Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo qua mạng

Thứ Hai, 13/05/2019, 11:46
Mặc dù các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, qua điện thoại… không phải mới, nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy”, bởi đối tượng ngày càng tạo lên các tình huống khá tinh vi đánh vào tâm lý của người bị hại.


Thượng tá Nguyễn Lê Hùng, Phó trưởng Công an quận 2, TP Hồ Chí Minh, nói: “Chúng tôi liên tục nhận được đơn của bị hại liên quan đến lừa đảo qua mạng, qua điện thoại… Mặc dù báo chí đã tuyên truyền rất nhiều, cơ quan Công an cũng thường xuyên tuyên truyền các thủ đoạn lừa đảo, vậy mà vẫn có nhiều người bị lừa, thậm chí mất tiền tỷ”.

Các thủ đoạn lừa đảo chủ yếu vẫn là giả danh cơ quan điều tra gọi điện thoại dọa liên quan đến vụ án đang điều tra, chiếm tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo, thông báo trúng thưởng, đối tượng làm quen với phụ nữ trên mạng xã hội facebook rồi tặng quà, đăng tin bán hàng giá rẻ để lừa… 

Mặc dù phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này không mới, nhưng do các câu chuyện, tình huống mà đối tượng dựng lên ngày càng tinh vi, nội dung cũng phong phú hơn khiến những người nhẹ dạ cả tin “sập bẫy”. 

Như trường hợp bà Phạm Thị Thu Hương ở phường An Phú, quận 2, nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên bưu điện, thông báo bà có đứng tên mở thẻ tín dụng tại một ngân hàng ở Hà Nội và nợ số tiền gần 20 triệu đồng. 

Ngoài ra, người này cho biết, bà còn mở rất nhiều tài khoản tại Hà Nội cho bọn tội phạm rửa tiền hoạt động. Khi bà nói không mở tài khoản ở ngân hàng đó và không có liên quan thì đối tượng chuyển máy cho nhiều người khác nói là điều tra viên và thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an đang điều tra chuyên án rửa tiền, đã bắt được đối tượng cầm đầu và nhiều đối tượng khác. 

Hiện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đang có lệnh bắt giam đối với bà Hương về hành vi giúp bọn tội phạm rửa tiền và yêu cầu bà ra Hà Nội gấp để hợp tác điều tra.

Do chúng làm như thật nên sau đó bà Hương lo sợ và nhờ đối tượng giúp đỡ. Chỉ chờ như vậy, đối tượng liền yêu cầu bà chuyển số tiền tiết kiệm để kiểm tra là “tiền sạch” hay “tiền bẩn” và yêu cầu giữ bí mật! 

Nếu không chuyển tiền và bị lộ bí mật thì đến 17h cùng ngày, Công an sẽ đến bắt. Bà Hương đã làm theo lời đối tượng và đến ngân hàng rút tiền trong sổ tiết kiệm chuyển cho đối tượng 150 triệu đồng. 

Sau khi chuyển tiền, về nhà định thần, bà Hương nghi bị lừa nên điện thoại cho số điện thoại kia thì không liên lạc được, bà Hương đã đến cơ quan Công an trình báo vụ việc.

Trung tá Khương Sỹ Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận 2, TP Hồ Chí Minh cho biết, điều ma mãnh là các đối tượng giả làm sẵn các tiếng động như còi hụ, rồi thực hiện cuộc đối thoại xét hỏi giữa cán bộ điều tra với người phạm tội… 

Khi người bị hại nghe điện thoại, chúng mở đoạn âm thanh còi hụ và thực hiện cuộc “xét hỏi” của cơ quan điều tra để người gọi điện đến nghe thấy sẽ tin đây là cơ quan điều tra thật và thực hiện theo yêu cầu của chúng.

Bà Nguyễn Thị Thuý Minh ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, bị lừa chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng trên 500 triệu đồng; anh Trương Anh Tuấn ở phường Cát Lái bị lừa 50 triệu đồng; chị Lê Thị Nương ở phường An Phú bị lừa 36 triệu đồng… với các thủ đoạn tương tự.

Theo Công an quận 2, đối tượng giả danh cơ quan điều tra gọi điện thoại dọa số tiền trong tài khoản của họ có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy, vụ án lừa đảo, nợ tiền viễn thông… hoặc đã được bọn tội phạm chuyển vào tài khoản nhiều tỷ đồng. 

Chúng yêu cầu phải chuyển ngay toàn bộ số tiền tiết kiệm tại ngân hàng vào tài khoản của cơ quan CSĐT để bảo đảm an toàn, hoặc phục vụ công tác điều tra... nhưng thực chất là tài khoản của bọn chúng.

Trung tá Khương Sỹ Kiên cho biết, cơ quan Công an không bao giờ làm việc qua điện thoại, nếu có làm việc sẽ gửi giấy mời người có liên quan đến cơ quan Công an làm việc. “Người dân chú ý, nếu được mời làm việc thì đến cơ quan Công an có địa chỉ rõ ràng chứ không làm việc ở bất cứ nơi nào khác”, Trung tá Kiên nhấn mạnh.

