Sao mai Thu Hà: Mạo hiểm để tạo ra cơ hội phát triển

Thứ Tư, 17/01/2018, 22:22
Thu Hà nói, chị không dựa vào Tân Nhàn để nổi tiếng, vì nếu không có tài năng, không đam mê, thì sự nổi tiếng đó cũng chỉ như hớt váng mà thôi.

Thu Hà theo đuổi con đường dài hơi hơn, bền bỉ hơn với dòng nhạc dân gian để truyền lửa cho các thế hệ trẻ niềm đam mê với dòng nhạc truyền thống này.

- Giành giải Sao Mai từ 2007 nhưng Thu Hà khá im hơi lặng tiếng, vì sao vậy?

+ Đa số mọi người sẽ chọn "bung lụa" ở ngay khoảng thời gian đó, nhưng với hoàn cảnh của tôi lúc đó, chưa có kinh nghiệm để định hướng, rồi tôi lập gia đình, tôi lựa chọn ổn định gia đình trước rồi sẽ dành thời gian và tâm sức cho sự nghiệp. Tôi cũng hơi nhút nhát trong việc giới thiệu, quảng bá mình nên ít được mọi người để ý đến. Nhưng thực ra tôi luôn cố gắng hết mình cho đam mê ca hát. 

Trong thời gian mang bầu, tôi đã ra mắt 1 album khi con gái đầu lòng ra đời, sau đó đi làm nhiều và tích cóp, tiếp tục thai nghén đứa con tinh thần thứ 2, "Ta tìm về". Và đến 2015 tôi cùng với NSƯT Việt Hoàn ra abum "Quê hương tình yêu tôi". 

Với những ca sĩ có bệ phóng về kinh tế tốt từ gia đình và người thân thì việc ra một album không quá khó khăn, còn với tôi, một người phải đi bằng đôi chân của mình, vừa lo toan cuộc sống, vừa kiếm tiền tích cóp làm nghệ thuật sẽ rất vất vả. 3 album không phải quá nhiều nhưng đó là sự nỗ lực hết lòng của tôi cho âm nhạc để cống hiến cho khán giả.

- Lựa chọn kết hợp với Tân Nhàn trong album mới của chị và Nhàn "Hai quê", ngoài việc hai người là bạn tri kỷ thì còn lý do nào khác vì Tân Nhàn khá nổi tiếng. Chị có bị áp lực không?

+ Tôi đã nghĩ đến điều này, Nhàn là người nổi tiếng, còn tôi thì không phải quá nhiều người  biết đến, nên khi kết hợp với Nhàn sẽ bị so sánh. 

Tôi rất áp lực, từ mặt hình ảnh đến kỹ thuật hát tôi phải cố gắng hơn rất nhiều, mặc dù chúng tôi là hai giọng dân gian cùng một môi trường đào tạo, cùng học một cô giáo và có nhiều ảnh hưởng đến nhau, nhưng rất may, màu giọng của tôi và màu giọng của Nhàn không giống nhau, tôi khai thác giọng trầm ấm, tình cảm còn Nhàn khai thác sự sắc nét, điêu luyện. 

Trong sự kết hợp đó mỗi người một vẻ, nên tôi tự tin hơn. Và tôi nghĩ phải có mạo hiểm thì mình mới có cơ hội phát triển. Tôi kết hợp với Nhàn là một sự mạo hiểm, nếu tôi làm tốt thì cơ hội sẽ nhiều hơn còn làm không tốt và có  sự chênh lệch lớn thì sẽ đi xuống. Rất may tôi và Nhàn đều tìm được điểm chung và kéo nhau lên.

- Nếu ai đó nói rằng, Thu Hà dựa vào Tân Nhàn để nổi tiếng, chị nghĩ sao?

