngày 14-8, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã làm rõ được danh tính của đối tượng lừa đảo là Lê Thừa Tiến, 22 tuổi, trú ở xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Nhóm đối tượng câu kết với người nước ngoài lừa đảo phụ nữ qua mạng. |
Tại cơ quan điều tra, Tiến khai nhận thường xuyên lên mạng nghiên cứu, tìm hiểu và học cách thức “hack” Facebook của người khác, sau đó Tiến sử dụng tài khoản Facebook “Lê Tiến” của mình rồi đăng nhập vào mục tìm kiếm nhóm “Người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Nhật Bản” để thu thập danh sách các tài khoản Facebook.
Tiến truy cập vào phần giới thiệu của tài khoản Facebook cần xem để tìm thông tin cá nhân rồi vào phần giao diện đăng nhập của Facebook đánh tên tài khoản cần “hack” rồi dò mật khẩu. Khi đã chiếm được tài khoản, Tiến vào xem mục tin nhắn messenger đọc tin nhắn để tìm hiểu mối quan hệ của chủ tài khoản với người khác.
Sau đó, Tiến sử dụng tài khoản Facebook hack được giả làm chủ tài khoản để lừa người thân của chủ Facebook này bằng cách gạ chuyển tiền để mua tiền Man Nhật với giá rẻ. Với thủ đoạn trên, Tiến đã “hack” tài khoản facebook “Thanh Kelvin” của anh Nguyễn Văn Thanh. Tài sản chiếm đoạt được đối tượng đã mua xèng và sử dụng vào chơi game.
Mặc dù chiêu trò “hack” tài khoản Facebook để lừa đảo không hề mới, tuy nhiên vẫn có khá nhiều người mắc lừa bởi thủ đoạn hết sức tinh vi.
Ngày 24-8, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thừa Tiến về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trung tá Đặng Quang Bình, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao cùng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ khuyến cáo người dân khi sử dụng Facebook không nên bấm vào link lạ xuất hiện trên màn hình vì tất cả thông tin về tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của tài khoản đó được chuyển về hộp thư điện tử của đối tượng.
Đối với những tin nhắn đề nghị chuyển tiền, người bị hại cần tìm cách xác minh bằng nhiều nguồn khác để xác định đúng người thân của mình đề nghị chuyển tiền hay không. Có như vậy mới tránh được “bẫy” của các đối tượng lừa đảo.
Quả đắng từ chuyện kết bạn, nhận quà qua mạng xã hội
Chị Nguyễn Thị T. (37 tuổi, ngụ khu phố 1A, phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại việc bị lừa mất gần 840 triệu đồng: “Khi tôi đang làm việc trong công ty thì nhận thấy điện thoại báo tin đề nghị kết bạn qua mạng xã hội từ một người đàn ông để hình nền rất điển trai. Sau khi tôi đồng ý kết bạn, đối tượng tự giới thiệu tên Yannametee Wetkama, người gốc Nhật, đang sinh sống ở Đức. Wetkama đã hỏi thăm về công việc và hoàn cảnh gia đình của tôi tỏ vẻ rất thân tình. Tôi cũng chia sẻ hoàn cảnh của bản thân, lương công nhân cũng tạm đủ sống và nuôi sống người thân”.
Khi thấy chị T. đã sắp “say mồi”, Yannametee Wetkama đã nhắn tin cho chị T. với nội dung, thông báo gửi quà cho T. là điện thoại iPhone, iPad, laptop HP, đồ trang sức bằng vàng và 500 USD. Wetkama hứa hẹn sẽ sang Việt Nam thăm chị T.
Tin tưởng, chị T. vui mừng vì có một người đàn ông “hào phóng” với mình. Tuy nhiên, T. phải trả khoản phí để nhận được phần quà trên theo quy định của nước mà Yannametee Wetkama sinh sống như, phí phạt do số tiền gửi quá lớn, phí để sắp xếp giấy tờ không phải rửa tiền, phí bảo hiểm.
Theo đó, T. đã vay nợ 838 triệu đồng chuyển vào tài khoản cho Yannametee Wetkama. Chuyển tiền xong, chị T. gọi điện và nhắn tin thì không liên lạc được với đối tượng.
Còn anh Lưu Đại D. (46 tuổi, ngụ khu 4, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) đắng lòng kể lại: “Qua mạng xã hội Facebook, tôi kết bạn với người phụ nữ tên Maguette Justine tự giới thiệu là quân nhân Mỹ, sinh sống tại Orlando, Florida. Sau nhiều lần trò chuyện tạo mối quan hệ thân tình, Maguette Justine nhờ tôi nhận và giữ cho bà ấy kiện hàng trị giá 1,2 tỷ USD gửi từ Syria (do Chính phủ Syria bồi thường tổn hại cho Maguette Justine trong chiến tranh).
Sau đó, tôi nhận được điện thoại của người tự xưng là nhân viên công ty vận chuyển hàng hóa, yêu cầu nộp tiền thuế thông quan, thuế thu nhập cá nhân, tiền phạt… để nhận hàng. Tin tưởng, tôi đã 10 lần chuyển tiền vào tài khoản khác nhau với tổng số tiền hơn 820 triệu đồng”.
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: Không chỉ có trường hợp của anh D. và chị T. Mới đây, qua mạng xã hội, chị Trần Thị U. (32 tuổi, quê Bắc Giang; tạm trú xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) kết bạn với tài khoản Pronx Josh.
Khi đã tạo được tin tưởng của chị U., chủ tài khoản yêu cầu chuyển số tiền 23 triệu đồng tiền thuế, 115 triệu đồng tiền bảo hiểm, 241 triệu đồng tiền chống rửa tiền và gần 130 triệu đồng tiền phần trăm số tiền mà Pronx Josh tặng cho chị. Tổng cộng chị U. bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 510 triệu đồng.
Đại tá Trần Văn Chính khuyến cáo, thời gian qua, trên địa bàn Bình Dương nổi lên tình trạng trên với thủ đoạn: Các đối tượng là người nước ngoài thông qua mạng xã hội để kết bạn với nạn nhân (phần lớn là nữ). Sau nhiều lần nhắn tin nói chuyện tạo niềm tin, các đối tượng gợi ý gửi quà giá trị cao, kèm theo gói hàng gửi qua Việt Nam còn có số tiền đô la lớn.
Sau đó, đối tượng câu kết với người Việt Nam giả danh nhân viên hải quan sân bay, nhân viên công ty vận chuyển… gọi điện đến nạn nhân để thông báo gói hàng đã được chuyển về Việt Nam. Để nhận được hàng, đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền với nhiều lý do như trên, và cho số tài khoản của đồng bọn là người Việt Nam.
Khi nạn nhân chuyển tiền vào thì lập tức sẽ được chuyển sang nước ngoài bằng dịch vụ E-banking và bị chiếm đoạt. Bình Dương đã xảy ra hơn 10 vụ, gây thiệt hại hơn 3,1 tỷ đồng. Phần lớn nạn nhân là nữ công nhân trong các khu công nghiệp…
Đề nghị người dân gặp trường hợp như trên nên tố giác đối tượng với cơ quan Công an để kịp thời truy bắt tội phạm, cũng như ngăn chặn không để nạn nhân phải mất tài sản.