Vụ trốn truy nã 21 năm ra đầu thú, lộ chuyện thất lạc hồ sơ gốc:

Viện Kiểm sát đình chỉ bị can ma túy để "né" trách nhiệm mất hồ sơ?

Thứ Tư, 08/03/2017, 10:05
Mới đây, bà Trần Thị Điệp, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Thái Nguyên đã ký quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Chu Văn Lâm, SN 1968, trú tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh và bị can Lưu Văn Phong, SN 1964, trú tại xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. 


Trước đó, ngày 7-12-1990, bị can Lâm và Phong đã bị VKSND TP Thái Nguyên ra cáo trạng truy tố trước Tòa án nhân dân cùng cấp về tội "Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy" quy định tại Điều 96a, BLHS năm 1985. Nhưng bị can Chu Văn Lâm bỏ trốn, hồ sơ vụ án bị thất lạc. 

Sau 21 năm kể từ ngày có quyết định truy nã, đến ngày 29-3-2016, Chu Văn Lâm đến Công an tỉnh Hà Tĩnh đầu thú. Tháng 7 và tháng 8-2016, Báo CAND đã đưa tin “trốn truy nã 21 năm ra đầu thú, lộ thất lạc hồ sơ gốc”, theo đó, Viện KSND Tối cao đã chỉ đạo Viện KSND tỉnh Thái Nguyên cho kiểm tra, xử lý vụ án này theo quy định của pháp luật nhưng cả Lâm và Phong đều không bị ra tòa xét xử với lý do "hết thời hiệu"! 

Vậy VKSND TP Thái Nguyên đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì hết thời hiệu hay vì một lý do nào khác? Để có câu trả lời về vụ án này, chúng tôi ngược lại thời gian gần 27 năm về trước…

Vì sao hồ sơ tố tụng bị thất lạc?  Ảnh: minh họa

Ngày 27-6-1990, Chu Văn Lâm rủ một người bạn cùng quê từ Hà Tĩnh ra Thái Nguyên để thăm Lưu Văn Toàn (bạn cùng đơn vị bộ đội trước đây). Khi đi, Lâm mang theo khoảng 3kg thuốc phiện với ý định nhờ Toàn bán hộ. Tới nơi, Toàn không có nhà, chỉ có anh trai Toàn là Lưu Văn Phong đón tiếp Lâm và người bạn đi cùng. 

Ở chơi mấy ngày không thấy Toàn về, Lâm nói với Phong có khoảng 3kg thuốc phiện nhờ Phong tìm mối bán hộ với giá 400 ngàn đồng/kg. Phong nhận lời. Trưa ngày 7-7-1990, Phong cùng 2 đối tượng khác mang số thuốc phiện đến khu vực đường tròn Bảo tàng Việt Bắc để giao hàng, nhận tiền. 

Do đối tượng mua thuốc phiện thiếu tiền nên Phong chờ đến khoảng 19h cùng ngày rồi bỏ về thì bị Công an bắt quả tang. Qua kiểm nghiệm, cơ quan chức năng xác định số thuốc phiện có trọng lượng là 2,5kg. Ngày 13-7-1990, Công an TP Thái Nguyên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Chu Văn Lâm và Lưu Văn Phong. 

Ngoài ra, còn có một số bị can có liên quan khác, nhưng sau này đã đình chỉ điều tra. Kết thúc điều tra, hồ sơ vụ án đã được Công an chuyển sang VKSND TP Thái Nguyên đề nghị truy tố 2 bị can nêu trên. Trước đó, hai bị can Lâm và Phong đã được thay đổi biện pháp ngăn chặn, từ hình thức tạm giam sang hình thức tại ngoại.

Ngày 7-12-1990, VKSND TP Thái Nguyên ban hành Cáo trạng số 77/HSKT, quyết định truy tố Chu Văn Lâm và Lưu Văn Phong trước Tòa án nhân dân cùng cấp, nhưng bị can Chu Văn Lâm đã bỏ trốn. 

Đáng lẽ, VKSND TP Thái Nguyên phải yêu cầu bắt Lưu Văn Phong, đồng thời ra quyết định truy nã Chu Văn Lâm ngay tại thời điểm đó. Nhưng không hiểu vì lý do gì, phải tới 5 năm sau, ngày 6-10-1995, mới có quyết định truy nã đối với Chu Văn Lâm?

Trong khi bị can Lâm có quyết định truy nã thì Lưu Văn Phong vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật ngay trên tỉnh nhà, không bị một cơ quan tố tụng nào gọi, hỏi; không nhận được bất kỳ tài liệu hay quyết định nào liên quan đến việc xử lý tội danh như đã bị VKSND TP Thái Nguyên ra cáo trạng truy tố…

Đến ngày 29-3-2016, Chu Văn Lâm đến Công an tỉnh Hà Tĩnh đầu thú. Sau đó, Lâm đã được bàn giao cho Công an TP Thái Nguyên để xử lý theo thẩm quyền. Sau 3 ngày bị tạm giữ, VKSND TP Thái Nguyên đã ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đối với Lâm. Tiếp đó là quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Chu Văn Lâm và Lưu Văn Phong vì hết thời hiệu theo khoản 2, Điều 23 Bộ luật Hình sự, khoản 5 Điều 107 và điểm a, khoản 2, Điều 164, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chúng tôi cho rằng, quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can của VKSND TP Thái Nguyên là không thuyết phục, bởi theo Điều 23 Bộ luật Hình sự, ngoài khoản 2 qui định về thời hiệu; còn có khoản 3 qui định rõ hơn trường hợp nào thì vận dụng thời hiệu, trường hợp nào không vận dụng thời hiệu. 

Theo đó, nếu "người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ". Như vậy, Chu Văn Lâm là đối tượng trốn tránh và có quyết định truy nã, đến ngày 29-3-2016, Lâm mới ra đầu thú thì không thể áp dụng quá thời hiệu được.

Dư luận cho rằng, việc VKSND TP Thái Nguyên ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can chỉ nhằm "né" trách nhiệm bị mất toàn bộ hồ sơ vụ án này. Đã không còn hồ sơ và không phục hồi được tài liệu chứng cứ thì dù có muốn xử lý hình sự các bị can cũng không thể thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo, nên VKSND TP Thái Nguyên phải đưa ra lý do để khép lại vụ án mà thôi?

Kiểm chứng lại thông tin này, chúng tôi được biết, việc mất hồ sơ gốc của vụ án ở giai đoạn truy tố là có thật. Một số tài liệu hiện tại không đủ căn cứ để đưa bị can trong vụ án ma túy ra xét xử. Phải chăng, vì vậy mà VKSND TP Thái  Nguyên phải ra quyết định đình chỉ? Còn tang vật là 2,5kg thuốc phiện đã chuyển giao cho xí nghiệp chuyên doanh sử dụng và hoàn lại 750 nghìn đồng, số tiền này ai quản lý?

Qua vụ án ma túy hy hữu nêu trên, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra xem xét, có hướng xử lý thích hợp vụ án, đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm túc và thống nhất.

Minh Mẫn
.
.
.