+ Có thể nhiều người có suy nghĩ đó, nhưng chúng tôi chơi với nhau thì hiểu nhau, nếu không có sự nỗ lực của bản thân, thì Nhàn có kéo tôi đến đâu tôi cũng không thể phát triển được. Nhàn là gió để giúp cho diều có thể bay lên cao hơn, Nhàn giúp cho tôi điều đó và để thành công hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực của tôi.

- Chị và Tân Nhàn đều trải qua một tuổi thơ gian khó, lên Nhạc viện học với hai bàn tay trắng. Sau 15 năm, chị nhìn lại chặng đường dài của mình như thế nào?

+ Với một ca sĩ có xuất phát điểm như tôi, một cô gái nghèo, khi bước chân lên Nhạc viện không có tiền thuê nhà, phải ở nhờ nhà bác, chỉ mong một tháng kiếm được 200 ngàn để bố mẹ không phải cho đã là hạnh phúc rồi. 

Gia đình tôi làm thợ mộc, tôi từng làm mộc với bố, tôi chỉ ước mơ, học xong về tỉnh dạy là vô cùng mãn nguyện. Nhưng bây giờ, những gì tôi có hôm nay như một giấc mơ, tuy nhiên, giấc mơ đó đến từ những nỗ lực rất lớn của tôi. Ngày mới bước chân lên Hà Nội, tôi hát "Mãi yêu", "Tóc nâu môi trầm" ở đám cưới, hội chợ. Thời đó cũng nhanh chóng qua đi khi tôi gặp Tân Nhàn và bắt đầu định hình cho mình dòng nhạc yêu thích. 

Rồi may mắn, NSND Thanh Hoa mở phòng trà Aladanh. Đó là nơi chúng tôi vừa được làm nghề vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tôi và Nhàn đều trưởng thành từ phòng trà của cô. Tôi rất biết ơn cô Thanh Hoa trong những ngày tháng đó. 15 năm là một chặng đường khá dài cho sự nỗ lực vươn lên không ngừng của tôi.

- Theo xu thế, nhiều giọng ca nổi tiếng bây giờ đều đi hát nhạc bolero, chị có nghĩ giọng hát rất tình và mộc của chị cũng rất hợp với bolero không?

+ Tôi có con đường đi riêng của mình. Tất cả mọi dòng nhạc đều có giá trị riêng và có chỗ đứng trong lòng khán giả, tuy nhiên, tôi và Tân Nhàn cảm thấy rằng giọng của mình không phù hợp. Như anh Lê Minh Sơn từng nói, giọng của Tân Nhàn như một loại mắm tôm, khó trộn lẫn với gia vị khác mà không mất mùi mắm tôm. 

Niềm đam mê của tôi và Tân Nhàn với dòng nhạc này là tuyệt đối và tôi khẳng định trong chặng đường tiếp theo, tôi và Tân Nhàn không chỉ với tư cách ca sĩ theo đuổi dòng nhạc dân gian mà còn là hai giảng viên của hai cái nôi đào tạo âm nhạc lớn muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ theo đuổi dòng nhạc chính thống và dân gian nói riêng. 

Tuy nhiên, bolero đang được mọi người yêu thích, nhưng có rẽ sang không thì không bao giờ, vì mình hát không hay thì không thể truyền được tình cảm đó cho khán giả. Tôi không nghĩ rằng đã là ca sĩ thì có thể hát hay tất cả mọi dòng nhạc. Tôi và Tân Nhàn có sứ mệnh rất nặng trên vai là truyền lửa cho các thế hệ trẻ và nối dài sức sống cho dòng nhạc dân gian.

- Chị là một giảng viên thanh nhạc, đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ, chị có nhìn nhận thế nào về những người trẻ đang theo đuổi âm nhạc chính thống, phải chăng âm nhạc bây giờ đang bị thị trường hóa?

+ Thời nay, mọi thứ đều bị công nghiệp hóa rồi, thế hệ trẻ nhìn thấy các anh chị đi diễn, kiếm được nhiều tiền nên sốt ruột. Các em phải hiểu rằng, các anh chị đã đi qua những ngày vất vả như thế nào. Nếu không đi con đường dài, bền bỉ thì sẽ không thành công, giống như mỡ nổi, nếu mình hớt váng ấy đi sẽ thấy không còn gì. 

