Bừng lên “ngọn lửa” khởi nghiệp

Tinh thần “startup”: bại không nản

Chủ Nhật, 11/02/2018, 08:40
Dù theo cách riêng biệt, “độc”, “lạ” gì đi nữa nhưng khi được hỏi về động cơ khởi nghiệp, tất cả những “ông chủ” mà chúng tôi đã đề cập trong 2 kỳ viết trước đều gặp nhau trong cùng câu trả lời về tinh thần khởi nghiệp, đó là tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”.

Khi được hỏi, nhiều “ông chủ” trẻ cho biết, họ rất tâm đắc với phát biểu truyền cảm hứng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ phát động chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021. Đó là tinh thần khởi nghiệp không nhất thiết bắt nguồn từ mong muốn làm chủ, tìm kiếm lợi nhuận cao. Lợi nhuận là công cụ để thực hiện ý tưởng của mình chứ không phải mục đích hay thước đo của sự thành công. Khởi nghiệp không nhất thiết là bắt đầu ngay với những điều lớn lao, mà nhiều khi chỉ là từ những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật để làm sao tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất...

Điều quan trọng nhất – theo nhiều “ông chủ” trẻ, đó chính là tinh thần “bại không nản”; có nhận thức đúng về thất bại và thành công trong quá trình khởi nghiệp.

“Tôi nhớ Thủ tướng ấn tượng và nhắc lại câu nói của Mark rằng rủi ro lớn nhất là không dám chấp nhận rủi ro. Trong một thế giới đang thay đổi quá nhanh chóng, nếu không dám chấp nhận rủi ro thì chắc chắn sẽ thất bại. Thủ tướng còn ví chuyện khởi nghiệp tựa như việc gieo hạt giống cho mọc thành cây thì dễ, nhưng cái khó là làm sao nó sống lâu trở thành một cây đại thụ”, bạn Hoàng Thanh Hải, vừa tốt nghiệp ĐH James Cook Singapore và đang rất hưng phấn với dự án khởi nghiệp của mình tại huyện ngoại thành Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) tâm đắc, kể.

Hoàng còn nói mình rất tán đồng với phát biểu của Thủ tướng khi ông cho rằng nếu chỉ có tinh thần “dám thất bại” thôi thì không đủ, mà mấu chốt cần phải biết làm sao để “không thất bại”, và nếu có thất bại thì cũng không nản lòng.

Theo thống kê, cứ khoảng 100 người khởi nghiệp thì có tới 80% đứng trước nguy cơ giải thể trong hai năm đầu hoạt động. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do người khởi nghiệp thiếu kiến thức về quản trị điều hành DN, thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh. Trong quá trình tiếp xúc với nhiều bạn trẻ hỏi về điều kiện khởi nghiệp, chúng tôi nghe không ít người đặt nặng vấn đề vốn liếng lên trên. Nhưng khá đông bạn trẻ có cùng nhận thức rằng cái quan trọng đầu tiên của khởi nghiệp vẫn là ý tưởng, còn tiền chỉ là điều kiện để thực hiện ý tưởng đó.

Ông chủ trẻ Nguyễn Đông Hải.

Cũng cùng quan điểm này, chàng trai Nguyễn Đông Hải (33 tuổi), chủ trang trại Vietfarm chuyên sản xuất rau sạch tại Đà Lạt, cho rằng: “Cả tiền và ý tưởng đều cần nhưng ý tưởng và mục tiêu khởi nghiệp là trên hết”.

“Ông chủ” trang trại Vietfarm kể hơn 10 năm trước, anh là sinh viên   ngành Môi trường (ĐH Đà Lạt). Sau những lần thực tập, được ra vườn cùng nông dân, chàng sinh viên quê Hà Tĩnh này cảm thấy thích thú với công việc của nhà nông đầy vất vả. Vậy là sau những giờ lên giảng đường, chàng sinh viên này vẫn hay lang thang đến các nhà vườn trồng rau ở gần trường.

