Kinh doanh thua lỗ vẫn qua mặt ngân hàng, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng
Thiếu trình độ quản lý và kinh nghiệm kinh doanh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thẩm Hường, Trần Thị Hường (38 tuổi, trú tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) rơi vào tình cảnh thua lỗ trầm trọng, không có khả năng chi trả cho một số ngân hàng và nhiều cá nhân. Trong tình cảnh đó, Hường đã nghĩ đến một thủ đoạn cực kỳ tinh vi, cố tình đưa ra những thông tin, tài liệu không đúng sự thật để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, xâm phạm đến lợi ích của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và công dân.
Sau nhiều tháng xác minh, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44) Công an tỉnh Yên Bái đã làm rõ hành vi phạm tội của Hường. Vụ án đã được chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đề nghị truy tố Hường về hai tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trần Thị Hường. |
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng PC44 Công an tỉnh Yên Bái cho biết: Trong quá trình điều tra vụ án này, các lực lượng nghiệp vụ gặp muôn vàn khó khăn. Hường là người gửi đơn và tài liệu (bị can trực tiếp cung cấp hoặc gửi qua đường bưu điện) để nhiều tờ báo đăng tải, với mục đích làm giảm uy tín của chính quyền trong nhân dân, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân; thậm chí phản ánh sai sự thật về các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thế nhưng, khi cơ quan chức năng mời đến để giải quyết thì đối tượng lại không hợp tác, không cung cấp tài liệu gốc để giải quyết dứt điểm. Không dừng lại ở đó, khi nhận các bài báo, đối tượng lại thuê người gửi đến các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh và phát tán báo đến những người dân…
Để điều tra, làm rõ vụ án, Phòng PC44 đã phải cẩn trọng làm rõ 31 tờ tài liệu do Hường gửi các báo kèm theo các đơn. Quá trình tỷ mỷ xác minh, những sai phạm của đối tượng Hường và thủ đoạn làm giả giấy tờ đã được làm rõ. Đơn cử như 11 bản sao giấy nhận nợ.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về cơ bản trông giống với giấy nhận nợ của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Chi nhánh Trấn Yên phát hành.
Tuy nhiên, nội dung của các giấy này không phù hợp với các quy định của ngân hàng và không có hồ sơ lưu giữ tại đơn vị và thực tế, không phát sinh các khoản giải ngân theo đúng như các giấy nhận nợ tại các đơn vị; không phù hợp với quy định của ngân hàng như không có chữ ký của khách hàng trên giấy nhận nợ. Trong khi nguyên tắc hợp đồng tín dụng do khách hàng và ngân hàng cùng lập và ký, mới có hiệu lực…
Và tính đến ngày 19/12/2014, Công ty TNHH Thẩm Hường còn nợ Ngân hàng NN &PTNT Chi nhánh Trấn Yên, tiền gốc và lãi hơn 3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thành Phát do ông Nguyễn Văn Thẩm (chồng Hường) còn nợ tổng cộng cả gốc và lãi hơn 14 tỷ đồng…
Thế nhưng, qua thông tin do Hường cung cấp, một số báo đã phản ánh rằng Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Chi nhánh huyện Trấn Yên đã có hành vi lập khống hồ sơ gán cho Công ty TNHH Thẩm Hường khoản nợ trên 364 tỷ đồng để lấy tiền. Kết quả làm việc xác định, 31 tài liệu do Hường gửi các báo kèm theo đơn đều là tài liệu giả mạo.
Quá trình đấu tranh, Phòng PC44 còn làm rõ, vào năm 2009, địa bàn huyện Văn Chấn phát hiện dịch lở mồm, long móng do lây lan vận chuyển từ Công ty TNHH Thẩm Hường. Căn cứ theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn trâu, bò, lợn để bao vây, dập dịch.
Tính đến ngày 20/9/2009, tổng số gia súc bị mắc bệnh là 218 con trâu, bò, lợn nhưng chỉ phải tiêu hủy 17 con lợn, còn số trâu, bò đã được chữa trị khỏi nên không phải giết, mổ bắt buộc… Vì thế, việc Công ty TNHH Thẩm Hường đề nghị hỗ trợ kinh phí do thực hiện giết, mổ bắt buộc gần 1.700 con trâu, bò… là không đúng.
Trên thực tế, số trâu, bò giống của Công ty TNHH Thẩm Hường ở huyện Trấn Yên tính đến thời điểm ngày 9/10/2009 là 94 con, trong đó có 31 con bị giết, mổ bán thịt chứ không phải là hàng nghìn con như đơn của Hường.
