Giải cứu thành công một doanh nhân nước ngoài bị bắt cóc, đòi 2,5 tỷ tiền chuộc
- Cần tiền… chữa bệnh, bắt cóc tống tiền cháu ngoại của chị gái
- Ép nợ 300 triệu đồng, nhóm cướp, bắt cóc người sa lưới pháp luật
Bài 1: Cuộc giải cứu thần tốc
Anh vẫn nhớ rõ ràng những trận đòn đau của đám giang hồ, cảm giác lành lạnh của lưỡi dao chúng gí vào cổ khi bắt gọi điện về nhà yêu cầu chuyển tiền chuộc, cảm giác sợ hãi khi bị đe dọa cắt tai, chặt chân, chặt tay nơi đất khách.
Vì thế, khi nói đến lực lượng Cảnh sát hình sự đã giải cứu cho anh an toàn trở về, dù đã khá chai sạn, bôn ba trên đường đời, giọng anh Dân vẫn nghèn nghẹn khi nói lời cảm ơn: “Tôi không nghĩ rằng mình đã được cứu nhanh đến thế. Cảm ơn Công an Việt Nam!”.
Một số đối tượng bị bắt giữ. |
Ngày 12-7, ông Trần Kỳ Lân, quản lý doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam đã gọi điện đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị giúp đỡ giải cứu ông Đường Thiệu Dân (43 tuổi), bị một đối tượng người Việt Nam tên là Nam bắt cóc vào khoảng 11h đến 12h ngày 12-7 và đang giam giữ tại một khách sạn gần khu vực Hà Nội. Đối tượng yêu cầu giao nộp 700.000 nhân dân tệ (tương đương 2,5 tỷ VNĐ) nếu không sẽ chặt tay nạn nhân.
Nhận được thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc, lãnh đạo Bộ Công an đã giao nhiệm vụ cho Cục Cảnh sát hình sự. Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự triệu tập ngay lãnh đạo Phòng 5, đơn vị có chức năng và kinh nghiệm trong việc đấu tranh với các băng nhóm tội phạm có tổ chức để lập kế hoạch giải cứu nạn nhân.
Vì vụ việc có tính chất phức tạp, lại liên quan đến tính mạng người nước ngoài nên việc giải cứu phải tiến hành trong thời gian sớm nhất, phải giải cứu tuyệt đối an toàn cho nạn nhân và bắt gọn các đối tượng gây án - đó là những mục tiêu mà Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến giao cho tổ công tác của Phòng 5 trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
Sau khi phân tích các thông tin ít ỏi nhận được từ nạn nhân (thông qua tin nhắn cho một người bạn), bằng các biện pháp nghiệp vụ, từ lúc nhận được thông tin đến suốt đêm 13-7, trinh sát của Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị chức năng của Tổng cục An ninh và Công an một số địa bàn đã lần ra được hướng di chuyển của các đối tượng bắt giữ nạn nhân.
Đến sáng 14-7, vị trí nạn nhân bị bắt giữ được các lực lượng chức năng khoanh lại là ở nhà nghỉ Hương Giang, số 308 đường Đông Côi (thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Vì nhà nghỉ này rất rộng, có đến gần 40 phòng nghỉ, hát karaoke ở 7 tầng nên việc tìm ra căn phòng các đối tượng đang giam giữ nạn nhân không đơn giản.
Lực lượng của Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an huyện Thuận Thành, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh bí mật bao vây bên ngoài khu nhà nghỉ. Một tổ công tác đã bí mật rà lại những căn phòng nghi vấn, xác định được căn phòng 701 có nạn nhân bị giam giữ và một vài tên trông coi. Ngoài ra có một nhóm khác đang thuê phòng 601 để đổi phiên canh chừng nạn nhân.
Theo kế hoạch nhanh vạch ra tại hiện trường, 2 tổ công tác sẽ đồng loạt ập vào 2 căn phòng nói trên để bắt giữ các đối tượng, không cho chúng kịp thông tin với nhau. Tổ giải cứu con tin ở phòng 701 do Đại úy Nguyễn Thành Hưng, Phó phòng 5 trực tiếp chỉ huy. Đã có nhiều kinh nghiệm trong việc bắt giữ ở các tình huống tương tự nên tổ công tác thống nhất phải hành động bất ngờ và cực nhanh.
Sau khi áp sát cửa phòng, vì phòng chốt bên trong nên tổ công tác đã dùng lực mạnh tông tung cửa phòng. Và chỉ sau 2-3 giây, các trinh sát đã dùng vũ thuật khống chế, đè 2 tên đang trông giữ nạn nhân xuống đất để tra còng số 8.
Anh Đường Thiệu Dân đang nằm trên giường vội vã lao về phía lực lượng Công an Việt Nam. Anh quá xúc động, lắp bắp không nói lên lời. Các trinh sát phải vừa nói, vừa dùng động tác để anh Dân hiểu rằng anh đã được giải cứu, không ai có thể đe dọa tính mạng của anh được nữa.
Lúc đó, tổ công tác đột kích vào Phòng 601 cũng báo lên đã bắt giữ thành công 3 đối tượng liên quan. Đó là Phạm Văn Tuấn, 24 tuổi; Phạm Văn Luân, 23 tuổi, cùng trú tại thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh và Nguyễn Văn Mùi, 37 tuổi, trú tại xã Đông Lâm, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Hai đối tượng đang canh giữ anh Dân ở phòng 701 được làm rõ là Đặng Văn Linh (23 tuổi, trú tại thị trấn Thứa, huyện Lương Tài) và Vũ Đình Dương (29 tuổi, trú tại xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Ngay sau đó, các đối tượng được đưa về trụ sở của Cục Cảnh sát hình sự để đấu tranh làm rõ.
Theo lời khai của các đối tượng và cả nạn nhân Đường Thiệu Dân, kẻ cầm đầu vụ bắt cóc này có tên là Nguyễn Văn Nam (34 tuổi, trú tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Nam làm nghề kinh doanh và từng có quan hệ buôn bán với anh Dân. Trong quá trình làm ăn, anh Dân có bảo lãnh cho một người đàn ông Trung Quốc tên là Thôi Vượng (biệt danh “Ông già”) vay của Nam số tiền khoảng 700.000 NDT (tương đương 2,5 tỷ đồng).
Do Thôi Vượng trốn nợ nên Nam đã bày ra một kế hoạch cực kỳ tinh vi nhằm lừa anh Đường Thiệu Dân từ TP Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội để tổ chức bắt giữ, gây áp lực đòi nợ (Báo CAND sẽ đăng chi tiết kế hoạch bắt cóc này trong số báo sau).
Hiện nay, đối tượng Nguyễn Văn Nam đang bỏ trốn. Cơ quan CSĐT- Bộ Công an yêu cầu Nam ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật. Nếu ai biết thông tin về đối tượng Nam, đề nghị thông báo cho Cục Cảnh sát hình sự hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời bắt giữ.