Phải nuôi dưỡng niềm đam mê của mình một cách bền bỉ mới phát triển được. Tôi và Tân Nhàn yêu thích dòng nhạc này và muốn truyền tình yêu và thái độ làm nghề tử tế đó tới các em. Dòng nhạc này không ầm ĩ, nhưng nó bền bỉ thấm sâu vào đời sống. Cứ yêu, cứ đam mê,  các em sẽ nhận được những thành quả tốt.

- Nhiều bạn trẻ theo đuổi con đường này không phải vì đam mê, vì yêu mà nghĩ nó có danh tiếng và tiền bạc?

+ Các em sẽ phải trả giá cho điều đó, vì nghệ thuật rất khắc nghiệt. tôi vẫn trò chuyện với học trò của tôi về con đường khổ luyện của các tài năng, để các em bớt choáng ngợp trước hào quang. Ngày xưa, tôi từ tỉnh lên học Nhạc viện, ở tỉnh  tôi thấy mình hát hay lắm rồi, lên đó mình sẽ nổi tiếng ngay. Nhưng ra Hà Nội, tôi thấy mình chỉ là một hạt cát trong sa mạc, không có con đường nào khác ngoài học và khổ luyện.

- Thực tế, dòng nhạc này bây giờ khá nhiều người theo đuổi vì nó có đất sống, thậm chí kiếm được nhiều tiền. Nhưng để bật lên thành một tên tuổi rất khó. Sau Anh Thơ, Tân Nhàn, chưa dễ dàng có một cái tên. Theo chị vì sao?

+ Vì bây giờ chúng ta phải nghe rất nhiều giọng na ná Anh Thơ, Tân Nhàn, rất khó nhận ra giọng của một ca sĩ trẻ theo dòng nhạc này, vì các em hay bắt chước đàn chị mà không tạo ra bản sắc riêng. Đó là một sai lầm khiến các em đánh mất chính mình. 

Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng phải hát từ cái tình riêng, mỗi người có một thế mạnh, hãy mạnh dạn khai thác thế mạnh của mình hơn là đi bắt chước người khác dù họ là ca sĩ nổi tiếng. Khi hát, tôi chỉ chú ý đến cái tình đầu tiên, không bị kỹ thuật lấn lướt để giọng hát của mình khác các nghệ sĩ khác, tôi chọn những bài hát giầu cảm xúc, lời văn hay để khai thác tình trong đó.

- Chị bây giờ có một cuộc sống khá viên mãn, đủ đầy, chị nghĩ đó là một lợi thế hay hạn chế của người đàn bà hát như chị?

+ Mỗi người đều có một cuộc đời, không ai hoàn hảo và hạnh phúc trọn vẹn cả, tôi bằng lòng với những gì mình có và hài lòng với những gì mình đạt được hôm nay. Có thể trong sự nghiệp, tôi chưa được cái này, cái nọ, nhưng tôi đã luôn nỗ lực hết mình. 

Trong cuộc sống, tôi luôn đặt ra mục tiêu để phấn đấu nên thành quả thế nào thì tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì mình đã nỗ lực. Thực ra, ở trong mỗi con người đều có khoảng trống riêng. Còn sự nổi tiếng hay không, nhiều khi cũng tùy duyên nữa. Có nhiều người nổi tiếng nhưng không phải họ hát quá hay. 

Nên tôi nghĩ, điều quan trọng là cứ yêu, đam mê và cố gắng hết mình cho đam mê đó, chúng ta sẽ gặt hái được những thành quả. Tôi bây giờ đã có một lượng khán giả riêng, yêu thích giọng hát của mình, ít nhiều đó là sự thành công  với tôi rồi.

- Cảm ơn chị. 

Hạnh Nguyên (thực hiện)
.
.
.