Nơi nhốt và giết mổ trâu bò của Công ty TNHH Thẩm Hường. |
Công ty TNHH Thẩm Hường thành lập tháng 12/2004, có địa chỉ tại khu 1, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, do ông Nguyễn Văn Thẩm (chồng của Hường) làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty, vốn điều lệ là 500 triệu đồng... Từ tháng 8/2008, công ty thay đổi người đại diện theo pháp luật là bà Hường, làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc, ngành nghề đăng ký gồm kinh doanh vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc…
Khoảng 4 năm sau đó, Công ty TNHH Thẩm Hường chuyển đổi thành Công ty cổ phần Thẩm Hường. Sau khi chuyển đổi, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Yên Bái đã nhiều lần đề nghị Công ty cổ phần Thẩm Hường đến làm thủ tục nộp lại con dấu cũ và nhận con dấu mới… nhưng công ty này không thực hiện.
Sau đó, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã thông báo đến Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, kể từ ngày 2/3/2012, con dấu của Công ty Thẩm Hường không còn giá trị sử dụng.
Để chuẩn bị cho hành vi phạm tội, Hường viết sẵn nội dung đơn, thư để khiếu kiện, tố cáo và trực tiếp thuê đánh máy đơn tại địa bàn thành phố Hà Nội. Không dừng lại ở đó, đối tượng còn thuê Ngô Thị Thanh (32 tuổi, cũng trú tại thị trấn Cổ Phúc), từng là nhân viên của Công ty TNHH Thẩm Hường, đánh máy theo nội dung Hường viết sẵn, thuê Hà Thúy Huệ (35 tuổi, ở tại huyện Trấn Yên) cũng từng là nhân viên đi phô tô, chứng thực tài liệu tại UBND thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên và UBND phường Nguyễn Phúc, TP Yên Bái. Sau đó, Hường chỉ đạo Huệ và Thanh mang đơn và tài liệu đi gửi tại Bưu điện huyện Trấn Yên theo địa chỉ do Hường viết sẵn ở trên đó…
Sau khi các báo đăng bài theo nội dung như trong đơn và tài liệu, Hường sử dụng điện thoại hoặc nhờ Thanh nhắn tin đường link và cả báo đến nhiều số điện thoại của các đồng chí lãnh đạo, các ban ngành Trung ương và địa phương để chỉ dẫn và đọc các bài báo đó trên mạng Internet; gửi báo theo danh sách, địa chỉ và và số lượng do Hường đã kê sẵn từ trước hoặc rải báo giấy tại nhiều nơi trên địa bàn thị trấn Cổ Phúc và TP Yên Bái cho người dân đọc.
Trong quá trình điều tra vụ án này, Phòng PC44 Công an tỉnh Yên Bái đã phát hiện những sai sót của một số cán bộ UBND thị trấn Cổ Phúc và một số đơn vị có liên quan trong việc công chứng, xác thực tài liệu. Chính việc không thực hiện đúng quy trình, quy định về chứng thực tài liệu của họ đã tạo điều kiện cho Hường có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội...
Mở rộng điều tra, Phòng PC44 còn xác định: Sau khi tất toán Hợp đồng tín dụng số 45/HĐTD, ngày 31/12/2009, Công ty TNHH Thẩm Hường tiếp tục ký Hợp đồng tín dụng số 82 và 84 với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Chi nhánh Yên Bái vay hơn 12 tỷ đồng. Đối với Hợp đồng tín dụng số 82, Hường chỉ trả số nợ gốc hơn 200 triệu đồng, nợ lãi được gần 60 triệu đồng; Hợp đồng tín dụng số 84, trả nợ gốc gần 500 triệu đồng, nợ lãi hơn 300 triệu đồng… Sau đó, Hường trốn tránh nghĩa vụ trả nợ đối với 2 hợp đồng này.
Để thực hiện điều đó, Hường đưa ra những tài liệu giả mạo chứng minh đã trả hết nợ tiền vay ngân hàng. Hường cung cấp cho Tòa phúc phẩm TAND Tối cao 6 tập tài liệu phôtô với nhiều giấy tờ, chứng từ giả mạo của ngân hàng để chứng minh là Công ty TNHH Thẩm Hường đã trả hết nợ cho ngân hàng trên. Ngoài ra, đối tượng còn cho rằng ngân hàng này còn thu thừa để chiếm đoạt tiền của Công ty TNHH Thẩm Hường và chiếm đoạt tiền từ tài khoản tiền gửi, với số tiền bị chiếm đoạt khoảng 20 tỷ đồng…
Kết luận giám định xác định giấy tờ Hường cung cấp là giả để chiếm đoạt tiền vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Yên Bái, với tổng tiền nợ gốc và lãi tính đến giữa năm 2015 là hơn 25 tỷ đồng. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố và thực hiện lệnh bắt tạm giam Hường về hai tội danh như trên.