EVN lãi hơn 820 tỷ đồng trong 2014

Thứ Ba, 02/02/2016, 18:13
Chiều 2- 2 (tức ngày 24 Tết), Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2014. Đây là giá đã được kiểm toán.

Theo đó, giá thành điện bình quân trong năm là 1.539,35 đồng/kWh, cao hơn gần 7 đồng so với giá bán điện bình quân (1.532,55 đồng/kWh). Tuy nhiên, tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2014 của EVN vẫn là 823,83 tỷ đồng.

Ông Đinh Thế Phúc – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, từ tháng 10- 2015, tổ công tác gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam… đã tiến hành kiểm tra giá thành điện năng tại các đơn vị thành viên thuộc EVN, sau đó tiến hành lập báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Bộ, và đến nay chính thức công bố. Cụ thể, năm 2014, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 128,63 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất trên hệ thống là 8,49%, thấp hơn 0,9% so với chỉ tiêu 9,39% quy định. Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 198.003,52 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh); giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 1.539,35 đồng/kWh, trong đó giá phát điện là là 1.188,86 đồng/kWh; giá thành khâu truyền tải là 81,79 đồng; giá thành khâu phụ trợ, quản lý ngành là 7,04 đồng/kWh.

Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014. Khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo Phú Quốc, Phú Quý, Lý Sơn, Côn Đảo và xã đảo Thạnh An là 142,76 tỷ đồng do giá bán diện bình quân thực tế tại các khu vực này chi bằng từ 17,53% (Thạnh An) đến 58,62% (Phú Quốc). Doanh thu bán điện năm 2014 là 197.128,89 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện bình quân ở mức 1.532,55 đồng/kWh, thấp hơn giá thành điện. Tuy nhiên, do thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2014 là 1.698,46 tỷ đồng, nên tổng thể EVN vẫn có lãi. Cụ thể, thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng là 444,25 tỷ đồng; từ hoạt động tài chính của công ty mẹ EVN, tổng công ty truyền tải điện Quốc gia và các Tổng công ty điện lực là 1.153,21 tỷ đồng; thu nhập từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần (số liệu EVN báo cáo) là 101 tỷ đồng. Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2014 của EVN là 823,83 tỷ đồng. Ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh điện thuần tuý 2014 lỗ 874 tỷ đồng. Ông Tri cũng cho rằng các số liệu này phản ánh giá điện vẫn còn quá thấp, chưa đủ bù giá thành. “Tổng thể, số lãi hơn 800 tỷ đồng vẫn quá nhỏ, trong khi đó hàng loạt các chi phí vẫn chưa được hạch toán hết, đặc biệt là chênh lệch tỷ giá”. Kết thúc năm 2014, EVN vẫn còn treo một khoản lỗ tỷ giá khoảng hơn 5000 tỷ đồng. Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá điện (lỗ chênh lệch tỷ giá) đến 31/12/2014 của Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia là 1.682,21 tỷ đồng, Tổng Công ty phát điện 1 là 641,75 tỷ đồng, Tổng Công ty phát điện 3 là 810,94 tỷ đồng, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng là 392,12 tỷ đồng và Công ty CP nhiệt điện Quảng Ninh là 1.260,46 tỷ đồng.

Về tiền thưởng của EVN trong năm ngoái và năm nay, khi Tập đoàn này công bố lãi, ông Đinh Quang Tri không đề cập trực tiếp đến câu hỏi, mà cho biết EVN được phép trích 3 quỹ bao gồm quỹ đầu tư phát triển (155 tỷ đồng), quỹ tăng trưởng và quỹ phúc lợi (187 tỷ đồng), sau khi trích quỹ xong thì phần lợi nhận của lại 173 tỷ đồng đã nộp vào ngân sách. Tiền thưởng được trích từ phần các quỹ phúc lợi, phát triển được chia theo định mức của EVN và các đơn vị trực thuộc. Hội đồng thành viên có thể thưởng cho các cá nhân hoặc tập thể xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ…

                                                          

Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII sẽ được phê duyệt trong tháng 2

Liên quan đến đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII (giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030), đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ dự kiến được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 2, trong đó tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ cao hơn, lên đến 27.000 MW đến 2030, tỷ trọng về than sẽ giảm xuống. Các nhà máy nhiệt điện than hiện nay đã và đang được xây dựng vẫn sẽ được tiếp tục cho đến hết đời dự án. Ông Đinh Quang Tri cũng bổ sung thêm thông tin cho biết hiện các nước phát triển đã từ chối tài trợ cho các dự án nhiệt điện than vì vấn đề môi trường. EVN đã gửi thư đề nghị các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ cho dự án Vĩnh Tân 4, nhưng các nước Châu Âu trả lời là họ không tham gia. Do đó, xu hướng sẽ phải tăng nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo. EVN dự kiến trong năm 2016 – 2017 sẽ xúc tiến hợp tác với các nước phát triển để làm điện mặt trời và điện gió. Chúng ta sẽ phải học tập các mô hình từ các nước phát triển. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ công nghệ điện tái tạo sạch nhưng không hề rẻ. Đây là thách thức rất lớn đối với chúng ta trong vòng 5 đến 10 năm tới. 

Vũ Hân
.
.
.