Còn chị Trần Thị Dung ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, cũng bị lừa, nhưng không phải bị đối tượng lừa như bà Hương, mà bị một người đàn ông tầm trên 30 tuổi, xưng là nhân viên Công ty Viettel, thông báo chị trúng giải nhất là xe máy SH Mode trị giá 64 triệu. 

Đây là giải thưởng nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty Viettel. Để nhận giải thưởng, chị gửi 2 triệu đồng vào số tài khoản 0116… làm lệ phí mới chuyển xe SH vào tổ chức trao giải tại quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Ban đầu chị cũng không tin, nhưng ngay lúc đó đối tượng nói lần trước đã có người trúng giải trưởng và cho chị số điện thoại người đã trúng thưởng để chị liên hệ xác minh. Đối tượng còn gửi hình ảnh buổi lễ trao giải thưởng xe máy, ôtô, iPhone… vào Zalo cho chị xem. 

Sau khi xem hình ảnh đối tượng gửi và điện thoại hỏi người đã trúng thưởng, chị Dung liên hệ với số điện thoại ban nãy gọi để đồng ý gửi lệ phí nhận giải thưởng. Nhưng đợi mãi không thấy người đến trao giải thưởng, chị Dung liên lệ số điện thoại kia thì “ò í e”.

Theo cơ quan Công an, một số người khi xem hình ảnh đối tượng gửi cứ tưởng lễ trao giải thưởng thật, nhưng đó là hình ghép, và khi liên hệ số điện thoại đối tượng cung cấp, người bên kia là đồng bọn nói đã trúng thưởng nên bị hại tin.

Còn việc đối tượng “nước ngoài” lên mạng xã hội facebook tìm và làm quen với phụ nữ Việt Nam để lừa xảy ra khá nhiều, mặc dù báo chí tuyên truyền liên tục nhưng một số phụ nữ vẫn bị lừa.

Qua tìm hiểu, được biết đối tượng thường tìm và làm quen với phụ nữ cô đơn để lừa. Chúng vào trang cá nhân của phụ nữ tìm hiểu và biết được thông tin, sau đó tiến hành đưa “con mồi” vào tròng. 

Nhiều người không biết rằng, tài khoản đối tượng rút tiền là tài khoản không trung thực, không chính chủ, người đứng tên tài khoản cũng là nạn nhân. Đối tượng có thể lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thuê làm tài khoản ngân hàng banking.

Như một trường hợp sau khi hại phát hiện bị lừa, đã đến Công an quận 2 trình báo. Qua xác minh, Công an quận 2 phát hiện đối tượng rút tiền ở Huế, lập tức các trinh sát được cử ra Huế. Đến địa chỉ đăng ký tài khoản ngân hàng, đó là một người già gần 70 tuổi, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. 

Qua trao đổi, ông lão cho biết, có lần ông đi trên xe khách, một thanh niên nói ông đăng ký trên 10 tài khoản ngân hàng Internet banking, mỗi tài khoản người này trả cho ông 2 triệu đồng. Đối tượng nói có người nhà gửi số tiền lớn để mua nhà… nhưng do ngân hàng quy định mỗi tài khoản chỉ nhận được số tiền nhỏ, do đó nhờ ông sử dụng chứng minh nhân dân để làm tài khoản. 

Ông lão không biết Internet banking là gì và đang trong lúc khó khăn, với lại đối tượng nói “không sao”, ông được tiền chứ có mất đồng nào đâu nên ông đưa chứng minh nhân dân cho đối tượng tự tạo tài khoản ngân hàng online.

Thượng tá Nguyễn Lê Hùng, Phó trưởng Công an quận 2 cho biết, Công an quận đã chỉ đạo công an các phường, xã, tuyên truyền đến tận người dân, phối hợp với các tổ dân phố để tuyên truyền tại các cuộc họp dân, rồi đưa thông tin cảnh báo các hình thức lừa đảo lên mạng xã hội, lên các group mạng xã hội, vậy mà vẫn có nhiều người bị lừa. 

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên tuyền các thủ đoạn phạm tội để người dân nâng cao cảnh giác. Trong quá trình sử dụng mạng xã hội, người dân phải cảnh giác không để đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến hành vi lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn kịp thời và bắt giữ đối tượng”, Thượng tá Nguyễn Lê Hùng nói.

Cơ quan Công an cũng đề nghị ngân hàng cần xem lại cách cho đăng ký tài khoản Internet banking. Vì hiện tại, khách hàng đăng ký tài khoản online không cần đến ngân hàng nên đây cũng là kẽ hở cho đối tượng lấy giấy CMND của người khác để đăng ký tài khoản. 

Khi người dân đến đăng ký tài khoản tại ngân hàng, cần lấy vân tay bằng máy, hoặc yêu cầu đưa tay để so sánh với giấy CMND xem có trùng hay không, bởi có trường hợp đối tượng thay hình ảnh vào giấy CMND khác.

Nhân Sơn
.
.
.