Việt Nam có tận dụng được TPP hay không vẫn là một dấu hỏi

Thứ Tư, 02/03/2016, 08:56
Ứng xử thế nào trước TPP và hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết tiếp tục là câu chuyện nóng của cả năm 2016 và những năm tiếp theo. Khi mà hội nhập là xu thế không thể cưỡng lại, và thậm chí Việt Nam còn lựa chọn chủ động tham gia nhanh hơn, sâu hơn, điều duy nhất có thể làm là tìm cách tận dụng cao nhất các lợi ích và hạn chế các tác động tiêu cực.

Đây là những điểm được các chuyên gia nhấn mạnh lại một lần nữa trong diễn đàn TPP vừa được tổ chức sáng 1-3.

Với TPP, có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho rằng Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng hưởng lợi khi tham gia. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu dựa trên nhiều giả định. Có rất nhiều việc phải làm để biến cơ hội thành lợi ích.

Ông Lương Hoàng Thái – Phó Trưởng đoàn đàm phán TPP cho rằng: Việc tham gia TPP là có cho có nhận, không phải chỉ có cơ hội mà thách thức cũng rất lớn. Tham gia TPP, chúng ta chấp nhận luật chơi chung về lao động, trợ cấp, đặt ra thách thức khiến chúng ta phải thay đổi. Ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, từ năm 1989 đến nay, Việt Nam thực sự thay đổi, trong đó thu nhập chỉ là một phần.

Tận dụng được những lợi thế TPP mang lại sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam.

Nếu nhìn vào công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá có thể thấy 3 thay đổi: Từ một nền kinh tế hoàn toàn dựa vào nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, dịch vụ; từ kinh tế khép kín sang “chơi” với tất cả không trừ một ai; và nền kinh tế dựa chủ yếu vào kinh tế Nhà nước sang dựa chủ yếu hơn vào doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài. Câu chuyện hiện đại hoá, công nghiệp hoá tại Việt Nam là vấn đề chưa có tiền lệ trong lịch sử.

Hiện nay, với các FTA và tự do hóa thương mại, cách thức sống và sản xuất kinh doanh thay đổi. Đây là bối cảnh mà Việt Nam phải đối mặt. Tức là chúng ta có yêu hay không yêu, ghét hay không ghét, thế giới vẫn bị chi phối bởi hàng trăm tập đoàn đa quốc gia. Có phê phán hay nhìn với ánh mắt thiện cảm vẫn phải bắt tay với họ, cái bắt tay chưa chắc mang lại thành công.

“Thêm vào đó, cuộc sống đòi hỏi sản phẩm xanh, sạch hơn. Công nghệ thay đổi mạnh, không chỉ làm năng suất, quản trị tốt hơn, mà còn làm sản xuất kinh doanh thay đổi theo xu hướng cá thể hoá sản xuất kinh doanh. Một người cũng có thể là một doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra vài năm nữa có thể công nhân giá rẻ không cần nữa? Việt Nam sẽ chuẩn bị gì cho tương lai đó”. Các ngành Việt Nam được hưởng lợi điển hình là dệt may, thuỷ sản, nông sản… tạo sự dịch chuyển và cơ hội chưa từng có để cải tổ ngành công nghiệp Việt Nam, vì chỉ có tạo công ăn việc làm mới có cơ hội hiện đại hóa nông nghiệp, tích tụ được đất đai. Ông Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh, trong chừng mực nhất định, TPP và FTA giữa Việt Nam – EU là 2 hiệp định cao nhất về chất lượng. Tuy nhiên, liệu Việt Nam có tận dụng được nó theo nghĩa là một động lực thúc đẩy hiện đại hóa hay không vẫn còn là một câu hỏi.

Là những người trong cuộc, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ những khó khăn phải đối mặt khi cuộc chơi quốc tế đang đến rất gần, với áp lực cạnh tranh cực kỳ lớn. Ông Trần Hoài Nam – Giám đốc Công ty Sao Nam cho rằng, hiện nay  hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam rất dễ dàng, nhưng hàng trong nước đi ra lại khó, vì thiếu trung gian, không thâm nhập được thị trường. Nhiều loại hàng hóa Việt Nam thoả mãn các yêu cầu, nhưng thay vì chủ động xuất đi được lại phải chờ nhà buôn nước ngoài vào mua một cách thụ động, rủi ro mình chịu, lợi nhuận họ hưởng. Do đó, Nhà nước cần xây dựng chính sách, hỗ trợ về tài chính, vốn vay, thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài, giúp doanh nghiệp mở chi nhanh ở nước ngoài, hiểu thêm về thị trường, có được thông tin phản hồi từ khách hàng… Nếu không, bán ở thị trường trong nước cũng còn khó, chưa nói đến việc “đem chuông đi đánh xứ người”.

Ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả rập nhắc nhở: TPP không phải là chiếc gậy thần, chìa khóa chính là các cải cách trong nước. “Năm 2011, đoàn đại biểu Việt Nam do nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc dẫn đầu sang thăm Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, tôi đã dẫn đi qua 2 con đường, mỗi bên 6 làn xe, chạy không hạn chế tốc độ, đẹp như trong mơ và chi phí đầu tư chỉ 4 triệu USD/km đường. Còn ở Việt Nam, phải hơn 20 triệu USD. Tuổi thọ của con đường là 50 năm, ta thì 2 năm chạy đã hỏng. Như vậy làm sao phát triển? TPP không giúp anh làm được việc này. Đi thăm Bộ Ngoại thương của họ, ông Phúc cũng rất ngạc nhiên, bởi muốn gặp Bộ trưởng là gặp được ngay. Họ nhập cảnh tự do, còn ở Việt Nam, muốn xin visa phải mất 17 ngày. Đó là lý do vì sao họ không có TPP, không WTO, nhưng vẫn phát triển. Muốn phát triển trước hết tự mình phải tạo ra thay đổi” - ông Khai nhấn mạnh.

Nam Phương
.
.
.