Kịch bản kích cầu lần hai của ngành du lịch Việt Nam:

Yếu tố an toàn vẫn là... số 1

Thứ Hai, 28/09/2020, 08:25
Ngay sau khi Đà Nẵng chuyển sang trạng thái mới về phòng, chống dịch COVID-19, hàng loạt địa phương cũng đã gỡ bỏ việc giãn cách xã hội đã được duy trì thực hiện khá nghiêm túc từ hơn tháng qua. 


Kỳ 1: Nỗ lực tìm hướng đi mới

Cùng với việc Chính phủ cho chủ trương mở trở lại một số đường bay quốc tế trong những ngày tới đây, ngành Du lịch đang bắt đầu cho kịch bản kích cầu lần hai, gắn với hướng phát triển đột phá mới, tránh việc mạnh ai nấy làm bằng những chương trình, kế hoạch hết sức mới mẻ so với trước, trong đó có tính đến việc đón luồng khách du lịch từ nước ngoài vào với mục tiêu đảm bao an toàn được đặt lên hàng đầu.

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2020 đến trung tuần tháng 9 này, thành phố chỉ đón trên 1.300 lượt khách quốc tế, giảm hơn 76% so cùng kỳ, đạt chưa tới 14,5% kế hoạch năm; tổng thu du lịch 8 tháng giảm gần một nửa so cùng kỳ và đạt hơn 32% so kế hoạch năm, chỉ hơn 47.000 tỷ đồng. Cùng với thực tế nhiều khách sạn tên tuổi tại khu vực trung tâm đang được treo bảng rao bán, có lẽ đây là thực tế ảm đạm nhất trong lịch sử ngành du lịch thành phố.

“Thực tế cho tới hiện nay, nhiều khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm phục vụ chủ yếu cho khách nước ngoài tại thành phố vẫn chưa thể mở cửa trở lại, kéo theo cả hệ thống cung ứng dịch vụ cho du lịch, hàng triệu lao động, hàng trăm DN cũng “ngất ngư” theo.

Nếu  các đường bay quốc tế hoạt động trở lại, số lượng chuyên gia, người lao động được phép nhập cảnh Việt Nam làm việc tuy không quá nhiều nhưng cũng sẽ góp phần kích hoạt hệ thống khách sạn, một số loại hình dịch vụ, mở dần du lịch cũng như các hoạt động kinh tế khác”, một cán bộ Sở Du lịch thành phố kỳ vọng.

Du khách rất thích thú khi trải nghiệm tại Khu di tích địa đạo Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch thành phố, thực hiện kịch bản kích cầu du lịch, nhiều khách sạn 3-5 sao trên địa bàn và các tour du lịch đang áp dụng chính sách giảm giá sâu đến gần 70%, phổ biến là ở mức gần 50%, chẳng hạn như khách sạn 5 sao Rex giảm giá gần 40%; Park Hyatt, The Odys Boutique, Liberty Central Saigon Centre,… giảm từ 30 đến trên 40%. Chương trình kích cầu được duy trì đến hết năm 2020.

Tín hiệu “làm nóng”, “giữ lửa” đáng mừng là trong diễn biến phức tạp trở lại của COVID-19, nhiều công ty du lịch lữ hành tại TP Hồ Chí Minh nỗ lực tìm hướng đi mới. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, từ đầu mùa dịch đến nay, công ty đã tổ chức trên 30 tour trong nước. Để phù hợp với thực tế, công ty tổ chức du lịch bằng hình thức Caravan khám phá các điểm đến của Việt Nam, tour nghỉ dưỡng kết hợp thiền nâng cao sức khoẻ để phòng chống dịch bệnh…

Về kế hoạch tới đây, công ty sẽ tổ chức tour khám phá vùng Đông Bắc mùa Tam giác mạch, tour chào năm mới Cà Mau – Phú Quốc. Công ty cũng sẽ phối hợp với du lịch các nước ASEAN tổ chức Caravan những điểm đến đã an toàn, quảng bá hình ảnh địa phương mà đoàn đi qua. “Nếu được cơ quan chức năng các nước cho phép, dự kiến tháng cuối 2020, chúng tôi sẽ tổ chức chuyến Caravan từ Việt Nam qua Campuchia và Thái Lan, sau đó sẽ đưa đoàn Caravan Thái Lan sang Việt Nam để giới thiệu đất nước Việt Nam là điểm đến an toàn.

