Kiểm toán Nhà nước hứa trả lời câu hỏi của PV Báo CAND vào năm sau!?

Thứ Sáu, 26/08/2016, 16:16
PV báo CAND đã đặt câu hỏi về việc liệu Kiểm toàn nhà nước (KTNN) có kiến nghị xử lý trách nhiệm của cơ quan tham mưu chính sách khi cơ chế các dự án BOT phát hiện nhiều tồn tại, nhưng Phó Tổng Kiểm toán Cao Tấn Khổng cho biết sẽ trả lời vào… năm sau!


Sáng 26-8, KTNN đã họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2015. Nóng nhất trong buổi họp báo này là các vấn đề liên quan đến các dự án BOT, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.

Báo cáo của KTNN cho biết: Do quy định về cách xác định lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí và chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ dẫn đến việc xác định một số chỉ tiêu trong phương án tài chính của các nhà đầu tư chỉ dựa trên kết quả khảo sát thực tế ngắn ngày của đơn vị tư vấn (Dự án mở rộng QL1 đoạn Km597+549 - Km605+000 và đoạn Km617+000 - Km641+000 tỉnh Quảng Bình xác định chỉ tiêu lưu lượng xe qua trạm thu phí chỉ căn cứ theo kết quả khảo sát thực tế 2 ngày của đơn vị tư vấn); hoặc tham khảo các hợp đồng tương tự đã thực hiện nên khó xác định được tính đúng đắn của phương án tài chính. 

Tại một số dự án, tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên tổng vốn đầu tư thấp hơn cam kết; khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa hợp lý. Đơn cử, tiêu biểu nhất là khoảng cách từ trạm thu phí của Dự án mở rộng QL1 đoạn Km597+549 - Km605+000 và đoạn Km617+000 - Km641+000 tỉnh Quảng Bình (BOT) đến trạm thu phí Hầm Đèo Ngang chỉ là 10km....

Rất nhiều PV tại buổi họp báo này cũng đã đặt câu hỏi về các vấn đề tồn tại của dự án BOT. Tuy nhiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng cho biết: KTNN mới chỉ tiếp cận bước đầu với các dự án này, kết quả kiểm toán chuyên đề sẽ được công bố trong năm sau, hiện chỉ cung cấp vài thông tin sơ bộ bước đầu. 

Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, nơi được phát hiện tiền phí thu thực sự cao hơn nhiều so với báo cáo

Theo ông Ngô Văn Quý – Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành 4, mặc dù đã có quy định về việc các trạm thu phí BOT phải cách nhau tối thiểu 70km, nhưng do “cơ chế mềm” đã gây ra tình trạng có nơi chỉ 10 km đã thấy lù lù 1 trạm thu phí. 

Quy định mềm đó chính là sự tồn tại của quy định: Nếu khoảng cách là dưới 70km thì nhà đầu tư sẽ thỏa thuận với địa phương và báo cáo Bộ Tài chính. Chưa kể đến việc khoảng cách trên chỉ áp dụng trên 1 tuyến, nên có trường hợp là vừa ra khỏi trạm thu phí của tuyến này gặp ngay trạm thu phí của tuyến khác. 

Ông Quý cho biết, KTNN đã kiến nghị nên điều chỉnh lại, không để các “cơ chế mềm” này tồn tại, khiến người dân bức xúc vì phí BOT.

Cũng tại buổi họp báo này, đại diện KTNN kiến nghị việc thực hiện các dự án BOT tại Trà Vinh đang gây sức ép cho người dân về phí và giảm sức cạnh canh của địa phương này, khi Trà Vinh là tỉnh khó khăn, mà ngoài dự án cầu Cổ Chiên thì các tuyến giao thông chính đều đang thực hiện theo hình thức BOT.

Qua kiểm toán, KTNN cũng đã kiến nghị điều chỉnh thời gian thu phí hoàn vốn của nhiều dự án, với lý do phương án tài chính ban đầu để ký kết hợp đồng chỉ là “tạm tính”. “Phương án này sẽ được chuẩn hóa, điều chỉnh lại khi dự án hoàn thành và quyết toán. KTNN đã xác nhận chi phí, phối hợp với nhà đầu tư rà soát các chỉ tiêu đầu vào để đưa ra phương án điều chỉnh”. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành 6 cho biết: Qua kiểm toán một dự án “không lớn lắm” với chiều dài gần 3km, tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng cho thấy, so với dự toán ban đầu, chi phí lãi vay của dự án giảm (9,5% so với gần 14% ban đầu) khiến tổng chi phí của dự án giảm; chi phí quyết toán công trình cũng khiến chi phí giảm và lưu lượng xe tăng lên. Tất cả các yếu tố này đã kéo ngắn thời gian thu hồi vốn dự án so với trước kiểm toán.

Về cơ chế đối với các dự án BOT cũng có rất nhiều bất cập khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiện nay các cơ chế này quá nghiêng về lợi ích của các nhà đầu tư mà xem nhẹ lợi ích của người dân. Đại diện KTNN cũng cho biết đã có ý kiến đề nghị thời gian tới các cơ quan chức năng xem xét nâng tỷ lệ vốn điều lệ của nhà đầu tư tham gia dự án, bởi hiện nay tỷ lệ này thấp (ở mức 15%) khiến vốn thực hiện chủ yếu là vốn vay, lãi vay lại tính vào chi phí dự án, khiến đội chi phí, thời gian thu phí kéo dài, và người dân oằn mình gánh cả.

Không chỉ thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chỉ ra rằng việc vốn tự có thấp, khiến đa phần các dự án BOT đều là vốn vay thương mại hoặc vốn bảo lãnh Chính phủ. Hậu quả là nếu dự án có lời thì nhà đầu tư hưởng, còn xảy ra sự cố thì Nhà nước sẽ lãnh hậu quả. 

Theo ông Dương Quốc Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, BOT là vấn đề cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội đều rất quan tâm, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Kinh tế tiến hành giám sát. Thời gian tới, công tác này sẽ được triển khai. Sang năm 2017, có thể sẽ có nhiều câu chuyện cần nói hơn về các dự án BOT này.

PV báo CAND đã đặt câu hỏi về việc KTNN kiến nghị nâng tỷ lệ vốn tối thiểu của nhà đầu tư lên bao nhiêu, cũng như tỷ lệ các dự án được vay bảo lãnh Chính phủ, và việc liệu KTNN có kiến nghị xử lý trách nhiệm của cơ quan tham mưu chính sách khi cơ chế các dự án BOT phát hiện nhiều tồn tại, nhưng Phó Tổng Kiểm toán Cao Tấn Khổng cho biết sẽ trả lời vào… năm sau!.


Vũ Hân
.
.
.