Đề nghị huỷ án điều tra lại vụ buôn lậu thuốc ung thư giả

Thứ Sáu, 20/10/2017, 10:09
Kết thúc phần xét hỏi, sáng 20-10, phiên toà xét xử phúc thẩm vụ buôn lậu thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma đã bước sang phần tranh luận.  


Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKS cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nhận định: với hành vi nâng khống giá thuốc và làm giả hàng loạt giấy tờ để thông quan lô thuốc nhưng bản án sơ thẩm các bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên TGĐ Công ty VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (nguyên GĐ Công ty TNHH thương mại và hàng hải quốc tế H&C) tội "buôn lậu" là chưa đầy đủ, toàn diện và chưa phản ánh đúng bản chất của vụ án; có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội, từ đó dẫn đến hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã thực hiện, gây dư luận bất bình trong nhân dân. 

Mặt khác, vụ án còn nhiều vấn đề chưa được điều tra làm rõ như nhằm xử lý toàn diện, đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh, tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân. 

Cụ thể, theo phân tích của Viện, về tội danh: để nhập lô thuốc trên về VN, các bị cáo đã làm giả con dấu, hàng loạt giấy tờ giả như: giấy chứng nhận bán hàng tự do và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc của Canada, làm giả hồ sơ kỹ thuật thuốc và tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc, giấy chứng nhận kiểm nghiệm xuất xưởng lô thuốc... 

Mặt khác, ý thức của các bị cáo từ khi thoả thuận mua bán, làm đơn đặt hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc, chuẩn bị bán hàng thông qua đấu thầu, chi trước tiền huê hồng cho bác sĩ... đến khi làm thủ tục thông quan là đem hàng đi bán nhằm thu lợi bất chính, bất chấp hậu quả xảy ra. 

Do đó, hành vi của các bị cáo phải được xem xét và đánh giá toàn diện trong mối quan hệ với các chứng cứ khác, đặc biệt là kết luận giám định lại để đảm bảo xác định đúng bản chất vụ án, tội danh, trên cơ sở đó mới có đường lối xử lý vụ án đúng pháp luật. 

Ngoài ra, theo Viện, trong vụ án này, Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường đã bàn bạc từ việc xây dựng hồ sơ đến việc nhập và tiêu thụ lô thuốc. 

Các bị cáo đang nghe VKS luận tội
Để có đầy đủ thủ tục nhập khẩu Cường đã cung cấp một loạt giấy tờ chứng nhận giả xuất xứ lô hàng. Sau đó, Hùng chỉ đạo cho cấp dưới làm giả một loạt giấy tờ của phía VN. Như vậy, Hùng và Cường biết rõ, làm và sử dụng các giấy tờ giả, con dấu giả để nộp cho Cục quản lý dược để được cấp phép nhập khẩu. 

Hành vi trên có dấu hiệu tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" nhưng cấp sơ thẩm không điều tra, truy tố và xét xử Cường, Hùng và  4 thuộc cấp là bỏ lọt tội phạm. 

Đối với 3 bị cáo bị xử lý về tội "Làm giả con dấu, tài liệu...", trong đó có Phạm Anh Kiệt (nguyên TGĐ Công ty Dược Sapharco) cũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, bởi lẽ: toàn bộ hồ sơ nhập khẩu giả và làm giả hồ sơ kỹ thuật của VN Pharma cũng như mục đích phạm tội của Hùng, Cường, các bị cáo này đều biết rõ. Vì vậy, theo Viện, 3 bị cáo này có vai trò đồng phạm giúp sức cho Hùng và Cường nhưng cấp sơ thẩm chỉ  điều tra, truy tố và xét xử về tội "Làm giả con dấu, tài liệu..." là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. 

Từ những phân tích trên, VKS nhận định việc điều tra, truy tố và xét xử đối với 9 bị cáo trong vụ án này là chưa đầy đủ tội danh, còn để lọt tội phạm, hành vi phạm tội khác. 

Ngoài nội dung trên, VKS cũng nêu quan điểm về giám định của Bộ y tế. Theo đó, tại Quyết  định thành lập Hội đồng giám định lô hàng nói trên do ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục quản lý dược làm Chủ tịch Hội đồng nhưng ông này là cấp dưới của ông Nguyễn Quốc Cường - Cục trưởng Cục quản lý dược (là người đã ký văn bản cấp phép cho công ty VN Pharma nhập khẩu lô hàng trên) là chưa đảm bảo tính khách quan. 

Mặt khác, Cục quản lý dược đã tham gia tố tụng với tư cách là người phát hiện và tố giác tội phạm (Điều 25, 26 BLTTHS) nhưng sau đó lại tham gia giám định tư pháp chính lô hàng mà mình cấp phép nhập khẩu - tham gia tố tụng với tư cách là giám định tư pháp chính lô hàng mà mình cấp phép nhập khẩu (Điều 60 BLTTHS) là chưa đảm bảo tính khách quan. 

Từ các phân tích trên, theo Viện, kết quả giám định của Bộ y tế có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án. Giám định cho rằng thuốc này "không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người" nhưng cũng chính kết luận lại cho rằng đây là thuốc kém chất lượng mà không kết luận đây là thuốc giả. 

Vì vậy, cần thiết phải trưng cầu giám định lại với thành phần Hội đồng giám định khác để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng làm cơ sở cho việc xác định tội danh đối với các bị cáo được chính xác, đúng pháp luật. 

Ngoài ra, liên quan trong vụ án này, VKS nhận định cấp sơ thẩm chưa làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong Cục quản lý dược Bộ y tế có liên quan trong việc thẩm định hồ sơ và cấp phép nhập khẩu lô thuốc. Trách nhiệm của ông Phan Xuân Thiện - Phó TGĐ Phẩm là người biết rõ xuất xứ lô thuốc và biết rõ con dấu mang tên công ty Helix Canada là dấu giả nhưng vẫn để mặc cho Hùng và cấp dưới của mình thực hiện các hành vi hợp thức hoá để tiêu thụ lô thuốc trên.

Ngoài lô thuốc H-Capita 500mg Caplet, Hùng và các đồng phạm còn thực hiện các hành vi tương tự đối với 7 bộ hồ sơ của 7 loại thuốc khác lấy tên công ty Helix Canada và đã được Cục quản lý dược cấp phép nhập khẩu, đăng ký lưu hành, cần được điều tra làm rõ để xử lý chung trong cùng một vụ án để đảm bảo tính khách quan, toàn diện nhằm đánh giá đúng quy mô, tính chất của vụ án. 

Với nhận định như trên, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của VKS, tuyên huỷ toàn bộ bản án để điều tra xét xử lại. 

Sau phần đề nghị của VKS, các luật sư tham gia bào chữa bắt đầu tranh luận. 

A.Huy - Hồng Sơn
.
.
.