Những người "bạn" của khỉ

Thứ Năm, 28/01/2016, 08:15
Khỉ bây giờ dạn dĩ, liều lĩnh hơn 30 năm về trước, khi những đàn khỉ đầu tiên của Cần Giờ được thuần hóa. Nhưng dù thế thì loài khỉ vẫn giữ được sự tinh nghịch và luôn tạo niềm vui cho con người. Về đảo khỉ (Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) gặp những người "bạn" của khỉ, chúng tôi ghi nhận được nhiều câu chuyện thú vị xung quanh loài động vật này.


Đặc tính bí ẩn

16 năm gắn bó ở đảo khỉ, anh Nguyễn Hữu Trước kể rằng: "Loài khỉ có một đặc điểm là khi già chúng tự động lui vào trong rừng sâu rồi "bí mật" chết. Bao nhiêu năm ở đây, chưa có một ai nhìn thấy giờ phút lìa trần của loài khỉ, thậm chí một bộ hài cốt cũng không thấy".

Không ai giải thích được đặc điểm này của khỉ và mặc nhiên xem đó là một bí ẩn chưa có lời giải. Không chỉ chết, mà ngay cả sinh sản khỉ cũng kín đáo, tuyệt đối không để cho con người biết. Sau khi sinh con xong, khỉ mẹ sẽ ôm con ra ngoài bìa rừng rồi hòa vào đàn. Trong suốt một năm đầu tiên, khỉ con sống trong sự bao bọc của mẹ, bú sữa mẹ lớn lên.

Một chú khỉ ở đảo biểu diễn xiếc.

Tình mẫu tử của loài khỉ cũng khiến những người chăm sóc cảm động. Khỉ con chẳng may bệnh tật hay vì lý do gì mà chết, khỉ mẹ sẽ ôm ấp vào lòng cả ngày cả đêm, mặc cho sự phân hủy phát ra mùi hôi thối vô cùng khủng khiếp, khỉ mẹ sẽ vẫn ôm con cho đến khi thịt xương khỉ con tan rữa ra mới thôi. Loài khỉ không có tuyến lệ, tức là không bao giờ có nước mắt. Nhưng chúng biểu lộ cảm xúc bằng khuôn mặt. Khi buồn, mặt chúng nhăn lại, khi vui thì nở ra.

Đặc biệt, khi đau khổ, mất mát một đồng loại nào đó trong đàn, chúng chỉ ngồi ủ dột một chỗ, mặt sệ xuống, miệng ngậm lại, trạng thái đầy não nề.

Mùa sinh sản của khỉ kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 và từ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm. Thời gian khỉ mang thai từ 160 -170 ngày (khoảng 5 tháng). Khỉ khác các loài động vật khác là chúng không "yêu" cận huyết. Đến tuổi sinh sản, khỉ sẽ đi tìm bạn tình của mình ở đàn khác, rồi kết bạn.

Trong một đàn luôn có khỉ đầu đàn chỉ huy mọi hoạt động và khống chế luôn cả việc "quan hệ" giữa các cá nhân khỉ trong đàn. Với số lượng bầy khỉ hàng nghìn con, nhưng chỉ có những người chăm sóc, bảo vệ mới nhận biết được đâu là khỉ đầu đàn và con nào có tuổi đời nhiều nhất.

Du khách thích thú xem khỉ.

Theo anh Trước, khỉ đầu đàn luôn ở phía sau, lặng lẽ theo dõi hoạt động của đàn. Nó trông có vẻ rất hiền lành, lầm lũi và không tơm tớp khi thấy người. Nó chỉ xuất hiện và ra tay khi trong đàn gặp nguy hiểm. Nó sẵn sàng xả thân nghinh chiến với khỉ đầu đàn khác để thị uy vị thế và bảo vệ đồng loại. Với vai trò đó, sự đấu đá tranh giành quyền chỉ huy trong đàn khỉ rất khốc liệt. Một khi con đầu đàn tỏ ra yếu đuối và xuống sức, lập tức các con khác trong đàn nhăm nhe giành ngôi vị. Cuộc soái ngôi đổi chủ diễn ra bằng một trận giao tranh một mất một còn, con nào thắng sẽ giành quyền kiểm soát trong đàn và nghiễm nhiên được phong "soái ca".   

