Nợ công tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm

Chủ Nhật, 24/05/2015, 15:27
Báo cáo về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo Quốc hội cho biết: Tuy chỉ tiêu về dư nợ công, nợ Chính phủ và dư nợ nước ngoài của quốc gia hiện được đảm bảo trong phạm vi giới hạn cho phép, nhưng nợ công đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm qua.

Nếu năm 2010, nợ công là khoảng hơn 1,115 triệu tỷ đồng, thì sang 2014, con số này ước khoảng gần 2,347 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% (theo quy định là không quá 25%).

Trong tổng nợ công của 2014, nợ Chính phủ là hơn 1,868 triệu tỷ đồng (khoảng hơn 850 nghìn tỷ đồng nợ nước ngoài, số còn lại là nợ trong nước), nợ bảo lãnh Chính phủ là gần 447 nghìn tỷ đồng, nợ địa phương là hơn 32 nghìn tỷ đồng. So với GDP hơn 3,9 triệu tỷ đồng, nợ công/GDP là 59,6%, tăng 5,1% so với năm 2013.

Năm 2014, Việt Nam đã ký kết 41 Hiệp định vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ với tổng trị giá hơn 4,7 tỷ USD, trong đó, 2 đối tác vay lớn nhất là Ngân hàng Thế giới (1,991 tỷ USD, chiếm 42,3%); và Nhật Bản (1,441 tỷ USD, chiếm 30,6%).

Phân bổ sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ đã được tập trung chủ yếu cho đầu tư phát triển. Tổng số vốn vay ODA, vay ưu đãi đã giải ngân trong năm 2014 ước đạt 5,42 tỷ USD, tương đương 115.153 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2014, Chính phủ đã phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị 1 tỷ USD, lãi suất coupon 4,8% để tái cơ cấu lại các khoản nợ gốc trái phiếu quốc tế phát hành năm 2005 và 2010, làm giảm đáng kể chi phí vay thương mại của Chính phủ, góp phần cơ cấu lại danh mục nợ Chính phủ theo hướng giảm áp lực chi trả nợ, kéo dài thời hạn vay.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ góp phần giảm nguy cơ mất an toàn nợ công.

Về huy động vốn vay trong nước, đã phát hành trái phiếu Chính phủ là 248.024 tỷ đồng, bằng 94,7% kế hoạch (262 nghìn tỷ đồng), tăng 18,4% so với năm 2013. Chính phủ đã tập trung phát hành trái phiếu có kỳ hạn từ 3 năm trở lên, tăng khối lượng phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Nhờ vậy, kỳ hạn trung bình trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2014 kéo dài lên mức 4,85 năm (tăng 1,7 năm so với 2013), góp phần giãn nghĩa vụ trả nợ của Ngân sách Nhà nước trong những năm sắp tới.

Lãi suất trung bình của trái phiếu phát hành năm 2014 là 6,62%/năm, giảm khoảng 1,3%/năm so với năm 2013. Việc kéo dài thời hạn phát hành trái phiếu nhằm giảm dần áp lực trả nợ ngắn hạn và giảm dần đảo nợ. Rủi ro tái cấp vốn đối với danh mục nợ trái phiếu Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng từng bước được giảm dần.

Dự kiến, trong năm 2015, phát hành trái phiếu Chính phủ là 250 nghìn tỷ đồng, trong đó, tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm là 180 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 50 nghìn tỷ đồng và kỳ hạn 15 năm là 20 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình thị trường trái phiếu Chính phủ được dự đoán là khó khăn hơn so với năm 2014.

Đánh giá chung, báo cáo của Chính phủ nhận định công tác quản lý nợ công đã được tăng cường, ngày càng tốt hơn, dần tiếp cận với các thông lệ tốt trên thế giới. Tuy nhiên, công tác tổ chức và quản lý nợ công còn có sự phân tán, thiếu sự gắn kết giữa khâu huy động vốn với khâu tổ chức thực hiện và trả nợ vay, làm bị động trong việc cân đối nguồn vay trả nợ, thanh toán, đối chiếu, quyết toán, kiểm toán số liệu về nợ công.

Sức ép vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội ngày càng lớn cùng với nhận thức về nợ công còn hạn chế, coi các nguồn vốn vay khu vực công là có sự hỗ trợ của Nhà nước, trách nhiệm trả nợ thuộc về ngân sách Nhà nước của Nhà nước nên các Bộ, ngành và địa phương thường đề xuất gia tăng quy mô, mở rộng diện huy động vốn vay, chưa được gắn kết chặt chẽ với các hạn mức nợ công, làm cho dư nợ công tăng khá nhanh (năm 2013/2012 tăng 17,9%; năm 2014/2013 tăng 20,2% và dự kiến năm 2015/2014 tăng khoảng 19,5%).

Cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững như: việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn và tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn; chi phí huy động vốn vẫn còn cao. Phân bổ sử dụng vốn vay còn dàn trải, nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt mục tiêu đề ra...

Những chỉ số hiện nay, cùng với việc Việt Nam hiện đã vào nhóm nước có thu nhập trung bình và khả năng sẽ sớm “tốt nghiệp” IDA, huy động vốn ODA giảm, chuyển sang vay ưu đãi và tiến tới hoàn toàn vay thương mại đã đặt ra nhu cầu bức thiết về việc cần có chính sách quản lý nợ chủ động hơn, đa dạng hóa hình thức vay để đáp ứng nhu cầu đầu tư, đồng thời đảm bảo an toàn về nợ công.

Vũ Hân
.
.
.