“Đó cũng là những ngày trong tôi hình thành “âm mưu” khởi nghiệp. Năm đó tôi đang là sinh viên năm 3 với đôi bàn tay trắng. Tôi nằng nặc đòi chị gái (lấy chồng tại Đà Lạt) đứng tên thuê 3ha đất hoang hóa để anh khởi nghiệp, thử sức mình bằng nghề trồng rau. Thuê được đất, tôi mượn sổ đỏ của gia đình chị gái thế chấp vay được 300 triệu làm vốn đầu tư sản xuất”, Hải kể thêm.

Kết quả không như trong  suy nghĩ đơn giản của chàng sinh viên trẻ, bởi Hải không có kỹ thuật làm nông nghiệp, hơn nữa vốn liếng, đất đai, máy móc đều phải đi thuê hoặc vay mượn. “Trong suốt mấy năm liên tục, mình làm ăn không hiệu quả mặc dù đã cố gắng hết sức. Sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho thương lái tới vườn mua nên phụ thuộc tất cả vào họ dẫn đến đầu ra rất bấp bênh. Việc trúng mùa nhưng thương lái không mua, hoặc bị ép giá, phải đổ bỏ nguyên cả vườn rau cũng không phải là hiếm. Có những lúc tưởng chừng tôi đã thất bại, phá sản đến nơi, làm ăn lâm vào bế tắc khủng khiếp, nợ nần chồng chất!...”, Hải kể lại.

Do ý chí “bại không nản”, Hải đi đến một quyết định táo bạo: Tạm chấp nhận dở dang việc học để “toàn tâm, toàn trí, toàn lực” vực dậy trang trại. Hải nghĩ, chỉ có như vậy mới hy vọng vượt qua khó khăn, trả hết nợ nần. Sau quyết định này, Hải khăn gói đi nhiều nơi để tìm hiểu về cách làm nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn sạch… với mục đích để sản phẩm có thể thâm nhập được vào chuỗi các nhà hàng, siêu thị.

Một lần nữa, chàng trai này lại tiếp tục “vận động” người thân vay mượn tiền bạc để anh tái cấu trúc lại sản xuất. Phần lớn diện tích được Hải đầu tư lại từ đầu để phù hợp với việc sản xuất các loại nông sản đạt chuẩn về chất lượng. Cũng trong thời gian này, Hải đã chủ động tìm tới các đơn vị bao tiêu sản phẩm số với lượng lớn, có uy tín, gồm hệ thống các nhà hàng, siêu thị đặt vấn đề cung cấp các loại rau, củ, quả, đạt chuẩn GloboalGAP, VietGAP, MetroGAP và Chuỗi thực phẩm an toàn của trang trại.

Từ một trang trại “èo ọt” trên bờ vực phá sản vì thua lỗ, nợ nần chồng chất, “ông chủ” này đã đưa ra quyết định đúng đắn, đi tắt đón đầu xu hướng tiêu thụ nông sản sạch trên thị trường, tập trung sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, chú trọng tới chất lượng sản phẩm nên đã được các đối tác chấp nhận, tạo sự ổn định về đầu ra. Không chỉ trả hết nợ trong thời gian ngắn, trang trại này còn ăn nên làm ra trong sự ngỡ ngàng của người thân và bạn bè.

Không chỉ sở hữu tới 20ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trong đó trên 10ha đã chuyển vào sản xuất trong nhà kính) với các loại sản phẩm chủ lực như dưa leo, cà chua các loại, cải ngũ sắc, ớt chuông, củ cải, hiện Hải còn liên kết với 20 hộ dân khác với diện khoảng 30ha để sản xuất nông nghiệp sạch, nhận bao tiêu sản phẩm để đủ hàng cung cấp cho hệ thống các siêu thị.

Tổng doanh thu của trang trại của “ông chủ” trẻ này lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm ổn định cho gần 100 lao động, trở thành một trong những trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nổi tiếng tại Đà Lạt.

Nhóm PV
.
.
.