Những ngày đầu làm nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ khỉ ở đảo, anh Trước gặp phải không ít khó khăn, từ việc giờ giấc sinh hoạt đến đặc tính của loài khỉ. Anh phải học, phải tìm tòi, theo dõi tỉ mỉ từng hoạt động của khỉ. Chúng thích ăn gì, uống gì, loại lá cây gì? Huấn luyện làm sao để vẫn giữ nguyên được sự hoang dã, bầy đàn của khỉ vừa tạo cho chúng thái độ hiền hòa, lịch sự với con người.

Ngày xưa, khỉ rất nhát người, hễ thấy khách du lịch là chúng lảng tránh rồi đứng từ xa nhòm ngó. Nhưng rồi càng ngày, khỉ dạn dĩ hơn, liều lĩnh hơn. Những người "bạn" của khỉ thừa nhận, nguyên nhân là do con người. Con người xem khỉ như trò chơi, đùa cợt, trêu ghẹo thậm chí là cấu véo chúng, nhử đồ ăn cho khỉ lao ra cướp, rồi cười hả hê khoái chí.

Sau nhiều lần bị vờn, bị làm trò cười, loài khỉ dần chai sạn với những trò nghịch ngợm oái oăm của con người, chúng không sợ sệt nữa mà sẵn sàng nhảy vào cào cấu, cắn xé để cướp thức ăn, nước uống từ tay du khách.

Anh Nguyễn Đức Tân, Trưởng Ban quản lý khu di tích lịch sử căn cứ Rừng Sác - Cần Giờ, đơn vị quản lý trực tiếp đảo khỉ cho biết: "Khỉ rất tinh tế và nhạy cảm, chúng thường nhằm vào khách là trẻ em, phụ nữ để trêu ghẹo và cướp đồ ăn. Đặc biệt những em gái mặc đầm xinh xắn, chúng tôi luôn phải nhắc nhở phụ huynh coi chừng các cháu, không để các cháu tiếp cận trực tiếp với khỉ. Vì chỉ cần một động tác chồm lên người, cũng sẽ làm trầy xước da thịt con trẻ, khiến trẻ sợ hãi, hoảng loạn".

Nhân viên cho khỉ ăn.

Mùa xuân trên đảo khỉ

Theo chân những nhân viên chăm sóc khỉ mới thấy được tình cảm của họ với bầy khỉ gần gũi, thân thuộc đến nhường nào. Mặc dù số lượng khỉ trong đảo không ngừng gia tăng mỗi năm, nhưng việc chăm sóc, quản lý được làm theo quy trình rất chuyên nghiệp. Hầu hết cán bộ, nhân viên bảo vệ khỉ đều nắm rõ quy luật sinh hoạt, vui chơi giải trí của bầy. Mặt khác, khỉ cũng đã quen với những "khuôn mặt" hằng ngày cho chúng ăn, quen từng giọng nói, tiếng bước chân của người chăm sóc.

Lang thang ở đảo khỉ, chúng tôi tình cờ gặp được ông Vương Đình Bơ (68 tuổi), cư dân sống ở Cần Giờ trên 30 năm, là người yêu khỉ hơn bất cứ loài vật nào. Ông Bơ là một trong số ít cán bộ của Lâm viên Cần Giờ (đơn vị trước đây quản lý đảo khỉ) có công lao rất lớn trong việc đưa khỉ về đảo và giữ chân khỉ ở đảo.

Ông Bơ kể, hơn 30 năm trước, rừng đước Cần Giờ không được xanh ngút ngàn, dày đặc như bây giờ. Lúc ấy rừng Cần Giờ đang hồi sinh sau những năm tháng "mưa bom bão đạn" và chất độc da cam của Mỹ rải xuống. Khỉ Cần Giờ bị bom giội, bị chất độc hóa học hủy diệt gần hết, một vài con may mắn sống sót phải vượt sông Đồng Nai đi lánh nạn. Khi những vạt rừng chàm, bầm, mắm, đước dần đâm chồi nảy lộc, khỉ bắt đầu tìm đường trở về.

Thời gian đầu, chúng còn sợ hãi, hoảng loạn nên tìm mọi cách lẩn trốn con người. Hễ đánh hơi thấy "mùi người" là chúng ra hiệu cho nhau lặn mất tăm. Những cán bộ Lâm viên như ông Bơ ngày nào cũng đi rình xem khỉ ở đâu, chúng sống ra sao, có bao nhiêu con? Tuy nhiên, khỉ rất tinh ranh, chúng tuyệt đối không để ai nhìn thấy. Một thời gian dài, đội của ông Bơ chỉ thu được mùi nước tiểu và phân của khỉ.

