Nhiều nạn nhân vẫn dính bẫy các đối tượng giả danh Công an

Thứ Sáu, 20/11/2015, 09:28
Thời gian qua, Công an quận 3, TP HCM liên tiếp nhận được đơn trình báo của các nạn nhân về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn dùng điện thoại bàn đòi cước điện thoại sau đó giả danh Công an gài nạn nhân liên quan đến một vụ buôn bán ma túy hay đường dây rửa tiền, lừa đảo… rồi yêu cầu nạn nhân nạp tiền vào tài khoản để kiểm tra. 

Thủ đoạn lừa đảo này đã được các phương tiện truyền thông và cơ quan chức năng cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều nạn nhân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết nên mắc bẫy…

Khoảng 16h ngày 9/11, ông N.B. (59 tuổi, ngụ phường 2, quận 3) đến Công an trình báo, lúc 9h cùng ngày, ông B. đang ở nhà thì nhận được cuộc điện thoại yêu cầu đóng số tiền gần 9 triệu đồng nợ cước. Ông B. một mực khẳng định là mình không nợ cước thì đầu dây bên kia hướng dẫn ông B. bấm số 0 để gặp một người tên Lê Thị Kim Chi.

Đối tượng tên Chi này nói ông B. bị các đối tượng khác lấy cắp số điện thoại bàn và sử dụng vào mục đích khác và yêu cầu ông B. chờ, họ sẽ chuyển máy cho ĐTV là Trung úy Đinh Quốc Bảo, Công an Hà Nội giải thích cho ông B. rõ. Người xưng là Trung úy Bảo cho biết đang điều tra một đường dây nhân viên ngân hàng cấu kết với Công an mua bán hồ sơ cá nhân để lừa đảo, trong đó có ông B.

Để làm rõ, người xưng Trung úy Bảo yêu cầu ông B. chờ để nối máy với cấp trên tên Phong. Người xưng là Phong tiếp tục hướng dẫn ông B. rút tiền trong tiết kiệm và đổi ngoại tệ ra sau đó nộp vào tài khoản mang tên Hoàng Quốc Việt- thanh tra nhà nước để kiểm tra xem tiền của ông có liên quan đến đường dây này hay không. Phong nói trong điện thoại, sau 24 giờ kiểm tra, nếu ông B. được xác minh không dính líu đến đường dây này thì số tiền ông B. gửi sẽ được hoàn trả lại, phí hoàn trả là 200 ngàn đồng.

Tin tưởng đây là tài khoản của nhà nước, ông B. đã rút số tiền tiết kiệm hơn 800 triệu đồng gởi vào tài khoản cho các đối tượng. Tuy nhiên nhiều ngày sau vẫn không thấy “cơ quan điều tra” gửi lại tiền, sinh nghi ông B. đã đến Công an trình báo...

Đây là một thủ đoạn lừa đảo tinh vi đã xảy ra liên tục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào đầu năm 2014 tuy nhiên đến nay nhiều nạn nhân vẫn bị dính bẫy. Để không trở thành nạn nhân của các đối tượng, khi nhận được số máy lạ yêu cầu chuyển tiền, nạn nhân cần tỉnh táo thông báo với Công an để làm rõ để không bị mất tiền một cách oan uổng.

Minh Đức
.
.
.