Việt Nam hiến kế thúc đẩy hợp tác khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng

Thứ Sáu, 30/03/2018, 19:34
Diễn ra trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ, 3 phiên thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS tổ chức tại Hà Nội ngày 30-3 thu hút sự quan tâm của giới doanh nghiệp với những sáng kiến và đề xuất táo bạo đến từ các đại biểu, trong đó có Việt Nam.

Khoa học công nghệ là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh

Trong khuôn khổ phiên thảo luận "Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu GMS", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội quý giá cho các nước với các tiềm năng ứng dụng mới.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trình bày bài phát biểu chính về vấn đề ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS.

Nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở các nước GMS, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất các nước cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nông nghiệp giữa các nước Tiểu vùng sông Mekong, song song với việc phối hợp giao thương, tận dụng lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa theo hành lang sông Mekong.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng gợi ý cần tăng cường đầu tư và phối hợp trong các chương trình nghiên cứu, đào tạo, khuyến nông, và nhất là tận dụng tối đa các ứng dụng của công nghệ 4.0 trong các chương trình quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý rủi ro thiên tai quy mô vùng, bảo vệ nguồn nước quý báu.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại đưa GMS lên tầm cao mới

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh trong bài phát biểu của mình tại phiên thảo luận với chủ đề “GMS và thương mại toàn cầu” đánh giá dòng chảy thương mại hàng hoá và dịch vụ qua biên giới ngày càng tăng đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế của các nước GMS trong thời gian qua. Do đó, ông cho rằng các nước GMS cần tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và ủng hộ thương mại mở trong khu vực.

Để các Hành lang kinh tế có thể phát huy đầy đủ chức năng, Thứ trưởng Bộ Công thương đề xuất  phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về tạo thuận lợi hóa thương mại và vận tải cho các Hành lang kinh tế, điều chỉnh cấu trúc các Hành lang kinh tế GMS để kết nối liên thông kinh tế GMS.

Các diễn giả trong và ngoài nước đưa ra những sáng kiến quý báu nhằm phát triển hợp tác kinh doanh trong khu vực GMS.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề xuất cần cải thiện kết nối đường bộ-đường sắt-cảng biển; thiết lập dịch vụ vận chuyển trực tiếp giữa các cảng và trạm thông quan nội địa (ICDs), kết hợp các cảng thông quan nội địa (ICDs) vào mạng lưới đường sắt; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp logistics thông qua giảm bớt các quy định và tăng cường sự tham gia của nước ngoài; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý logistics; xem xét việc thành lập một Khuôn khổ/nền tảng hợp tác Logistics GMS..

Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng các nước GMS cần cải tiến hệ thống thanh toán để thanh toán nhanh hơn và hiệu quả hơn cho các giao dịch mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đang là ưu tiên quốc gia

Bàn về thực trạng giao thông tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể không phủ nhận rằng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam đa số có quy mô nhỏ bé, chưa đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối liên hoàn, khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông và an toàn giao thông còn hạn chế.

Từ thực tế đó Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao (đặc biệt là hạ tầng giao thông) và xác định đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược.

Các đại biểu tham gia thảo luận về vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng và Tài chính cho cơ sở hạ tầng.

Cụ thể là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

Khâu đột phá chiến lược cuối cùng là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

A.Nhien - C.Trung
.
.
.