Đồng loạt kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động “tín dụng đen”

Thứ Sáu, 04/01/2019, 08:49
Trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, các công ty hoạt động “tín dụng đen” chủ yếu tập trung tại TP Huế, nhưng có trụ sở chính ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh...

Trên địa bàn Thừa Thiên - Huế hiện nay, nạn “tín dụng đen” vẫn đang hoạt động dưới nhiều hình thức và ngày càng tinh vi hơn, “núp bóng” các công ty dịch vụ, tư vấn tài chính, với các hoạt động cho thuê, mua bán ôtô, xe máy, dịch vụ cầm đồ, đầu tư bất động sản... Các công ty này chủ yếu tập trung tại TP Huế, nhưng có trụ sở chính ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh...

Trong vai người có nhu cầu vay tiền, chúng tôi đến một công ty hoạt động “tín dụng đen” thuộc loại “có tiếng” tại TP Huế. Tiếp chúng tôi là một người đàn ông to con, nói giọng Bắc, trên người có nhiều hình xăm cùng cách nói chuyện rất “át vía” người đối diện.

Cho vay tiền không thế chấp được quảng cáo tràn lan ở Huế.

Chúng tôi trình bày rằng, đang có nhu cầu vay 20 triệu đồng và trả trong khoảng thời gian 3 tháng. Ngay lập tức, ông này yêu cầu chúng tôi cung cấp chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận đăng ký xe máy, rồi cử người kiểm tra, thẩm định chiếc xe chúng tôi đang đi… Khi đã làm xong thủ tục, ông ta đồng ý cho chúng tôi vay, với thủ tục cầm cố và phương án trả nợ.

Cụ thể, chúng tôi phải nộp lại chứng minh nhân dân và giấy đăng ký xe, tiền lãi phải trả khi vay 20 triệu đồng trong 100 ngày là 4 triệu đồng. Điều này sẽ được thể hiện và hợp thức hóa bằng cách chúng tôi phải viết giấy bán chiếc xe máy mình đang đi với giá 20 triệu đồng, nhưng chỉ nhận về số tiền 16 triệu đồng, do bởi 4 triệu đồng đã trừ tiền lãi. Tiếp đến, chúng tôi phải ký thêm một hợp đồng thuê lại chính chiếc xe của mình “vừa bán” trong 100 ngày với giá, mỗi ngày 200 nghìn đồng.

Ngoài những thủ tục này, giữa chúng tôi (người đi vay) và bên cho vay sẽ không có một hợp đồng vay tiền nào khác. Như vậy, tính ra chúng tôi phải trả lãi mỗi tháng khoảng 70%, tương đương trên 80%/1 năm. Để tìm cách rút êm, chúng tôi tỏ ra vừa không hiểu, vừa bất ngờ trước những thủ tục rắc rối và số tiền lãi “khủng”, người đàn ông to con liền lên tiếng: “Công ty anh làm ăn sòng phẳng, uy tín, các em có đi đâu khác để vay thì cũng vậy thôi!”…

Thượng tá Phan Thế Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thừa Thiên - Huế cho hay, hiện nay tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có 13 tổ chức, 19 cơ sở (địa điểm) được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ và hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Riêng tại TP Huế có 124 đối tượng, 9 công ty, chi nhánh công ty, hộ kinh doanh. Ngoài ra, còn có 39 đối tượng ngoại tỉnh cũng hoạt động cho vay theo kiểu “tín dụng đen”, nhưng không có địa điểm kinh doanh cụ thể.

Người tìm đến dịch vụ “tín dụng đen” thường là học sinh, sinh viên, lao động nghèo, những người thiếu hiểu biết pháp luật, người đang kinh doanh thua lỗ hoặc quẫn bách về tài chính... Với những chiêu thức quảng cáo, mời chào hấp dẫn, tinh vi, cho vay không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, chỉ cần chứng minh nhân dân, hoặc hộ khẩu, giải ngân bằng tiền mặt, trực tiếp, tiền lãi tính theo ngày chỉ vài trăm đồng...

Tuy nhiên, người vay tiền khi đã rơi vào “vòng xoáy” của “tín dụng đen” thường dẫn đến những hậu quả nặng nề, như mất khả năng chi trả, bị khủng hoảng (thậm chí bị khủng bố) về cả vật chất lẫn tinh thần, bị hành hung và đe dọa tính mạng.

Thống kê sơ bộ, năm 2018, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra 11 vụ, việc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; trong đó, tại TP Huế xảy ra 7 vụ, thị xã Hương Thủy 3 vụ và huyện Phong Điền 1 vụ. Những vụ việc liên quan đến các hành vi như cố ý gây thương tích; bắt giữ người trái pháp luật; hủy hoại tài sản và những việc làm như: Ném đá, chất bẩn vào nhà người khác; gây sức ép về vật chất, tinh thần để đòi tiền...

Quá trình hoạt động “tín dụng đen” thường có quan hệ với các đối tượng hình sự, từng có tiền án, tiền sự; các đối tượng lưu manh, côn đồ, hung hãn, hành xử theo kiểu “xã hội đen”. Chính vì vậy, hoạt động “tín dụng đen” thường dẫn đến những vụ việc vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng ANTT địa bàn.

Trước tình hình hoạt động “tín dụng đen” gây ảnh hưởng đến ANTT địa bàn, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Công an, Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... đồng loạt kiểm tra các tổ chức, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tài chính, với những hoạt động có liên quan đến “tín dụng đen”.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an Thừa Thiên - Huế cho biết thêm: “Để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hiệu quả hoạt động “tín dụng đen”, hiện Công an tỉnh đang triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, kiên quyết không để “tín dụng đen” lộng hành, gây ảnh hưởng đến ANTT, gia tăng tội phạm…

Th.Bình- H.Tâm
.
.
.