Dự kiến tháng 4-2021, đơn vị sẽ tổ chức đón đoàn Caravan với khách là một số doanh nhân Mỹ vào Việt Nam để trải nghiệm, khám phá. Sau đó tổ chức Caravan đưa khách sang Nga và ngược lại để xúc tiến thương mại…”, vị đại diện của doanh nghiệp này chia sẻ.

Theo kế hoạch liên tịch được ký giữa Sở Du lịch thành phố với Hiệp hội Du lịch thành phố, vào ngày đầu của tháng 10 tới sẽ tổ chức sự kiện phát động chương trình kích cầu du lịch lần 2, hưởng ứng thông điệp “Cùng nhau du lịch an toàn” của Tổng cục Du lịch.

Từ nay đến hết năm 2020, Sở cùng Hiệp hội Du lịch vận động các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch khác xây dựng các gói sản phẩm kích cầu tham quan, trải nghiệm tại TP Hồ Chí Minh, kết nối sản phẩm liên vùng với các tỉnh, thành miền Tây và Đông Nam Bộ với mức giá ưu đãi, chất lượng phù hợp nhất với nhu cầu của từng đối tượng khách.

Tập trung thực hiện các chương trình du lịch tham quan nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng, văn hóa - lịch sử, nông thôn, dã ngoại… với nhóm đối tượng là học sinh - sinh viên, công nhân, người lao động, doanh nhân, nhóm gia đình; đẩy mạnh quảng bá: “Thành phố Hồ Chí Minh - Điểm đến an toàn”.

TP Hồ Chí Minh được xem là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, góp phần khoảng 25% tổng GDP du lịch quốc gia năm 2019; là cửa ngõ lớn nhất của cả nước, chào đón khoảng 51% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Kịch bản kích cầu du lịch lần hai của “đầu tàu” sẽ được thực hiện gắn với Bộ tiêu chí về phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn cho người dân, du khách.

“Điểm mới chính là sự cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình trọn gói hoặc từng phần dịch vụ với thời gian khuyến mại trong những tháng cuối năm 2020. Kích cầu, đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa, chuẩn bị mùa du lịch dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán; tạo điều kiện cho người dân đi du lịch trong cả nước, đặc biệt tới các điểm đến có sức hấp dẫn, đảm bảo an toàn dịch bệnh”, lãnh đạo Sở Du lịch nói thêm và thông tin về tín hiệu vui khi địa chỉ www.kichcaudulichtphcm.vn (website chính thức của chương trình kích cầu du lịch ra mắt trong đợt kích cầu du lịch lần đầu) hiện ghi nhận có gần 30.000 lượt truy cập, tìm kiếm thông tin về tour, tuyến du lịch và các sản phẩm dịch vụ, đặt biệt là các thông tin về city tour và các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn thành phố… 

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, kịch bản chính thức kích cầu du lịch lần hai đang gấp rút hoàn thiện, lấy ý kiến đóng góp từ các DN, có mở rộng đối tượng là người nước ngoài với hơn 5.000 khách quốc tế/tuần đến Việt Nam khi các đường bay quốc tế được khởi động lại. Tuy nhiên, đại diện một DN tại TP Hồ Chí Minh lưu ý rằng, tâm lý, hành vi người dân với du lịch hiện nay đã rất khác trước đây, không còn hồ hởi nữa, nhất là mùa hè đã qua và kinh tế đã “ngấm đòn”. Do vậy, trong kịch bản kích cầu lần này, ngành du lịch cần lưu ý khai thác những kỳ nghỉ gia đình vào cuối tuần, các kỳ nghỉ ngắn nhiều lần trong năm; những tour gần gũi thiên nhiên, trong đó có du lịch sinh thái – nông nghiệp, hoặc về với biển đảo,… có thể sẽ được yêu thích trong thời gian tới. Thời điểm thích hợp để “tung” gói kích cầu lần này cần được được tiến hành khi người dân cảm thấy thật sự an toàn trước dịch. Tất nhiên, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, vai trò tác động và điều phối cung cầu của Chính phủ bằng các chính sách đòn bẩy kinh tế đóng vai trò rất quan trọng. 
Thái Bình – Nh. Sơn
.
.
.