Ông Bơ suy nghĩ: "Khỉ chỉ quanh quẩn ở đây, chúng thấy con người nên lẩn trốn. Giờ chỉ cần thả thức ăn lại, duy trì một thời gian sẽ kéo được chúng về với con người". Vậy là ngày nào đi rừng, ông Bơ cũng dắt theo bọc thức ăn treo lên cành đước. Sáng hôm sau ông đến kiểm tra thì không thấy thức ăn nữa, ở dưới đất có mùi nước tiểu và dấu chân của khỉ.

Kiên trì vài tháng trời, ém binh, mai phục ở vị trí đặt thức ăn, đội của ông Bơ đã ước chừng được số lượng khỉ còn lại ở đảo, khoảng 30 con. Nhiệm vụ đặt ra cho ông Bơ và 3 cán bộ Lâm viên là phải theo dõi, duy trì và tiếp cận được 30 con khỉ duy nhất ở Cần Giờ.

Bầy khỉ đã quen với môi trường sống ở đảo, chúng ít khi đi xa.

Nhiều lần đặt thức ăn, cuối cùng khỉ đã xuất hiện trước mắt họ. Lúc đầu chúng cử vài con chuyền từ cành nọ sang cành kia, vừa tiến dần đến bọc thức ăn vừa nhìn chằm chằm vào con người để thám thính. Ông Bơ ra hiệu cho đồng đội đứng im, không cử động và nhìn lại đàn khỉ một cách rất ân cần. Vài lần giáp mặt nhau, không thấy nguy hiểm, khỉ đầu đàn bắt đầu lộ diện.

Những chú khỉ đầu tiên được thuần hóa một cách nhẹ nhàng, hiệu quả. Nhưng làm sao để kêu gọi toàn bộ đàn khỉ vài chục con đang len lỏi ở khắp các vạt rừng chàm, rừng đước bạt ngàn của Cần Giờ? Ông Bơ nghiên cứu bầy khỉ nhiều ngày trời, theo dõi lịch sinh hoạt của chúng, ông nhận thấy, khỉ đầu đàn điều khiển thành viên trong đàn bằng tiếng hú. Có nhiều cách hú, nhiều kiểu hú và tiếng hú khác nhau cho mỗi hoạt động.

Ông Bơ đã học tiếng hú của khỉ. Ông trèo lên ngọn đước, hú thật dài nhiều tiếng. Ngày đầu không nghe động thái gì, cũng chẳng thấy khỉ xuất hiện. Ngày thứ hai, ông tiếp tục hú, ông cứ hú mãi như vậy, hú đến khàn cổ, tắc tiếng. Khi ông từ trên ngọn cây tụt xuống đất thì bất ngờ thấy một đàn khỉ nhao nhao xung quanh, ông mừng đến rơi nước mắt. Thêm vài bầy khỉ nữa được thuần hóa, tạo thành một quần thể khỉ với số lượng hàng trăm con sinh hoạt tập trung ở khu vực đảo khỉ bây giờ.

Sau khi lui về ở ẩn, ông Bơ truyền dạy kinh nghiệm thuần hóa khỉ cho anh em ở lại. Theo kinh nghiệm của ông, chỉ cần đất lành thì tự nhiên khỉ sẽ tìm về. Và chỉ cần con người hiền hòa, không bắn giết, không làm hại chúng, thì loài khỉ sẽ sống bình yên mãi mãi bên cạnh con người.

Đảo khỉ hôm nay bình yên và hiền hòa, những chú khỉ dù dạn dĩ, liều lĩnh hơn ngày xưa nhưng không mất đi vẻ thông minh, tinh nghịch và dễ thương. Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, lượng khách thập phương đổ về chiêm ngưỡng, thăm thú, vui chơi ở đảo khỉ rất nhiều. Đặc biệt Tết Bính Thân năm nay, dự báo số lượng khách du lịch sẽ đông hơn mọi năm. Mọi người tới đảo khỉ với mong muốn tìm kiếm một vận may, một điều tốt đẹp sẽ đến trong năm con khỉ.

Ngọc Thiện
.
.
.